3 tiếng đồng hồ, 38 câu hỏi và 'đời thường' của ngoại giao

Lần đầu tiên Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn 'ngồi ghế nóng' với tư cách tư lệnh ngành ngoại giao, trả lời câu hỏi về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực đối ngoại trong phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu trong cả nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao chiều 18/3. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 18/3, trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Những vấn đề “nóng” mà các đại biểu quan tâm trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực, bám sát những quan tâm và mong đợi của cử tri, từ những vấn đề lớn của đất nước như quan hệ đối ngoại, ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa, biên giới lãnh thổ cho đến việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá văn hóa, du lịch của địa phương và những vấn đề gắn chặt với cuộc sống của nhân dân như bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, ngăn chặn tình trạng lừa đảo người lao động ra nước ngoài làm việc, hay tạo thuận lợi hơn nữa cho đi lại, du lịch của người dân.

Trong ba tiếng đồng hồ, với tinh thần “hỏi nhanh - đáp gọn”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã trả lời ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ, bao quát, trực tiếp đi vào vấn đề mà dư luận quan tâm. Phiên trả lời chất vấn trong lĩnh vực ngoại giao được cử tri theo dõi chặt chẽ, đánh giá sâu sắc và cảm nhận được sự sát sao của người đứng đầu ngành ngoại giao đối với lĩnh vực mà mình phụ trách.

Điểm sáng đầy ấn tượng

Trước sự quan tâm của các đại biểu đối với công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mặc dù tình hình thế giới trải qua nhiều biến động, bên cạnh những thuận lợi cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức gay gắt hơn trước, đặt ra nhiều nhiệm vụ mới nặng nề cho ngành ngoại giao.

Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam, triển khai đồng bộ cả bốn trụ cột và “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước những năm qua” như đánh giá của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 nước thành viên của Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với bảy nước.

Riêng trong năm 2023, việc thiết lập, nâng cấp quan hệ với các đối tác đã góp phần tạo dựng tin cậy chính trị, tranh thủ thế mạnh của từng đối tác để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn.

Chúng ta đã mở ra những đột phá trong quan hệ với đối tác, ví dụ như tăng cường kết nối hạ tầng với Trung Quốc, phát triển công nghiệp bán dẫn với Mỹ, hợp tác nông nghiệp công nghệ cao và giáo dục đào tạo với Australia, ODA thế hệ mới hướng vào phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng với Nhật Bản.

Đồng hành cùng địa phương

Đây là cụm vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm với nhiều câu hỏi, cụ thể về giải pháp mà ngành ngoại giao có thể đồng hành hỗ trợ địa phương như thúc đẩy quan hệ đối ngoại và hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư với các nước, vận động công nhận các di sản và danh hiệu UNESCO cho địa phương, thu hút khách du lịch…

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Phiên họp lần thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 18/3. (Nguồn: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết quy hoạch và phát triển cửa khẩu kinh tế là định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo được củng cố quốc phòng, an ninh đồng thời tạo cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, thời gian tới, để nâng tầm quan hệ và nâng cấp quan hệ, làm sâu sắc hơn quan hệ với nước láng giềng thì việc nâng cấp cửa khẩu, mở rộng cửa khẩu… là nhiệm vụ rất quan trọng của các cơ quan trung ương và các địa phương.

Theo đó, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan liên quan ở trung ương, các địa phương để khảo sát, đánh giá, triển khai theo lộ trình từng cặp cửa khẩu mới, nâng cấp sang những loại hình mới như cửa khẩu thông minh. Do đó, phải phối hợp các bộ, ngành, đồng thời trao đổi với phía đối tác, nhất là ba nước láng giềng để thống nhất triển khai.

Với tinh thần lấy địa phương, doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, ngành ngoại giao luôn coi ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là trọng tâm trong tất cả các hoạt động đối ngoại. Ngoại giao đã tận dụng tốt mạng lưới 17 Hiệp định thương mại tự do đã ký với 68 đối tác trên thế giới để mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn vốn FDI, nhất là FDI chất lượng cao và nguồn vốn ODA thế hệ mới cho sự phát triển của đất nước.

Riêng trong năm 2023, đã có hơn 70 văn kiện được ký kết giữa các bộ, ngành, hơn 150 văn kiện giữa các địa phương với địa phương và các đối tác quốc tế và hàng trăm văn kiện giữa các doanh nghiệp, mở ra những cơ hội phát triển mới cho các địa phương, doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, trọng tâm sẽ là khai thác được những tiềm năng hợp tác với các đối tác mà Việt Nam đã nâng tầm, nâng cấp quan hệ, tạo ra những nguồn lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cơ sở đó, ngành ngoại giao, đặc biệt là các cơ quan đại diện tại nước ngoài đang tích cực hỗ trợ các tỉnh các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, hỗ trợ quảng bá và xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh, tìm kiếm, giới thiệu các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiềm năng.

