Hội đồng Giáo sư phải xứng danh đỉnh cao trí thức: Công minh, chính trực

GS Hoàng Văn Cường: 'Hội đồng giáo sư phải thể hiện được là tinh hoa của giới tri thức, quyết định của Hội đồng phải là hình mẫu của sự công tâm, chính trực'.

Chuẩn bị triển khai việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024, thường trực Hội đồng Giáo sư nhà nước đề nghị các cơ sở đào tạo và nghiên cứu, các giáo sư, phó giáo sư giới thiệu các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín chuyên môn khoa học cao tham gia vào ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029, đồng thời là chủ tịch các hội đồng ngành, liên ngành; thành viên của 28 hội đồng giáo sư ngành, liên ngành năm 2024.

Hằng năm, công tác xét chức danh giáo sư, phó giáo sư luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học và toàn xã hội. Việc thành lập hội đồng giáo sư các cấp – những người “cầm cân nảy mực” cho từng vòng xét duyệt được xem là tiền đề quan trọng giúp hoạt động phong học hàm được thực hiện một cách công tâm, minh bạch.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường – tân Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường – tân Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029. Ảnh: NVCC

Phóng viên: Xin chúc mừng Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường vừa qua đã được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024 – 2029. Nhận nhiệm vụ mới, trên cương vị mới, cảm xúc của ông như thế nào?

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường: Được bổ nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước quả thực là vinh dự lớn lao, song cũng là thách thức và áp lực không nhẹ.

Chúng ta đều biết, chức danh giáo sư, phó giáo sư là danh hiệu vô cùng cao quý và danh giá, ghi nhận hành trình cả một đời phấn đấu, nỗ lực để cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Được phong chức danh giáo sư, phó giáo sư xem như là đã đạt đến đỉnh cao trong cuộc đời nhà giáo, nhà khoa học.

Hội đồng giáo sư là người trực tiếp xét duyệt, quyết định người nào đạt chuẩn, được nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư –là được trao trọng trách “cầm cân nảy mực” để chọn ra danh hiệu cao quý, thì Hội đồng được xem như là đại diện cho sự tinh túy của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học – đó là vinh dự, tự hào lớn lao khi mình được chọn là thành viên Hội đồng.

Để làm tròn trọng trách và xứng danh với vinh dự lớn lao đó, Hội đồng phải thể hiện được là tinh hoa của giới tri thức, quyết định của Hội đồng phải là hình mẫu của sự công tâm, chính trực.

Trong đời sống xã hội, nếu chỗ này chỗ khác có những biểu hiện lệch lạc, thiếu chuẩn mực thì xã hội cũng chỉ coi là những việc xấu, tiêu cực – xã hội chấp nhận như là một phần tất yếu của đời sống xã hội muôn hình, vạn trạng. Nhưng nếu Hội đồng giáo sư được coi là “tinh hoa” của trí thức mà không chuẩn mực thì các nhà giáo, nhà khoa học sẽ coi thường, xã hội mất niềm tin và chịu tiếng rất xấu làm ô danh giới tri thức. Đó chính là thách thức, áp lực phải làm sao để giữ được danh giá của Hội đồng, bản thân mình xứng danh là thành viên Hội đồng cao quí.

Tôi tin rằng, không phải chỉ riêng mình, mà bất cứ nhà giáo, nhà khoa học nào khi được chọn tham gia vào Hội đồng giáo sư các cấp cũng đều có những suy nghĩ, trăn trở như vậy.

Phóng viên: Thực tế qua mỗi kỳ xét phong học hàm giáo sư, phó giáo sư những năm qua, dư luận vẫn băn khoăn về tính công minh trong xét duyệt, có trường hợp đến vòng xét của Hội đồng Nhà nước vẫn phát hiện có ứng viên không đủ tiêu chuẩn cứng; có trường hợp đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn, được đánh giá có uy tín nhưng bị trượt chỉ vì không đủ phiếu của Hội đồng. Do đó, nhiều nhà giáo, nhà khoa học có đầy đủ tiêu chuẩn, rất xứng đáng nhưng không đăng ký xét phong giáo sư, phó giáo sư vì không muốn qua “cửa ải” thiếu minh bạch? Làm thế nào để dư luận không còn đặt ra những câu hỏi như vậy, thưa ông?

