Kỳ tích phi thường của Bộ đội Trường Sơn

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ đội Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại với hàng trăm trục dọc, trục ngang như 'bát quái trận đồ', là những nhân tố chiến lược quan trọng, có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954), đất nước ta bị chia cắt, liên lạc giữa hai miền qua miền tây Quảng Trị, do Liên khu ủy 5 phụ trách. Tuy nhiên, tuyến đường này không thể chi viện lớn, trong khi chiến trường miền Nam rất cần nhân lực, vật lực.

Ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập “Đoàn công tác đặc biệt” (phiên hiệu Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn). Lúc đầu, khoảng 500 cán bộ, chiến sĩ chịu trách nhiệm xây tuyến đường từ miền Bắc chi viện cho cách mạng miền Nam, cũng như cho cách mạng Lào và Campuchia.

Con đường được ra đời đúng vào ngày sinh của Bác Hồ. Từ đây, đường Trường Sơn được mang tên “Đường Hồ Chí Minh”, thực hiện nhiệm vụ vừa vận chuyển, vừa mở đường hành quân, đi vào lịch sử như một huyền thoại sống về ý chí, trí tuệ và bản lĩnh của quân - dân Việt Nam. Với phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, Đoàn 559 đảm bảo tối đa bí mật, thậm chí còn dùng ván gỗ để khi đi không để lại dấu vết.

Với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, lớp lớp lực lượng từ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông và Nhân dân các dân tộc đã bền bỉ, kiên cường trụ bám trận địa, trụ bám tuyến đường, giữ vững thông suốt mạch máu giao thông này. Hàng hóa vận chuyển bằng xe đạp thồ, xe bò, tiến tới vận chuyển khối lượng khổng lồ.

“Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, chuyến hàng đầu tiên (tháng 8/1959) vượt Trường Sơn được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên. Đây là dấu mốc có ý nghĩa rất to lớn, vì mỗi viên đạn, khẩu súng đến với chiến sĩ miền Nam ruột thịt thể hiện “ý Đảng”, “lòng dân”, là tình cảm của Bác Hồ kính yêu, của Nhân dân miền Bắc gửi đến miền Nam. Trải qua 16 năm (1959 - 1975), từ những con đường mòn men theo dãy Trường Sơn, tuyến đường không ngừng được mở rộng, vươn xa như “trận đồ bát quái”, phủ kín dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng, quân dân ta sửa chữa, mở rộng con đường, kết nối mạng giao thông thành “xương sống” ở bán đảo Đông Dương. Kết thúc cuộc chiến, tuyến chi viện chiến lược này (cả Đông và Tây Trường Sơn) đã đi qua 20 tỉnh của 3 nước, trên 200 con đường, hơn 20.000km, vận chuyển hơn 1 triệu tấn vật chất, vũ khí; đưa hơn 2 triệu lượt người hành quân từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Đặc biệt, từ ngày mở đường đến khi kết thúc chiến tranh, Bộ đội Trường Sơn còn thực hiện 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140km “đường kín” cho xe chạy ban ngày; hàng ngàn cây cầu, cống... Đây là công trình sáng tạo độc đáo, công trình huyền thoại có ý nghĩa về chiến lược trong tuyến chi viện chiến lược, nhưng vô cùng nguy hiểm, gian khổ.

Trong thi phẩm “Nước non ngàn dặm”, nhà thơ Tố Hữu viết: “Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”. Theo cố Tổng Bí thư Lê Duẫn, “đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng…”.

Nói chuyện với Bộ đội Trường Sơn ngày 2/9/1975, cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng khẳng định: “Đến mùa Xuân năm 1975, đường Trường Sơn góp phần quan trọng vào thắng lợi huy hoàng, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu”.

Còn với kẻ thù, con đường Hồ Chí Minh đã khiến chúng khiếp sợ, là mũi tên đâm thẳng vào lòng địch, buộc chúng tìm mọi cách tàn phá, cắt đứt. Hơn 10 năm, dọc tuyến hành lang vận chuyển của Trường Sơn, hàng trăm ngàn lượt máy bay Mỹ rải khoảng 4 triệu tấn chất độc hóa học xuống nhằm phá đường, phá xe, hủy diệt mọi sự sống trên cung đường này.

Đó là chưa kể, người Việt Nam đã hứng chịu khoảng 8 triệu tấn bom Mỹ. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ bất lực, vì đường Hồ Chí Minh không bị tàn phá, cắt đứt, mà ngày càng trở nên tinh vi và hoàn thiện hơn, trong khi nhân lực, vật lực của kẻ thù ngày càng bị tiêu hao.

Với người Mỹ, sự đau khổ của họ “bắt nguồn chủ yếu từ con đường mòn bất khả xâm phạm này”. Quân đội họ phải thừa nhận, đường Trường Sơn là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ XX, là con đường nguy hiểm, khiếp sợ”.

Trong ký ức của dân tộc, chiến tranh đã lùi xa, nhưng dấu tích bi tráng trong chiến tranh chống Mỹ, nhất là với đường Hồ Chí Minh chưa bao giờ mờ nhạt. Nó không chỉ là giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt có từ quá khứ, mà là sự tiếp nối tốt đẹp hiện tại, gắn với công cuộc dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 65 năm ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2024), đường Trường Sơn thời đánh Mỹ mãi mãi là biểu tượng của lòng yêu nước cao cả, là nơi tụ hội chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đó cũng là nơi khơi nguồn cảm hứng để hậu thế viết tiếp trang sử mới.

Sau ngày đất nước thống nhất, cũng trên đường Hồ Chí Minh, nhiều công trình được xây dựng, mở rộng. Con đường huyền thoại còn mang sứ mệnh xây dựng, phát triển đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong ước.

Ngày 3/12/2004, Quốc hội ban hành Nghị quyết 38/2004/QH11, quyết định chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh thành công trình trọng điểm quốc gia, tổng chiều dài toàn tuyến 3.167km, kéo dài từ Pác Bó (tỉnh Cao Bằng) đến tận đất mũi Cà Mau. Tuyến đường chiến lược này hình thành trục xuyên Việt thứ 2, bên cạnh Quốc lộ 1A, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, tăng cường liên hệ chặt chẽ ba miền Bắc - Trung - Nam.

NGUYÊN HẢO

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ky-tich-phi-thuong-cua-bo-doi-truong-son-a395618.html