Chương trình liên kết quốc tế: Hóa giải nghi ngại 'vàng thau lẫn lộn'

Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang thay đổi. Do vậy, cách tiếp cận các chương trình liên kết quốc tế cũng phải thay đổi...

Sinh viên Trường Đại học Thương mại (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường Đại học Thương mại (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Chất lượng “đầu vào” của một số chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài (chương trình liên kết quốc tế) tại Việt Nam còn thấp khiến dư luận nghi ngại “vàng thau lẫn lộn”. Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh nhiều giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng các chương trình này.

Thay đổi mô hình quản trị đại học

- Theo ông, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam có những lợi thế gì?

- Phần lớn chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam hiện nay sử dụng chính chương trình đào tạo của trường đối tác, với sự tham gia sâu của trường này trong công tác đảm bảo chất lượng và tham gia trực tiếp của các giảng viên nhà trường.

Hơn thế nữa, quy định của pháp luật Việt Nam đối với chương trình liên kết đào tạo nước ngoài cũng chặt chẽ, rõ ràng. Cụ thể, các chương trình của trường đối tác sử dụng trong liên kết đào tạo phải được kiểm định chất lượng giáo dục ở nước sở tại hoặc cơ quan có thẩm quyền về giáo dục nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục (Nghị định số 86/2018/NĐ-CP).

Ngoài ra, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài luôn nằm trong nhóm các chương trình được cơ sở đào tạo ưu tiên đầu tư, hạ tầng, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của đối tác và chương trình đào tạo.

Giảng viên chương trình này đa phần được đào tạo ở nước ngoài, có năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ tốt. Ngôn ngữ giảng dạy của chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là ngoại ngữ, do đó khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo là lợi thế cạnh tranh của sinh viên khi gia nhập thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập toàn cầu hóa.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: ITN

Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: ITN

Bảo đảm chất lượng chương trình

- Hiện có những quy định nào về hoạt động liên kết, đào tạo với nước ngoài nhằm kiểm soát chất lượng các chương trình này?

- Có thể nói, hệ thống quy định liên quan đến liên kết đào tạo nước ngoài ở Việt Nam hiện khá toàn diện như: Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục năm 2019, Nghị định 86/2018/NĐ-CP, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, Thông tư số 38/2020/TT-BGDĐT ngày 6/10/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT… và nhiều văn bản khác quy định liên quan đến các điều kiện đảm bảo chất lượng để tổ chức tuyển sinh, đào tạo của một cơ sở giáo dục đại học. Các quy định này tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho cơ sở tổ chức tuyển sinh, đào tạo các chương trình liên kết với nước ngoài.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng có quy định để đảm bảo giám sát chất lượng đào tạo các bên liên quan như quy định về phát triển chương trình phải có ý kiến của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, người học…; quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, quy định rõ các nội dung phải công khai để xã hội giám sát…

Để làm tốt hơn nữa việc quản lý chất lượng chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Thông tư quy định về tuyển sinh và tổ chức đào tạo trong liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Có thể khẳng định, Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai hàng loạt nội dung để đảm bảo chất lượng chương trình liên kết đào tạo.

Một hoạt động tư vấn tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: ITN

Một hoạt động tư vấn tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: ITN

- Dư luận đặt câu hỏi, khi nhiều chương trình liên kết quốc tế không được xếp hạng, hạn chế trong chất lượng tuyển sinh đầu vào, liệu có phải chúng ta thiếu quy định chi tiết về xác định chỉ tiêu, công tác tuyển sinh và quản lý, tổ chức đào tạo với chương trình này, thưa ông?

- Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định rõ yêu cầu đối với cơ sở được thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài, chương trình đào tạo, phạm vi, quy mô, tuyển sinh, kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận hoàn thành chương trình môn học, trình độ đào tạo, tốt nghiệp đối với học viên chương trình liên kết với nước ngoài.

Sau Nghị định trên có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34), Luật Giáo dục năm 2019... Điểm nhấn là đẩy mạnh tự chủ cho các trường đại học. Theo đó, các trường có nhiều thẩm quyền hơn, đặc biệt là tự chủ về chuyên môn, học thuật, trong đó có chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Bộ GD&ĐT cũng ban hành Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/1/2022 và Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT ngày 28/4/2023 sửa đổi một số điều của Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT bao gồm quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số trường phản ánh về khó khăn như: Việc xác định chỉ tiêu với giảng viên người nước ngoài tham gia giảng dạy, và/hoặc giảng viên của trường đối tác…

Thời gian tới, những nội dung này sẽ được hướng dẫn cụ thể, giúp các trường có căn cứ để xác định, tính toán nguồn lực nhằm thực hiện chương trình liên kết quốc tế bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát các điều kiện để khẳng định sự tham gia của cơ sở đào tạo trong chương trình liên kết quốc tế; từ đó mở rộng sức lan tỏa thông qua hoạt động của thầy, cô giáo và nhà quản lý khi tham gia chương trình này.

