Ly hôn vắng mặt

Lối thoát nào khi người chồng hợp pháp của bạn bỏ đi biền biệt, không trở về?

Cuộc sống hôn nhân chất chứa bất đồng khiến nhiều phụ nữ nghĩ đến quyết định ly hôn. Tuy nhiên, nếu làm giấy hôn thú dễ dàng bao nhiêu, quy trình ngược lại càng nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối bấy nhiêu. Dở dang vì có chồng danh nghĩa Một trong những vấn đề phát sinh của thủ tục ly hôn là thiếu sự có mặt lẫn đồng ý của một trong hai bên. Và phần lớn nguyên nhân của phát sinh này đều xuất phát từ các quý ông chồng. Sau khi hoàn thành các thủ tục tuyên bố mất tích, bạn làm đơn yêu cầu tòa án xử ly hôn vắng mặt Cách đây tám năm, chị Lê Minh Châu, ngụ Q. Tân Phú, TP. HCM, kết hôn với anh Hoàng Bửu Minh. Chị làm công nhân trong một công ty điện tử. Chồng chị làm kỹ thuật viên kiêm marketing trong một công ty máy tính. Anh chị sinh được một cô con gái. Công việc của anh Bửu Minh ngày càng phát triển. Thấy điều kiện thuận lợi, anh quyết định nghỉ việc và cùng hai người bạn khác mở công ty riêng. Kinh tế gia đình khấm khá cũng là lúc anh thay lòng đổi dạ. Lấy lý do vợ không sinh con trai, anh công khai sống như vợ chồng với một cô gái trẻ đẹp. Khi chị đến tận nơi hỏi chuyện, anh mạt sát và tuyên bố từ mặt chị. Sau hôm ấy, anh Minh bỏ nhà đi thật. "Lúc đầu, tôi tưởng anh chỉ ham chơi nhất thời, tỉnh cơn mê sẽ quay về với vợ con. Nào ngờ một năm, hai năm, rồi sáu năm trôi qua, anh vẫn bặt vô âm tín cùng cô gái kia", chị Châu chua xót nói. Chẳng tiếc gì người chồng bội bạc nhưng chị vẫn chạy đi tìm anh khắp nơi để yêu cầu trợ cấp nuôi con. Chị trực tiếp liên lạc với người thân, bạn bè của chồng để dò hỏi tin tức nhưng chẳng ai biết anh Minh ở đâu. Năm năm sau ngày chồng bỏ đi, chị yêu một anh giáo nghèo ở gần nhà. Chị muốn đi bước nữa nhưng không thể vì bản đăng ký kết hôn cũ vẫn lơ lửng trên đầu. Trong đơn khởi kiện ly hôn có yêu cầu cung cấp địa chỉ chính xác của bị đơn. Chị không có địa chỉ của chồng nên không dám khởi kiện. Nghe ai bảo: "Hình như Minh ở Nha Trang", "Có lần tôi gặp Minh ở Huế"... chị đều cất công đi tìm nhưng vô ích. "Chẳng lẽ tôi phải sống như vậy chờ anh ta đến già sao?", chị Châu khóc tấm tức nói. Điều kiện để ly hôn vắng mặt Hoàn cảnh của chị Châu khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Khi chồng bỏ đi biền biệt, người vợ mang tiếng có chồng trên danh nghĩa nên không thể đường hoàng đi bước nữa. Con đường hạnh phúc cũng xa vời. Tuy nhiên, theo luật sư Hoàng Văn Trợ, Công ty Luật hợp danh Sài Gòn Việt Nam, 168 Vĩnh Viễn, P.9, Q.10. TP.HCM, những vụ án ly hôn thiếu một trong hai bên thường rất khó xét xử nhưng không hẳn hoàn toàn bế tắc. Theo pháp luật quy định, để có thể làm thủ tục ly hôn với người bỏ đi biệt tích, bên nguyên đơn nhất thiết phải tập hợp chứng cứ chứng minh người đó đã biệt tích hai năm liền trở lên. Như vậy, trong trường hợp của chị Châu, thay vì tốn công sức và tiền của đi tìm chồng, chị nên dành thời gian thu thập các chứng cứ chứng minh người chồng đã mất tích. Nguồn chứng cứ này có thể thu thập từ nhiều nơi. Bạn có thể làm đơn yêu cầu công an phường, xã nơi người chồng tạm trú lần cuối cùng xác nhận thời điểm người này không còn cư trú tại địa phương. Tiếp theo, bạn cần thu thập thông tin từ cha, mẹ, anh chị em và cả bạn bè của người bỏ đi để xác nhận đã lâu họ không còn liên lạc hay có tin tức gì của người ấy. Để việc thu thập chứng cứ được đơn giản, ngay khi vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn và chồng bỏ đi, bạn cần đến ngay cơ quan công an địa phương để khai báo. Trong trường hợp người chồng đòi xóa hộ khẩu khi bỏ đi, bạn phải có xác nhận anh ta xóa hộ khẩu từ thời điểm nào. Đó là các căn cứ để tòa tuyên bố mất tích và thụ lý vụ án ly hôn của bạn. Sau khi hoàn thành các thủ tục tuyên bố mất tích, bạn làm đơn yêu cầu tòa án xử ly hôn vắng mặt. Trong đơn, bạn cần trình bày tên, tuổi... của bạn và bị đơn, lý do xin ly hôn, nội dung ly hôn... Bạn cần gửi kèm giấy chứng minh thư của bạn, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn và các chứng cứ chứng minh bị đơn đã biệt tích suốt hai năm liền. Khi nhận đơn yêu cầu, tòa án sẽ hướng dẫn bạn áp dụng các biện pháp thông báo tìm kiếm trên báo, đài, truyền hình. Bạn cần lưu ý thực hiện quy trình này đúng theo quy định của pháp luật. Cụ thể, thông báo tìm kiếm phải được đăng trên báo của trung ương trong ba số liên tiếp và đài phát thanh và truyền hình trung ương ba lần trong ba ngày liên tiếp. Đó là thời gian cần thiết để bị đơn biết về sự việc ly hôn và là cơ sở chính để bạn được giải quyết ly hôn vắng mặt. Sau bốn tháng kể từ ngày đăng, phát thông báo đầu tiên, người bỏ đi không về hoặc không có tin tức báo về, tòa án sẽ có quyết định tuyên bố mất tích và tiến hành xử ly hôn vắng mặt. Giải quyết những tranh chấp hậu ly hôn Sau ly hôn vắng mặt, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong số những vấn đề quan trọng nhất là việc chia tài sản ,quyền nuôi dưỡng con cái, trợ cấp nuôi con, quyền thừa kế của người con... Sau ly hôn, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi. Bạn được sở hữu một nửa tài sản chung và có quyền sử dụng số tài sản đó theo mục đích riêng của mình. Với phần tài sản của người bị tuyên bố mất tích, tòa án sẽ giao cho con đã thành niên hoặc cha, mẹ của người bị mất tích quản lý. Sau năm năm, kể từ ngày tuyên bố biệt tích, nếu bị đơn vẫn không về và bạn có con chung với bị đơn, bạn nên khuyên con làm đơn yêu cầu tòa án tuyên bố bị đơn đã chết trên giấy tờ. Khi ấy, phần tài sản của bị đơn sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Nếu bị đơn có di chúc, tài sản sẽ được chia theo di chúc. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp bỏ đi biệt tích thường không có di chúc. Trong trường hợp đó, tài sản của bị đơn sẽ được chia đều cho những người đồng thừa kế. Lúc này, bạn không còn là một thừa kế của chồng đã ly hôn nhưng các con bạn vẫn có quyền lợi ngang với các đồng thừa kế khác. Khi yêu cầu ly hôn, bạn cần nhờ tòa án giải quyết ngay vấn đề chia tài sản, con cái, cấp dưỡng... Điều đó sẽ tránh cho bạn những thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp tài sản, đòi quyền nuôi con với người mất tích và người thân của họ... Ngoài ra, những phụ nữ yêu cầu xử ly hôn vắng mặt còn có thể bị quấy rối khi người chồng đã bị tuyên bố mất tích đột ngột trở về. Người chồng có thể yêu cầu vợ cũ quay lại sống chung hoặc chia lại phần tài sản đã nhận. Trong trường hợp này, luật sư Hoàng Văn Trợ cho biết: "Nếu vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn, dù người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực người đó còn sống, quyết định ly hôn vẫn có hiệu lực". Do vậy, khi chồng cũ trở về và yêu cầu bạn phải sống chung, bạn không có nghĩa vụ phải thực hiện. Nếu đã có chồng mới hợp pháp nhưng quay lại chung sống với người chồng đã ly hôn, bạn đã vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Nếu sau ly hôn, bạn và chồng cũ chưa kết hôn với ai, muốn quay lại sống chung, hai bạn phải tiến hành đăng ký kết hôn lại. Về phần tài sản sau khi ly hôn, nếu đã được chia theo quy định của pháp luật, bị đơn cũng không có quyền đòi lại. Nguyên đơn vẫn là chủ sở hữu hợp pháp và toàn quyền sử dụng phần tài sản được chia. Nếu người đã bị tuyên bố mất tích trở về gây khó khăn cho bạn, bạn có thể nhờ đến sự can thiệp của pháp luật. Theo

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/yeuvasong/401551/index.html