Giảm nghèo đa chiều còn nhiều thách thức

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều.

Tỷ lệ hộ nghèo tại thôn Lũng Noong, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn còn cao.

Triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh, hằng năm các sở, ngành thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các địa phương, xây dựng phương án chi tiết phân bổ nguồn vốn; phối hợp tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách theo quy định; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tỉnh Bắc Kạn thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đến nay các ngành, địa phương đã có nhiều cách làm thiết thực hiệu quả như: Hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo; tư vấn, định hướng giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho người lao động; thực hiện cứu đói, cứu trợ đột xuất… Cụ thể năm 2023 toàn tỉnh đã triển khai được 147 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo với tổng số vốn được giao 166.326 triệu đồng.

Với những nỗ lực đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 của tỉnh Bắc Kạn giảm 2,76%, đạt và vượt kế hoạch của tỉnh đề ra. Đối với các huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,38%, không đạt mục tiêu đề ra (giảm từ 49,99% xuống còn 46,61%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 24,49% (giảm từ 27,94% xuống còn 24,49%), giảm 3,45%, đạt theo kế hoạch đề ra.

Người dân thành phố Bắc Kạn được hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế.

Nguyên nhân dẫn đến một số kết quả không đạt mục tiêu đề ra do công tác tuyên truyền một số nơi hiệu quả chưa cao, như: Các hình thức tuyên truyền chưa cuốn hút được sự chú ý theo dõi của người dân, do đó vẫn còn hiện tượng người dân không muốn thoát nghèo, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cần tăng cường phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện đối với công tác giảm nghèo tại địa phương.

Nhìn lại năm 2023, tổng nguồn vốn được giao cho công tác giảm nghèo là 373.632 triệu đồng. Tiến độ triển khai và giải ngân vốn chậm, nguyên nhân quy trình thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị qua nhiều bước, nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến thời vụ, tiến độ thực hiện giải ngân; chưa có hướng dẫn xác định đối tượng “người lao động có thu nhập thấp”… Bên cạnh đó do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường, hộ nghèo chủ yếu tập trung ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhiều hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, không có khả năng thoát nghèo; một số nơi điều kiện tự nhiên và sản xuất không thuận lợi, phong tục tập quán còn lạc hậu… dẫn đến khó khăn trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Năm 2024 toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2 - 2,5%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, trong đó tỷ lệ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm bình quân từ 4 - 5%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%... Để thực hiện được các mục tiêu trên, các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo hướng bền vững. Đồng thời xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các dự án, tiểu dự án ngay từ đầu năm, sử dụng nguồn lực đầu tư đúng mục tiêu, đúng đối tượng theo quy định, nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Bích Ngọc

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/giam-ngheo-da-chieu-con-nhieu-thach-thuc-post63109.html