Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Sơn La - vùng đất có nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc; là nơi hội tụ, sinh sống từ lâu đời của 12 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có một kho tàng di sản văn hóa đặc sắc mang sắc thái riêng. Trong suốt quá trình lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, nhân dân các dân tộc Sơn La đã luôn đoàn kết, kiên cường, anh dũng trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Những giá trị tinh thần quý báu đó đã được truyền qua bao thế hệ con người Sơn La, được hun đúc và trở thành truyền thống tốt đẹp của văn hóa, con người Sơn La.

Truyền dạy tác phẩm “Vũ điệu kết đoàn”.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người của tỉnh Sơn La luôn được quan tâm, chú trọng. Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương để lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa. Bởi vậy, sự nghiệp văn hóa của tỉnh tiếp tục phát triển tích cực, toàn diện.

Bà Hoàng Ngân Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, các giá trị truyền thống tiếp tục được quan tâm, đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị. Các thiết chế văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng được đầu tư và phát huy hiệu quả. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ. Việc giữ gìn, tiếp thu, phát triển các giá trị văn hóa của con người Sơn La, giáo dục đạo đức, lối sống, cách ứng xử văn hóa trong xã hội, gia đình, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng được quan tâm chú trọng. Bản sắc, truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La dần được khẳng định, định hình rõ nét...

PGS.TS Đặng Thị Hảo Tâm, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Chủ nhiệm đề tài “Từ điển lịch sử văn hóa tỉnh Sơn La”, đánh giá: Sơn La là một vùng đất có vị trí đặc biệt với nhiều địa danh du lịch, danh lam thắng cảnh, là điều kiện phát triển du lịch, hình thành các làng nghề truyền thống. Đây còn là vùng đất lưu giữ nhiều nét văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng tạo nên đặc trưng riêng của Sơn La không nơi đâu có được.

Đối với di sản văn hóa vật thể, toàn tỉnh hiện có 96 di tích được đưa vào danh mục, trong đó, 1 di tích Quốc gia đặc biệt, 16 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh, 33 di tích chưa được xếp hạng. Nhiều di tích đang được bảo tồn và khai thác hiệu quả, nổi bật, như: Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Di tích Văn bia Quế lâm Ngự chế - Đền thờ Vua Lê Thái Tông, Di tích lịch sử Trung đoàn Tây Tiến... thu hút đông đảo du khách đến thăm quan, học tập và nghiên cứu, góp phần vào việc giáo dục truyền thống, ý thức phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân.

Trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã được kiểm kê để nhận diện đầy đủ đặc trưng văn hóa của các dân tộc, các ngành và các nhóm địa phương với 9 dân tộc, gồm: Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng. Được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhiều di sản văn hóa tiêu biểu, như: Chữ viết cổ dân tộc Thái; Lễ hội Hết Chá dân tộc Thái (nhóm Thái trắng Mộc Châu); nghệ thuật Xòe Thái; lễ cúng dòng họ dân tộc Mông, lễ Pang A của dân tộc La Ha; nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao; nghệ thuật Khèn của người Mông huyện Mộc Châu; nghi lễ truyền thống trong đám cưới của người Dao tiền; nghi lễ gội đầu của người Thái trắng huyện Quỳnh Nhai; nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa huyện Mộc Châu; nghi lễ Mạng Ma (cầu sức khỏe) của người Xinh Mun, xã Chiềng On (Yên Châu); lễ Kin Pang Then của người Thái trắng…

Biểu diễn múa dân tộc Thái tại Khu du lịch sinh thái thác Dải Yếm (Mộc Châu).

Những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã chú trọng phát triển du lịch, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch, như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... Việc hoàn thiện và xây dựng các điểm, khu du lịch tiếp tục được đẩy mạnh, như: Tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La, Khu du lịch thành phố Sơn La, Khu du lịch Bắc Yên, du lịch Rừng thông bản Áng; Khu du lịch Ngọc Chiến - Mường La. Xây dựng và phát triển các điểm du lịch, như: Thác Dải Yếm, Happyland (Mộc Châu); Rừng Vàng, Thung lũng Hoa Ban (Thành phố); Đảo trái tim, Vịnh Uy Phong (Quỳnh Nhai); điểm du lịch Tà Xùa, Sống lưng khủng long, Đồi Pu Nhi (Bắc Yên)...

Trong thời đại 4.0 xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa đang diễn ra sôi động, vai trò, vị trí, của văn hóa ngày càng quan trọng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và tổ chức thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” (ban hành kèm theo Kết luận số 335-KL/TU ngày 26/7/2021). Trong đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ về xây dựng văn hóa, con người Sơn La.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc của Sơn La gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Xây dựng con người Sơn La phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Việt Anh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/xay-dung-nen-van-hoa-tien-tien-dam-da-ban-sac-dan-toc-45499