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường: Đánh giá chung những năm gần đây, đặc biệt là từ khi có Quyết định 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác xét phong chức danh giáo sư, phó giáo sư được tiến hành ngày càng bài bản, chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch, được xã hội đồng tình và ghi nhận; đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học đã được phong tặng chức danh đều xứng đáng, là những người đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Quyết định 37 đã qui định những tiêu chuẩn cứng khá rõ ràng, cụ thể tương ứng với chức danh giáo sư, phó giáo sư theo hướng yêu cầu chất lượng ngày càng cao, qui trình đánh giá chặt chẽ, yêu cầu khắt khe về chuyên môn nên công tác xét duyệt ngày càng chuẩn mực. Có thể đây cũng là một trong những lý do nhiều người không đạt nguyện vọng nên có những phản ứng gây nên những cách hiểu chưa đúng trong dư luận xã hội.

Cá biệt, có Hội đồng do làm việc thiếu nghiêm túc hoặc vì vị nể, đùn đẩy trách nhiệm cho Hội đồng xét cấp trên, chấp nhận cả ứng viên không đủ tiêu chuẩn cứng vào danh sách xét duyệt. Có thành viên Hội đồng do có động cơ không trong sáng cố tình đánh trượt cả ứng viên đáp ứng đầy đủ đủ tiêu chuẩn, xứng đáng với học hàm đăng ký xét công nhận. Mặc dù những hiện tượng trên chỉ là rất nhỏ, nhưng điều đó đã làm ảnh hưởng xấu đến danh dự chung của Hội đồng chức danh giáo sư các cấp.

Để dư luận không còn hoài nghi, không băn khoăn về vấn đề này, thì Hội đồng các cấp – người “cầm cân nảy mực” phải công khai, công tâm, công minh, chính trực. Thành viên Hội đồng phải là người trí thức đích thực: không vì danh lợi, không bị lung lạc bởi những áp lực trong quan hệ hay mua chuộc, cám dỗ; dám thẳng thắn, công khai những đánh giá, nhận xét của mình về những điểm mạnh, điểm yếu với từng ứng viên và trung thực với việc bỏ phiếu xét duyệt. Tham gia vào Hội đồng, mỗi thành viên phải ý thức được trọng trách của mình, phải hiểu được ý nghĩa công việc mình đang làm, tận tụy, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, phải luôn có ý thức giữ danh dự của Hội đồng là danh dự của bản thân và của giới trí thức, khoa học.

Phóng viên: Theo qui định của pháp luật, trước đây việc kéo dài thời gian làm việc đối với giáo sư không quá 70 tuổi, hiện nay không quá 67 tuổi. Để dư luận xã hội không còn băn khoăn với những tồn tại mang tính cố hữu lâu nay, theo ông có cần đổi mới giới hạn độ tuổi và thời gian tham gia của thành viên các Hội đồng các cấp?

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường: Tiêu chuẩn thành viên của Hội đồng giáo sư các cấp đã được qui định rất rõ trong Quyết định 37, trong đó chỉ qui định thời gian tham gia Hội đồng giáo sư nhà nước không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp, không qui định về độ tuổi cũng như thời gian tham gia Hội đồng ngành, liên ngành và Hội đồng cơ sở.

Khi đã xác định đúng động cơ tham gia vào Hội đồng giáo sư các cấp là trách nhiệm đóng góp của nhà khoa học vào hoạt động phong chức danh cho đội ngũ trí thức, để thực hiện sứ mệnh lớn lao của Hội đồng – đó là sự cống hiến, là thách thức, đầy áp lực chứ không phải là danh lợi. Trách nhiệm đó cũng cần được trao cho nhiều người cùng chung tay gánh vác, không nên cứ yêu cầu một người phải tham gia quá lâu, trong khi người khác lại không có được cơ hội cống hiến. Quyết định 37 chỉ qui định thành viên Hội đồng giáo sư Nhà nước không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp, không có qui định đối với các Hội đồng ngành và liên ngành, nhưng nếu có đông đảo số lượng nhà khoa học đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì cũng không nên để các thành viên tham gia Hội đồng liên tục quá 10 năm.

Nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng giáo sư cơ sở và Hội đồng ngành là phải nghiên cứu kỹ từng trang hồ sơ của ứng viên để đánh giá các kết quả kê khai với tiêu chuẩn qui định, phải đánh giá chất lượng và chấm điểm cho các công trình khoa học đã công bố. Hồ sơ của mỗi ứng viên có đến hàng chục ngàn trang, những hội đồng có đông ứng viên thì mỗi thành viên hội đồng phải thẩm định từ 5-10 hồ sơ trong thời gian khoảng 1 tháng. Đó là một khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi phải có sức chịu áp lực công việc cao mới có thể hoàn thành có chất lượng.

