Công dân đầu tiên được nhận thư Bác Hồ là ai?

Theo những tư liệu đã công bố, thì lá thư riêng đầu tiên mà một công dân Việt Nam nhận được của Bác được viết ở dạng văn vần.

Nhiều người dân Việt Nam cũng nhận được những lá thư riêng của Bác Hồ. Song, cho tới nay, theo những tư liệu đã công bố, thì lá thư riêng đầu tiên mà một công dân Việt Nam nhận được của Bác lại được viết ở dạng văn vần!

Chuyện xảy ra như sau: Chỉ mấy tháng sau Cách mạng tháng Tám, nhà thơ Hằng Phương, vợ của nhà văn Vũ Ngọc Phan, đã mang tới Phủ Chủ tịch một gói cam để biếu Bác. Rất tiếc lúc đó Bác bận tiếp khách nên bà phải gửi lại gói cam kèm theo một bài thơ như sau:

“Cam ngon Thanh Hóa vốn dòng,

Kính dâng Chủ tịch tỏ lòng mến yêu.

Đắng cay Cụ nếm đã nhiều,

Ngọt bùi đời trả đủ điều từ đây.

Cùng quốc dân hưởng những ngày,

Tự do, độc lập tràn đầy trời Nam.

Anh hùng mở mặt giang san,

Lưu danh thiên cổ, vẻ vang giống nòi!”

Vào tháng Giêng năm 1946, Bác Hồ đã gửi một bài thơ ngắn cảm ơn nhà thơ Hằng Phương:

CẢM ƠN NGƯỜI TẶNG CAM

Cảm ơn bà biếu gói cam,

Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai?”

 Ảnh tư liệu.

Ảnh tư liệu.

Ở Hà Nội có gia đình Vũ, một gia đình trí thức nổi tiếng, hiện còn lưu giữ được một số kỷ vật có bút tích của Bác Hồ. Đó là gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng. Cụ Tụng còn có hai người em nữa cũng rất thành đạt, là họa sĩ Vũ Cao Đàm và dược sĩ Vũ Công Thuyết, nguyên là Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế của nước ta.

Ngày 22/6/1946, Bác Hồ tới Paris với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, thì 9 ngày sau, vào ngày 1/7/1946, nhà điêu khắc - họa sĩ Vũ Cao Đàm tới gặp Bác tại khách sạn Royal Monceau xin được nặn tượng Người. Ông đã được Bác đồng ý.

Sau này, khi Bác chuyển về sống tại ngôi nhà của gia đình ông bà Raymond Aubrac ở Soisy-sous-Montmorency, cách Paris chừng 25 km, ông cũng vẫn thường xuyên tới đó để hoàn thành bức tượng chân dung Bác. Họa sĩ Vũ Cao Đàm đã tặng Bác một bức họa rất đẹp - bức “Mẹ con” - và ngày 31/7/1946, nhân kỷ niệm ngày sinh của ông Aubrac, Bác đã tặng nó lại cho chủ nhân ngôi nhà Bác đang ở.

Yannik Vũ và Michel Vũ, con gái và con trai của họa sĩ Vũ Cao Đàm và bà Rémie, trong lần gặp Bác ở Paris, đã mặc quần áo kiểu Việt Nam, tay cầm cờ đỏ sao vàng, cùng các thiếu nhi Việt - Pháp hát Quốc ca Việt Nam, được chụp ảnh với Bác. Đặc biệt hơn nữa, Bác đã tới thăm gia đình ông bà Vũ Cao Đàm, chụp ảnh với các thành viên trong gia đình. Bức ảnh đó còn có bút tích của Bác: “Tặng vợ chồng chú Đàm và các cháu. Thân ái, Hồ Chí Minh”.

Tiện thể cũng xin kể vắn tắt về số phận bức tượng chân dung Bác mà nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm đã nặn. Bức tượng được hoàn thành bằng thạch cao năm 1946. Tháng 9 năm đó, Bác lên tàu về nước. Cuối năm 1946, bùng nổ cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Việt Nam.

Do những hoạt động yêu nước nổi bật của nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm nên gia đình ông thường bị chính quyền gây rắc rối. Thậm chí có lần họ còn xông vào nhà khám xét. May có người báo trước nên ông bà Vũ Cao Đàm đã kịp giấu bức tượng và những huy hiệu có hình Bác Hồ vào hộp đàn dương cầm.

Chị Yannick Vũ, sau này cũng theo nghề của cha, trở thành một họa sĩ, nhớ lại: “trong lúc nhà tôi bị khám, tôi thấy mẹ tôi rất lo âu đứng bên cạnh đàn dương cầm, dù bên trên mặt đàn mẹ tôi đã phủ một khăn san cachemir cũ và để một lọ hoa huệ, một loài hoa mà cha tôi rất thích tô trên lụa và luôn tỏa mùi hương thơm ngát. Trẻ nhỏ như chúng tôi không thể hiểu nổi tại sao cha tôi bị người ta dẫn đi”.

Năm 1950, gia đình họa sĩ Vũ Cao Đàm rời Paris đến sống tại thành phố Béziers. Ở đây họa sĩ đã tìm đến một gia đình nông dân là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp để nhờ cất giấu bức tượng Bác Hồ và những tấm huy hiệu của Người. Sau đó gia đình họa sĩ còn chuyển tới sống tại Saint Paul de Vence.

Mười bảy năm sau, vào năm 1967, ông bà Vũ Cao Đàm mới có dịp quay trở lại Béziers để tìm lại bức tượng Bác Hồ. Thật không may, sau nhiều lần tìm kiếm thăm hỏi công phu, ông bà mới gặp được người nông dân năm xưa, nhưng lúc đó ông đã bị lâm bệnh nặng, đã bị lãng trí, gần như đã quên hết mọi chuyện. Những thành viên khác của gia đình thì chẳng biết ông đã cất giấu pho tượng ở đâu.

Nhưng rồi một điều kỳ diệu đã xảy ra: như vừa được ai “tiếp điện”, bỗng nhiên ông nhìn chằm chằm vào bà Rémie, vợ họa sĩ Vũ Cao Đàm, rồi xúc động thốt lên: “Thưa bà, bà đi tìm bức tượng Hồ Chí Minh”, rồi ông nhờ người dìu đến một nhà kho mờ tối. Ở đó ông già nông dân Pháp đã tìm thấy bức tượng được giấu dưới một lớp rơm dày.

Năm 1996, chị Yannick Vũ đưa bức tượng thạch cao về quê chồng ở Tây Ban Nha, thuê người thể hiện sang chất liệu đồng.

Ngày 20/5/1998, nhờ sự tận tình giúp đỡ của Giáo sư Nguyễn Bửu Triều, Chủ nhiệm khoa Ngoại Đại học Y Hà Nội và bà Vũ Thị Vượng, dược sĩ (là cháu rể và cháu gọi ông Đàm là chú ruột), bức tượng chân dung Bác Hồ đã được trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Như vậy nguyện vọng tha thiết và cao quý của nhà nặn tượng tài hoa đã trên chín mươi tuổi và của mọi thành viên trong gia đình ông đã được thực hiện.

Trần Quân Ngọc (sưu tầm và giới thiệu)/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/cong-dan-dau-tien-duoc-nhan-thu-bac-ho-la-ai-post1475791.html