Lan tỏa “sức mạnh mềm”

Rất nhiều ý tưởng và đề xuất được các đại biểu hiến kế để quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Chia sẻ ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp nâng cao quảng bá được hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và ngược lại chúng ta tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới.

Thời gian qua, hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao cũng được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hóa. Hình ảnh các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các nước uống trà, cà phê Việt Nam, dạo bộ trên những con phố cổ ở Hà Nội, thưởng thức những món ăn Việt Nam… cho thấy một nước Việt Nam hòa bình, thân thiện, hiếu khách. Với vị thế và những đóng góp của mình, Việt Nam đã được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào năm vị trí quan trọng nhất trong số bảy cơ chế quan trọng của UNESCO, trong đó có Ủy ban Di sản thế giới.

Trong quảng bá văn hóa Việt Nam, không thể không kể đến vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Ở mỗi cơ quan đại diện đều có góc trưng bày văn hóa Việt Nam, nhất là ở phòng tiếp khách, tiếp công dân. Ở một số địa bàn trọng điểm, chúng ta đã thành lập các trung tâm văn hóa Việt Nam, trung tâm nghiên cứu Việt Nam tại các trường đại học, viện nghiên cứu.

Các sự kiện ngày Việt Nam, tuần phim, ẩm thực Việt Nam để quảng bá văn hóa Việt Nam thường xuyên được tổ chức. Đặc biệt, việc duy trì dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Các cơ quan đại diện đã hỗ trợ các hội đoàn người Việt xây dựng các trường, lớp tiếng Việt, xây dựng giáo trình dạy tiếng Việt, cung cấp sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy và vận động chính quyền các nước hỗ trợ các cơ sở giảng dạy tiếng Việt của kiều bào ta, đưa tiếng Việt vào hệ thống giáo dục sở tại.

Điểm tựa cho công dân Việt Nam ở nước ngoài

Một trong những vấn đề nóng được dư luận quan tâm là việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, trong bối cảnh các điểm nóng, tình hình nội bộ ở một số nước diễn biến phức tạp, các thảm họa thiên nhiên diễn ra ở nhiều nơi, môi trường sống, môi trường an ninh bên ngoài Việt Nam có nhiều bất ổn.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, từ sau đại dịch Covid-19 giao lưu giữa Việt Nam và quốc tế được triển khai mạnh mẽ. Nếu như năm 2022 có khoảng 3,8 triệu lượt công dân của Việt Nam ra nước ngoài thì đến năm 2023 lên đến hơn 10 triệu lượt người ra nước ngoài lao động và học tập. Việc bảo hộ công dân ngày càng trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cán bộ ngoại giao.

Khi có vấn đề xảy ra, Bộ Ngoại giao đã phối hợp để triển khai sơ tán ngay công dân về nơi an toàn. Công tác bảo hộ công dân của ta được tiến hành rất kịp thời như tại Myanmar, Israel, Ukraine... Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào vào công tác dự báo tình hình, dự đoán nguy cơ xung đột giữa các nước hoặc xung đột nội bộ để kịp thời sơ tán công dân.

Trước thực trạng thời gian gần đây nhiều thanh thiếu niên bị dụ dỗ, lừa đảo ra nước ngoài làm “việc nhẹ lương cao”, để hỗ trợ người dân, Bộ Ngoại giao cũng đã phối hợp với các đối tác và cơ quan trong nước giải cứu và tổ chức đưa về nước an toàn, gần đây nhất đã tổ chức các chuyến bay miễn phí hồi hương hàng nghìn công dân ta từ Myanmar. Tuy nhiên để giải quyết căn cơ vấn đề này, điều quan trọng là cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, cảnh báo người dân; khuyến khích công dân cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.

* * *

Ba tiếng đồng hồ, với sự chân thành, cầu thị, trách nhiệm và quyết tâm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế thể hiện rõ tại phiên chất vấn, người đứng đầu ngành ngoại giao đã trả lời cặn kẽ những vấn đề được các đại biểu đưa ra. Nhiều vấn đề được giải đáp, nhiều nội dung được làm rõ.

Như nhiều đại biểu chia sẻ, phải qua cuộc chất vấn này mới hiểu rõ hơn công việc của ngành ngoại giao, rất chiến lược nhưng cũng rất đời thường, ngoại giao không chỉ là giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng trong quan hệ với các nước mà còn trực tiếp xử lý những vấn đề liên quan đến đời sống, công việc, đi lại của từng người dân, đúng với tinh thần phụng sự đất nước, phụng sự Nhân dân.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/3-tieng-dong-ho-38-cau-hoi-va-doi-thuong-cua-ngoai-giao-264904.html