Phụ huynh tìm hiểu về chương trình đào tạo liên kết mỗi bên cấp một bằng của Viện Đào tạo Quốc tế (Học viện Tài chính). Ảnh: Sỹ Điền

Phụ huynh tìm hiểu về chương trình đào tạo liên kết mỗi bên cấp một bằng của Viện Đào tạo Quốc tế (Học viện Tài chính). Ảnh: Sỹ Điền

Cần cam kết chất lượng với người học

- Vậy Bộ GD&ĐT có giải pháp gì để khắc phục những hạn chế của một số chương trình liên kết quốc tế nhằm hóa giải nghi ngại của dư luận?

- Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao hơn nữa chất lượng các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Trong đó tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý như việc xây dựng Thông tư quy định về tuyển sinh và tổ chức đào tạo trong liên kết đào tạo với nước ngoài như nêu ở trên. Quá trình xây dựng Thông tư có tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan.

Bên cạnh đó, tăng cường sự tham gia giám sát của các bên liên quan trong việc công khai, minh bạch, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đại học, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học; trong đó có liên kết đào tạo với nước ngoài. Bộ GD&ĐT cũng đang hợp tác với Hội đồng Anh xây dựng Cổng thông tin điện tử về liên kết đào tạo nước ngoài với mục tiêu công khai, minh bạch cơ sở dữ liệu về các chương trình liên kết quốc tế được triển khai ở Việt Nam;

Đồng thời tăng cường công tác giám sát các bên liên quan đối với chất lượng chương trình liên kết đào tạo nước ngoài; thúc đẩy sự phát triển chương trình liên kết đào tạo tại Việt Nam. Mặt khác, mở rộng cơ hội kết nối giữa các trường đại học trên thế giới với trường đại học Việt Nam. Xã hội nói chung và người học nói riêng có thể dễ dàng tiếp cận, cập nhật đầy đủ, chính xác cơ sở dữ liệu về chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang thực hiện.

- Việc cấp bằng theo các chương trình liên kết quốc tế được kiểm soát như thế nào, thưa ông?

- Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định rõ về công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng của chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Theo đó: Văn bằng do cơ sở giáo dục Việt Nam cấp phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải tuân thủ quy định pháp luật nước sở tại và được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam công nhận; trong trường hợp đồng thời cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thì phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và nước sở tại.

Ngoài ra, như đề cập ở trên, Bộ GD&ĐT đã và đang đẩy mạnh xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học để thực hiện tốt hơn nữa việc quản lý văn bằng của học viên hoàn thành chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài; đảm bảo kiểm soát tốt toàn bộ quá trình từ đầu vào tới khi người học tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư số 13/2021/TT-BGDĐT ngày 15/4/2021 quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài thực hiện sau khi Luật số 34 có hiệu lực, người học sẽ không phải thực hiện thủ tục công nhận văn bằng; bằng cấp chương trình liên kết đào tạo được mặc nhiên công nhận tại Việt Nam.

- Mùa tuyển sinh đại học năm 2024 đã bắt đầu, ông có tư vấn gì với thí sinh về lựa chọn chương trình liên kết quốc tế, tránh “vàng thau lẫn lộn” và “tiền mất tật mang”?

- Hiện hệ thống văn bản quy phạm quy định về hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài tương đối đầy đủ; cơ sở giáo dục đại học thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin về các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài do đơn vị thực hiện. Do vậy, người học cần chủ động tìm hiểu thông tin tại các website chính thống của cơ sở đào tạo mà mình quan tâm.

Như tôi đã đề cập ở phần trên, trong năm 2024 Bộ GD&ĐT và Hội đồng Anh sẽ hoàn thiện việc xây dựng Cổng thông tin điện tử về các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam. Trên cơ sở nguồn thông tin chính thống, ứng viên và những người quan tâm có thể nghiên cứu, so sánh và lựa chọn chương trình liên kết nào phù hợp với năng lực, mong muốn của bản thân để theo học. Tôi tin thế hệ trẻ ngày nay sẽ có sự nhanh nhạy, thông minh và tính chủ động cao để đưa ra quyết định của mình.

- Xin cảm ơn ông!

“Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đang thay đổi. Do vậy, cách tiếp cận các chương trình liên kết quốc tế cũng phải thay đổi. Cơ sở giáo dục đại học trong nước có đầy đủ điều kiện lựa chọn trường đối tác uy tín để các chương trình liên kết với nước ngoài ngày càng nâng cao chất lượng”, ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.

Hải Minh (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuong-trinh-lien-ket-quoc-te-hoa-giai-nghi-ngai-vang-thau-lan-lon-post683878.html