Do vậy, mặc dù Quyết định 37 không qui định về tuổi; các qui định về độ tuổi kéo dài thời gian làm việc không bắt buộc áp dụng đối với các Hội đồng giáo sư; nhưng để có lớp người kế cận và đổi mới, trẻ hóa thì thành viên Hội đồng giáo sư Nhà nước cũng không nên quá 70 tuổi; thành viên Hội đồng ngành, liên ngành cũng nên trẻ hóa một cách phù hợp với tình hình thực tế.

Điều này cũng sẽ tạo cơ hội cho nhiều nhà khoa học khác nhau được tham gia hội đồng các cấp, được đóng góp và cống hiến, đặc biệt là những nhà khoa học lớp kế cận, những nhà khoa học trẻ để phát huy sự năng động, sáng tạo, là cơ hội để động viên lớp trẻ tham gia cống hiến cho sự nghiệp phát triển đội ngũ trí thức nước nhà.

Phóng viên: Trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội đồng giáo sư nhà nước, ông có gửi gắm mong muốn gì với các ứng viên tham gia xét chức danh giáo sư, phó giáo sư trong thời gian tới?

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường: Chức danh giáo sư, phó giáo sư là chức danh khoa học cao quí để công nhận, đánh giá năng lực, mức độ đóng góp cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của các nhà giáo, nhà khoa học.

Người xưa thường nói: “chiếc áo không làm nên thày tu”, giá trị của mỗi người được phong chức danh không phải là các chữ giáo sư, phó giáo sư được thêm vào trước tên gọi, mà là năng lực thực sự của người được phong tặng chức danh đó.

Nếu năng lực của bản thân không xứng, chẳng khác nào mặc một chiếc áo đi mượn không vừa, sẽ làm xấu đi hình ảnh của bản thân vì không tránh khỏi những lời đàm tiếu về những người có danh nhưng không thực.

Vì vậy, trước hết, mỗi ứng viên cần tự “soi mình” để thấy mình đã thực sự xứng đáng với chức danh cao quý ấy chưa. Nếu bản thân chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, năng lực chuyên môn, không nên cố gây áp lực cho hội đồng hay bằng mọi giá tìm cách lọt để được qua vòng xét duyệt, nên lùi lại để có thêm thời gian phấn đấu, bổ sung những điểm còn thiếu hụt để tự tin bước vào các vòng xét duyệt.

Tôi cũng mong rằng, những nhà giáo, nhà khoa học đã đạt được đầy đủ tiêu chuẩn, năng lực, xứng danh với học vị giáo sư, phó giáo sư hãy tự tin, đàng hoàng đăng ký xét để được công nhận, không hạ thấp mình làm những việc không đúng với danh dự của người trí thức; không lảng tránh tiêu cực mà quay lưng với hoạt động xét công nhận chức danh. Đó chính là đóng góp quan trọng từ các ứng viên cho sự thành công của hoạt động xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư các cấp.

Phóng viên: Ông có gửi gắm kỳ vọng gì trong nhiệm kỳ mới?

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường: Tôi kỳ vọng sang một nhiệm kỳ mới với các Hội đồng mới, các thành viên Hội đồng giáo sư các cấp sẽ cống hiến hết mình, làm việc tận tâm, trách nhiệm, công minh, chính trực – là yếu tố quyết định sự thành công của mỗi kỳ xét duyệt – là góp phần làm sáng danh đội ngũ trí thức – để tự hào là thành viên của Hội đồng chức danh giáo sư cao quí.

Những đổi mới của Hội đồng sẽ nhận được sự ủng hộ của ngày càng nhiều ứng viên xứng danh đăng ký xét và được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, để hùng mạnh thêm đội ngũ trí thức, các nhà khoa học nước nhà.

Hoạt động xét, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư luôn được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo các tầng lớp xã hội, là công việc có tác động trực tiếp đến đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, nên mọi thông tin trái chiều, mọi khúc khúc mắc cần có cách ứng xử có văn hóa, văn minh, chính trực đến Thường trực Hội đồng giáo sư nhà nước để giải quyết và xử lý nghiêm minh; không nên nói xấu trên mạng xã hội – không đúng với phẩm chất, dũng khí của người trí thức, làm ảnh hưởng đến danh dự của đội ngũ trí thức, nhà giáo, nhà khoa học.

Tôi tin rằng, với sự chung tay đóng góp của tất cả mọi người, qua từng năm, công tác xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư nhiệm kỳ mới sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường!

Phạm Minh (thực hiện)

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoi-dong-giao-su-phai-xung-danh-dinh-cao-tri-thuc-cong-minh-chinh-truc-post242848.gd