Vì sao Lạc Dương, Trường An là kinh đô ngàn năm của Trung Quốc?

Lạc Dương và Trường An được chọn làm kinh đô trong hơn 1.000 năm. Long mạch là yếu tố quan trọng khiến nhiều triều đại chọn làm đại kinh đô.

Dưới thời phong kiến, Lạc Dương và Trường An là 2 trong số 6 kinh đô của các triều đại. Trong số này, Lạc Dương và Trường An được chọn làm kinh đô trong hơn 1.000 năm.

Kinh đô Lạc Dương và Trường An là nơi chứng kiến sự hưng vong của nhiều triều đại. Hai địa điểm này được chọn làm kinh đô của nhiều triều đại được các chuyên gia phong thủy cho rằng liên quan đến yếu tố long mạch.

Cụ thể, Lạc Dương là kinh đô của 13 triều đại trong hơn 1.500 năm. Những triều đại nổi tiếng từng đóng đô ở Lạc Dương gồm: Đông Chu, Đông Hán, Ngụy, Tây Tấn, Bắc Ngụy, Tùy, Đường…

Theo quan niệm phong thủy, Lạc Dương ở vị trí trung tâm trời đất. Người xưa ví nơi đây là “Hà sơn củng đái, hình thắng giáp vu thiên hạ” (Sông núi bao quanh, hình thế đệ nhất thiên hạ).

Tại Lạc Dương, phía bắc có Mang Sơn làm bình phong, phía nam có Y Khuyết sừng sững, phía tây có Tần Lĩnh, phía đông có Tung Nhạc. Tứ phía quan ải trùng trùng, đông là Hổ Lao quan, tây có Hàm Cốc quan, nam là Hoàn Viên quan, bắc có Mạnh Tân Cổ Độ ( Mạnh Tân quan).

Toàn bộ tinh hoa phong thủy tại Lạc Dương tập trung ở Mang Sơn. Mang Sơn là rồng, là "đầu" của Lạc Dương. Không có Mang Sơn, phong thủy Lạc Dương chỉ còn một nửa.

Tương tự như Lạc Dương, Trường An (tên hiện nay là Tây An) là kinh đô của 11 triều đại phong kiến Trung Quốc trong hơn 1.100 năm lịch sử. Những triều đại như: Tây Chu, Tây Hán, Tân, Tây Tấn, Tiền Triệu, Tiền Tần, Hậu Tần, Tây Ngụy... từng đóng đô ở Trường An.

Trường An nằm ở vị trí trung tâm bình nguyên Quan Trung, tựa vào dãy núi Tần Lĩnh ở hướng nam, nhìn ra sông Vị ở hướng Bắc, khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ.

Mưu sĩ nổi tiếng thời Hán là Trương Lương từng kiến nghị Lưu Bang đóng đô Trường An vì nơi này 3 mặt giáp núi, tám trăm dặm Tần Xuyên, dễ thủ khó công, thật là nơi đất quý phong thủy của triều đại muôn đời.

Theo các chuyên gia phong thủy, dãy Tần Lĩnh là long mạch của Trường An. Thêm nữa, các dòng sông xung quanh kinh đô này tạo nên thế "8 rồng chầu Trường Anh". Nhờ vậy, nhiều triều đại đóng đô ở Trường Anh phát triển hưng thịnh.

Mời độc giả xem video: Huế - Bóng Dáng Kinh Đô Xưa. Nguồn: VTV Travel - Du Lịch Cùng VTV.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/vi-sao-lac-duong-truong-an-la-kinh-do-ngan-nam-cua-trung-quoc-1663795.html