Bên nồi bánh chưng nói chuyện Tết xưa, Tết nay

Bên nồi bánh chưng đang sôi, hương bánh tỏa ra thơm ngào ngạt. Càng về khuya trời càng lạnh, một lớp mưa bụi lất phất rơi càng làm cho bầu không khí đón xuân nhà ông Ba thêm nồng ấm.

Nâng chén trà mời các ông bạn hàng xóm cùng quây quần bên bếp lửa hồng, chắc lâu lắm rồi nhà ông mới có buổi gặp gỡ, trò chuyện ấm cúng, thân tình như thế này. Câu chuyện của các ông râm ran, hồi nhớ về những tết xưa. Ông Tân trước làm công nhân nói:

- Bây giờ sao mà được nghỉ tết nhiều thế không biết. Chả bù cho ngày xưa, các ông còn nhớ chứ, mới đầu còn được nghỉ tết ba ngày: Ba mươi, mùng một, mùng hai. Sau còn có hai ngày là: Ba mươi, mùng một. Sau nữa là còn có ngày rưỡi là: Nửa ngày ba mươi với ngày mùng một. Mùng hai đã phải đồng loạt “ra quân” rồi.

Ông Bách là cán bộ đã nghỉ hưu nói:

- Mang tiếng nghỉ tết ít thế, nhưng tết nào cũng vui, tết nào cũng “ăn” ra trò. Tôi nhớ cứ từ hai mươi ba, tết Ông Công ông Táo là không khí tết đã tràn ngập mọi nơi rồi. Mà hồi ấy cái gì cũng thiếu thốn, cái gì cũng phải phân phối, nhưng tết thì nhà nào cũng tươm tất, rượu, thịt đầy đủ, hay thật.

Ông Tân nói:

- “Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà”. Xưa các cụ đã nói thế rồi. Ở chỗ tôi làm việc, cứ từ hăm ba tháng chạp trở đi là mổ bò, mổ trâu, mổ lợn tưng bừng. Công việc thì gọi là làm đấy, nhưng tất cả cứ hong hóng vào mấy tay hậu cần ở các bộ phận cử đi làm công tác phân phối. Khi có lệnh gọi ra lấy phần là tất cả xếp hết công việc lại, chạy ra lấy phần đã. Phải nói là hồi ấy người ta chia phần khéo thật. Mỗi suất thịt có khi chỉ hai, ba cân là cùng, nhưng có đủ cả nạc, mỡ, xương, lòng, chả ai kém ai tí nào.

Ông Ba chen vào:

- Thì cơ quan tôi cũng thế, cứ gọi là nhận hàng tết cho đến ngày cuối cùng trước khi về ăn tết. Hôm thì vài cân cá do ngoại giao với đơn vị bạn họ phân phối cho, hôm thì thịt bò, hôm thì thịt lợn, hôm thì hoa quả ở các vùng có quan hệ công tác, do phòng hành chính cơ quan ngoại giao được mua về. Cho nên hồi ấy mang tiếng nghỉ tết ít, nhưng ăn tết thì cũng dài ra phết ấy chứ lại.

Ông Tân nói:

- Ngày xưa nghỉ tết ít ngày chỉ khổ những người làm việc ở xa. Tết là ngày đoàn tụ gia đình, ai cũng phải thu xếp để về quê ăn tết. Nhiều người phải nghỉ phép để ăn tết vì quê ở xa cơ quan, tàu xe thì khó khăn, chật chội. Đi chuyến tàu với quãng đường độ trăm cây số có khi mất cả ngày trời, có khi còn lỡ tàu, lỡ xe, phải chầu chực mấy ngày mới mua được vé, có anh mấy ngày nghỉ phép đi tong hết vào việc đợi tàu, đợi xe, rõ khổ. Vậy mà chả mấy ai tết không về quê ăn tết đấy...

Ông Bách đẩy thanh củi đang cháy rực vào giữa đáy bếp nồi bánh chưng, rồi nói:

- Nhà ông Ba duy trì nồi bánh chưng này hay thật đấy, nhà tôi sang năm cũng phải khôi phục lại việc gói bánh chưng. Ngày tết, có nồi bánh chưng không khí nó háo hức hẳn lên. Nhiều nhà bây giờ chỉ mua vài cái gọi là có, việc chuẩn bị tết cũng dửng dưng, có nhà sáng ba mươi mới ra chợ một vòng, mua về đủ thứ, thế là xong việc sắm tết. Tôi thấy nó thế nào ấy, tết là phải bận rộn, tất bật một tí nó mới đúng không khí. Mâm cỗ cúng tổ tiên ngày tết phải do chính tay con cháu nấu nướng dâng lên mới đúng ý nghĩa cổ truyền của dân tộc.

