Muốn giữ được “ghế nóng”, CEO ngân hàng phải lắm “chiêu”

CEO một ngân hàng lớn tại Hà Nội cho biết áp lực với những người đang ngồi “ghế nóng” ngân hàng rất lớn do những rủi ro thị trường, kinh tế vĩ mô và quá trình tái cơ cấu hệ thống vẫn tiếp tục. Do vậy, để giữ được “ghế nóng”, CEO ngân hàng cần phải có lắm chiêu.

Ảnh minh họa.

Năm 2016 dự kiến sẽ là một năm sóng gió với các CEO ngân hàng khi hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục tái cấu trúc để đáp ứng với quy định của Ngân hàng Nhà nước, tinh gọn lại hệ thống để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Techcombank được cho là ngân hàng đầu tiên có biến động nhân sự cấp cao trong năm 2016 khi ông Murat Yuldashev, Tổng giám đốc có đơn xin thôi đảm nhiệm vị vì “lý do cá nhân”. Dự kiến, ông Murat rời Techcombank từ ngày 1/3/2016. Ông Murat ngồi “ghế nóng” Techcombank chưa được một năm.

Kể từ cuối năm 2011, ông Nguyễn Đức Vinh rời “ghế nóng” của Techcombank đến nay, nhà băng này đã thay 4 đời tổng giám đốc nhưng 3 vị không trụ được lâu.

Ngay sau khi ông Vinh từ nhiệm, ông Paul Simon Morris (quốc tịch Anh) đã được bầu làm tổng giám đốc và đến tháng 8/2013 cũng xin từ nhiệm.

Sau đó ông Đỗ Tuấn Anh, Thành viên HĐQT được bầu làm Tổng giám đốc được hơn 1 năm. Đến tháng 4/2015, ông Murat Yuldashev trở thành tổng giám đốc của Techcombank và rời ghế nóng vào cuối năm.

“Ghế nóng” sẽ tiếp tục nóng

Một ngân hàng nữa được dự kiến sẽ thay dàn lãnh đạo cấp cao trong vài tháng tới là Sacombank . Theo nguồn tin của BizLIVE, Sacombank sẽ thay đồng loạt thành viên HĐQT, tổng giám đốc. Sự thay đổi này xuất phát từ việc ông Trầm Bê ủy quyền toàn bộ không hủy ngang tất cả cổ phiếu của ông và thành viên có liên quan cho Ngân hàng Nhà nước. Ông Trầm Bê cũng rút khỏi ghế phó chủ tịch HĐQT Sacombank.

Con trai ông là Trầm Khải Hòa, thành viên HĐQT dự kiến cũng sẽ rời ghế. Ông Phan Huy Khang, tổng giám đốc, ông Kiều Hữu Dũng, chủ tịch HĐQT dự kiến cũng không tại vị.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Phước Thanh cho biết năm 2016 NHNN sẽ thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh đối với những trường hợp vi phạm mà ngân hàng thương mại không cải thiện được.

“NHNN tiếp tục đẩy mạnh việc mua bán, sáp nhập và sẽ ưu tiên cho những ngân hàng tự nguyện trước, nếu không thì buộc NHNN phải can thiệp. Thậm chí, sắp tới NHNN cũng sẽ xem xét cho phá sản một số ngân hàng yếu kém, công ty tài chính nếu không tự giải quyết được khó khăn”, ông Thanh nhấn mạnh.

Con số ngân hàng thay tướng sẽ không chỉ dừng ở hai ngân hàng. Ai cũng hiểu việc rời “ghế nóng” không chỉ đơn giản chỉ vì lý do mà nhiều CEO ngân hàng đưa ra để giải thích cho quyết định của mình. Có rất nhiều nội tình bên trong, mà ở đó là những mối quan hệ giữa tổng giám đốc và thành viên HĐQT, giữa quản trị ngân hàng và sự chi phối từ những ông chủ thật sự của ngân hàng, bị kiểm soát và phải tái cơ cấu,…

Thậm chí, có những tổng giám đốc được đặt vào “ghế nóng” chỉ để cho có và những ông chủ ngân hàng thực sự mới là người điều hành ngân hàng đó. Điều đó, khiến không ít tổng giám đốc ngân hàng vô tình phải vạ khi "có biến".

