Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, anh hùng đã hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn hóa ẩm thực. Đây là niềm tự hào và giá trị truyền thống quý báu của người Hà Nội.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Chỉ thị khẳng định tư duy đổi mới, thể hiện quyết tâm chính trị mới của Thành ủy Hà Nội nhằm tạo ra kết quả mới trong một nhiệm vụ quan trọng.

Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn xác định: xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội; coi đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ban VHGD Quốc Hội cho biết: “Văn hóa hay con người bao giờ cũng là mục đích của mọi sự phát triển, và nếu tập trung cho văn hóa, tập trung cho con người, chúng ta sẽ đảm bảo được sự phát triển bền vững. Chúng ta đã có được một nhận thức rất tốt như vậy rồi thì cần phải biến những nhận thức này thành hành động”.

Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa trong Chương trình công tác lớn của Thành ủy ở nhiều nhiệm kỳ liên tiếp. Chương trình số 06 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” đã nêu 18 chỉ tiêu theo 7 nhóm, 3 yêu cầu, cùng 14 nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Thành phố đã luôn luôn quán triệt, xác định, tập trung trong xây dựng môi trường văn hóa, coi môi trường văn hóa là gốc của vấn đề, là nền tảng để kiến tạo, phát triển và xây dựng văn hóa một cách bền vững”.

Tổ chức thành công Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VI

Tuy nhiên, so với yêu cầu, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đi vào thực chất, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thể hiện rõ tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật để phân tích, chỉ ra những vấn đề này. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Cùng với môi trường văn hóa công sở, thì gia đình, nhà trường có vai trò quan trọng trong việc bồi đắp các giá trị văn hóa ứng xử thanh lịch, văn minh cho mỗi công dân thủ đô.

TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn VHXH - Ủy ban TW MTTQ Việt Nam: “Ai ai cũng ứng xử thanh lịch, văn minh làm cho xã hội đáng sống. Đáng sống bởi con người ứng xử có chuẩn mực, yêu thương nhau, dù khó khăn hay giàu có, đầy đủ cũng phải yêu thương nhau”.

Chỉ thị 30 được ban hành sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, thường xuyên; đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ "xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" trong giai đoạn mới. Thành phố sẽ kiên trì và đẩy mạnh mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, để văn hóa trở thành một động lực quan trọng đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô./.

Thực hiện: Thanh Hồng
Đồ họa: Thanh Nga

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xay-dung-nguoi-ha-noi-thanh-lich-van-minh-220827.htm