Xây dựng mô hình trường học hạnh phúc

BHG - Hiện nay, trong trường học vẫn còn tồn tại một trong số các vấn đề như chương trình học nặng nề, áp lực, thầy cô và học sinh chưa thấu hiểu nhau, những mâu thuẫn bạn bè ở tuổi mới lớn… Và chỉ khi những vấn đề đó được giải quyết thì trường học mới thật sự trở thành nơi hạnh phúc mà mỗi học sinh mong muốn được gắn bó, trải nghiệm.

Thấu hiểu những điều đó, trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Tùng Vài, huyện Quản Bạ cùng nhau xây dựng môi trường học tập ngày càng thân thiện, lành mạnh, an toàn. Là ngôi trường ở xã biên giới khó khăn với 589 học sinh, 46 cán bộ, giáo viên. Để xây dựng ngôi trường hạnh phúc, Ban Giám hiệu nhà trường xác định trước tiên phải bắt đầu từ việc tạo niềm vui đi học mỗi ngày cho học sinh. Chính vì vậy để bắt đầu một ngày học mới ở các lớp của trường PTDTBT Tiểu học Tùng Vài, thầy cô giáo và học sinh cùng tham gia các hoạt động thể dục thể thao trong thời gian khoảng 10 phút trước khi bắt đầu môn học. Cô Nguyễn Thị Tuyến Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học Tùng Vài, huyện Quản Bạ cho biết: “Với phương châm mỗi ngày đến trường là một ngày vui, nhà trường đã tổ chức rất nhiều hoạt động trải nghiệm để hình thành và phát triển năng lực cá nhân cho học sinh, chú trọng các hoạt động ngoài giờ lên lớp để các em được học mà chơi, chơi mà học, giúp các em trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng cần thiết, hình thành và phát triển nhân cách toàn diện.”

Những hoạt động đầu giờ của các em học sinh điểm trường Pao Mã Phìn, trường PTDTBT Tiểu học Tùng Vài, huyện Quản Bạ.

Nói đến trường học hạnh phúc, nhiều người nghĩ ngay đến việc phải đầu tư những ngôi trường thật hiện đại. Nhưng trên thực tế, nhiều trường học đã tạo ra được hạnh phúc bằng việc bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, đơn giản nhất, đó là tạo niềm vui đi học mỗi ngày cho trẻ. Đổi mới trong từng tiết dạy, với nhiều hoạt động trải nghiệm, nhiều trò chơi vận động kết hợp tư duy… đó là cách mà những giáo viên trường mầm non Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì, đang thực hiện để mang lại những giờ học hạnh phúc nhưng không hề tốn kém. Cô giáo Hoàng Thị Mừng, trường mầm non Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì chia sẻ: “Thực hiện xây dựng trường học hạnh phúc chúng tôi đã đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học với phương châm lấy trẻ làm trung tâm. Ngoài ra, chúng tôi đã sử dụng các đồ phế thải để tạo thành những món đồ chơi ý nghĩa, các cháu rất thích thú, mới lạ, khám phá những món đồ chơi đó, phát huy được tính tích cực sáng tạo cho các cháu. ”.

Các em học sinh của trường mầm non Thàng Tín (Hoàng Su Phì) hào hứng tham gia buổi học cùng cô giáo

Cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn, các nhà trường còn chú trọng, tranh thủ các nguồn lực đầu tư của nhà nước, sự ủng hộ của các tổ chức cá nhân và của phụ huynh để bổ sung cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các nhà trường.

Việc xây dựng trường học hạnh phúc là một chặng đường dài, không có điểm dừng, đòi hỏi sự thay đổi về thái độ và hành động của nhà trường – gia đình – và toàn xã hội. Mỗi sự thay đổi, một tín hiệu mừng, góp phần tạo ra môi trường học tập hạnh phúc cho trẻ. Bởi, giáo dục chỉ thật sự thành công khi đào tạo ra những công dân hạnh phúc.

Bài, ảnh: MAI ÁNH

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202311/xay-dung-mo-hinh-truong-hoc-hanh-phuc-383048b/