Thực tế, qua cuộc “đại phẫu” của ngành ngân hàng 4 năm qua, nhiều yếu kém trong quản trị điều hành ở một số nhà băng đã lộ rõ và hàng loạt lãnh đạo ngân hàng đã bị bắt như ông Phạm Công Danh, ông Phan Thành Mai, nguyên Chủ tịch và tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam; ông Hà Văn Thắm, bà Nguyễn Minh Thu, nguyên Chủ tịch và tổng giám đốc OceanBank; ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank; ông Tạ Bá Long và Đoàn Văn An, nguyên chủ tịch và phó chủ tịch GPBank…

Ngoài ra, hàng loạt lãnh đạo khác cũng phải rời ghế nóng như ông Trần Phương Bình bị rời ghế tổng giám đốc DongABank, ông Phạm Quyết Thắng rời ghế tổng giám đốc của GPBank, ông Phạm Hữu Phú rời ghế tổng giám đốc Eximbank…

Muốn giữ được ghế phải lắm chiêu

Như vậy, năm 2016 dự kiến thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng thay tướng của ngân hàng. Sự thay đổi này không chỉ để giải quyết những khó khăn còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng như nợ xấu, vốn ảo, quản trị mà còn là một cuộc cải cách hệ thống ngân hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập.

CEO của một NHTM lớn ở Hà Nội cho biết để ngồi được vào “ghế nóng” của một ngân hàng thì phải là người đáp ứng được rất nhiều tiêu chí như kinh nghiệm và hiểu được tầm nhìn và văn hóa của HĐQT ngân hàng đó.

“Quan trọng hơn, CEO ngân hàng phải là người quyết đoán, biết chớp cơ hội và thậm chí phải biết mạo hiểm bởi những rủi ro đặc thù của công việc. Có như vậy thì CEO ngân hàng mới thành công được. Chứ cứ lo nợ xấu, rủi ro thì rất khó. Tất nhiên, nợ xấu tăng là nỗi ám ảnh của các ngân hàng, mà gánh nặng đè lên vai CEO ngân hàng ngày một lớn, nếu những khoản nợ xấu đó không được kiểm soát và xử lý…”, vị này chia sẻ.

Vị này cũng cho biết, điều quan trọng của một CEO ngân hàng đó là điều hòa được mối quan hệ giữa quản trị ngân hàng và ông chủ thực sự của ngân hàng. “Đây là vấn đề khó nhất của các CEO ngân hàng hiện nay. Các ông chủ ngân hàng vốn có vô số mối quan hệ và luôn có áp lực chi phối tới ban điều hành, còn CEO ngân hàng thì luôn chịu áp lực từ phía cổ đông về lợi nhuận, tài sản, tiền gửi… Vì vậy, nếu không khéo léo đáp ứng được những điều đó thì có thể bị thay thế bất cứ lúc nào”, vị này chia sẻ.

Vị này cũng thừa nhận, mức lương và đãi ngộ của vị trí CEO ngân hàng rất hấp dẫn, cỡ vài trăm triệu một tháng là bình thường, đó là chưa kể đến những khoản thưởng có được khi vượt chỉ tiêu lợi nhuận.

“Tuy nhiên, áp lực của một CEO ngân hàng thì rất lớn, dường như lúc nào cũng phải hoạt động 100% công suất. Quan trọng là phải biết chớp lấy cơ hội kinh doanh, ra quyết định kịp thời. Song hiệu quả không phải lúc nào cũng mang lại như mong muốn nếu như thị trường khó khăn, doanh nghiệp gặp khó, chính sách vĩ mô… Vì vậy, để được hưởng mức lương “khủng” thì CEO ngân hàng cần phải lắm chiêu để giữ được cái “ghế nóng” trong giai đoạn tái cơ cấu này”, vị này chia sẻ.

Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cũng cho biết, để điều hành tốt hoạt động ngân hàng, hạn chế rủi ro nợ xấu, quản trị các CEO ngân hàng phải làm đúng vai trò của mình, phải tránh được sự “chế ngự” không đúng nguyên tắc từ các ông chủ của mình.

TRẦN GIANG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/ngan-hang/muon-giu-duoc-ghe-nong-ceo-ngan-hang-phai-lam-chieu-1591292.html