Ông Bách nói:

- Bây giờ người ta bận với tất bật vào những việc mà mình ngày xưa không mấy ai bận, đó là đi “Tết” lẫn nhau. Khổ, như vợ chồng thằng con tôi đây này, thằng chồng suốt mấy hôm nay cứ gói lớn, gói bé đi đến sếp này, sếp kia. Con vợ thì ở nhà tiếp quà người ta đến biếu, cứ như cái đèn cù ấy. Mà tệ cái là đi quà, đi lễ nhau xong là xong, tết chả ai đến nhà ai nữa, thật chả còn ý nghĩa gì của ngày tết cả. Xưa hàng xóm láng giềng, ngày thường có khi có va chạm, điều nọ, tiếng kia với nhau, nhưng tết là xí xóa hết, đến nhà nhau, tay bắt mặt mừng, nói lời chúc tụng nhau, sao mà nghĩa tình ấm áp thế. Giờ thì tục lệ ấy hầu như bị mất. Người ta chỉ đến những nơi mà không thể đừng được, như là nhà của các sếp lớn, các người có quan hệ làm ăn trực tiếp với mình là cùng thôi.

Ông Ba nói:

- Ông nói thế cũng chưa đúng hẳn, còn đầy người chả có quan hệ làm ăn, cấp trên, cấp dưới với ai cả, nhưng họ cũng chả đến nhà ai sất, tết ở nhà nhậu, xong là đi ra đường chơi...

Ông Tân nói:

- Xưa là ăn tết, tết đến mới được ăn miếng ngon, thậm chí có nhà mới được ăn no. “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết” mà. Giờ ăn uống no đủ rồi, miếng ăn không quan trọng như xưa nữa, vì vậy mà người ta lo chơi tết hơn là ăn tết chăng? Đấy bây giờ nhiều nhà tết đến là vợ chồng, con cái đóng cửa, dắt nhau đi du lịch. Trái hẳn với truyền thống là tết đoàn tụ gia đình, quây quần bên bàn thờ tổ tiên.

Ông Bách thở dài nói:

- Cứ cái đà này TẾT chả còn là NHẤT nữa.

Ông Ba nói:

- Nhân nói đến “Tết, nhất”, tôi kể cái tết mà các cụ nhà tôi kể lại, nó “nhất” như thế nào: Hồi ấy nhà tôi nghèo lắm, nghèo nhất cái làng này mất. Tết đến mà chả có gạo nếp để gói bánh chưng, chả có thịt, cá gì mà làm mâm cơm cúng tổ tiên cả. Mãi đến sáng ba mươi tết, bà nội tôi mới nói khó với nhà lý trưởng vừa mổ thêm con lợn, lão lý trưởng đồng ý bán chịu cho cái chân giò. Mừng quá bà nội tôi đem về sửa soạn mâm cỗ tết với chiếc chân giò mua chịu ấy. Bà nội tôi vừa luộc chín cái chân giò, vớt ra đĩa, thì ngoài ngõ có tiếng quát tháo om sòm. Bà nội tôi chạy ra, thì thấy mụ vợ lý trưởng sồng sộc đi vào, mụ quát đòi lại cái chân giò, mụ không cho mua chịu. Bà nội tôi mếu máo mà nói rằng đã trót luộc mất rồi, mụ ta bảo: Luộc rồi cũng lấy về. Các ông biết không, trên bàn thờ đêm ba mươi tết nhà tôi năm ấy chỉ có nén nhang và một bát nước suýt luộc cái chân giò ấy.

Mọi người lặng đi về câu chuyện ông Ba kể.

Ông Bách nói:

- Sao ngày xưa lắm cảnh cơ cực như thế nhỉ. Mà nhà lý trưởng thất đức ấy trời cũng quả báo, cả làng này ai chả biết. Nhà ấy dạo cải cách không sao nhưng về sau cũng tự tan nát, mọi người nói chả có oan sai gì cả.

Ông Ba nói tiếp:

- Tôi kể lại chuyện này, không phải để kể tội nhà lý trưởng, mà để nói với các ông rằng: Từ ấy hàng năm trên mâm cỗ cúng giao thừa của nhà tôi bao giờ cũng có một bát nước suýt luộc chân giò. Đến bây giờ con cháu gọi là “Bát canh trắng”. Để ghi nhớ cái tết cực nhất của nhà tôi.

Ông Tân nói:

- Đã nói đến tết là nhớ đến nhiều cái nhất, ông Bách đừng lo tết không còn nhất nữa. Đấy bây giờ tết được nghỉ nhiều nhất từ xưa đến giờ nhé, rồi tiền thưởng ở một số cơ quan cao nhất đến hàng trăm triệu đồng cũng có nhé, mà thấp nhất là mỗi người chỉ được thưởng ba chục ngàn đồng, đủ tiền mua “bát nước suýt” cúng cụ cũng có nhé...

Câu chuyện của các ông bên nồi bánh chưng càng về khuya càng sâu lắng. Bao kỷ niệm vui, buồn về những cái tết đã qua được khơi lại. Có lúc được kể bằng giọng trầm buồn, có khi lại bằng lời sôi nổi vì cùng nhau nhắc đến những kỷ niệm mà ai cũng trải qua.

Chắc nhiều nơi bên nồi bánh chưng người ta cũng nói những chuyện về tết xưa, tết nay như nhà ông Ba. Chỉ mong câu chuyện làm sao để mọi người hướng về TẾT là NHẤT. TẾT là thiêng liêng trong tâm hồn người Việt.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/cuoi/ben-noi-banh-chung-noi-chuyen-tet-xua-tet-nay-659950.html