Hổ tướng Nguyễn Hữu Tiến

Lịch sử dân tộc thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh đã diễn ra nhiều trận giao chiến giữa quân Đàng Trong và Đàng Ngoài. Bấy giờ, ở Đàng Trong có một vị tướng người xứ Thanh 'võ nghệ tinh thông, dùng binh rất có kỷ luật' đã giúp chúa Nguyễn nhiều lần thắng trận. Ông chính là Hổ tướng Nguyễn Hữu Tiến.

Hổ tướng Nguyễn Hữu Tiến hiện được phối thờ trong Đền thờ Đào Duy Từ.

Hổ tướng Nguyễn Hữu Tiến hiện được phối thờ trong Đền thờ Đào Duy Từ.

Sau khi Nguyễn Hoàng (tức chúa Tiên Nguyễn Hoàng) “thoát cũi sổ lồng” trở về đất Thuận Hóa (năm 1600) tuy bề ngoài chưa ra mặt chống họ Trịnh nhưng cũng đã hết sức lo lắng việc phòng bị, trăn trở việc “xây dựng cơ nghiệp về muôn đời”. Khi chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên kế nghiệp, với tài năng và khát vọng, ông đã xây dựng cơ nghiệp họ Nguyễn ở đất phương Nam mỗi ngày thêm phát triển, hùng mạnh. Tuy nhiên, để nhà Nguyễn có những thành tựu lớn ở Đàng Trong thì còn có sự giúp sức của những bề tôi giỏi.

Theo học giả Trần Trọng Kim - tác giả sách Việt Nam sử lược: “Bấy giờ ở xứ Nam lại có những người tôi giỏi giúp rập như các ông Nguyễn Hữu Dật, ông Đào Duy Từ và ông Nguyễn Hữu Tiến đều là người có tài trí cả. Nguyễn Hữu Dật là người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, học rộng, tài cao và lại có tài hùng biện, đánh giặc giỏi, thật là một bậc văn võ kiêm toàn... Nguyễn Hữu Tiến cũng là người Thanh Hóa, làng Vân Trai, huyện Ngọc Sơn, võ nghệ tinh thông, dùng binh rất có kỷ luật, thật là một người làm tướng có tài vậy. Những người ấy giúp chúa Nguyễn bày mưu định kế, luyện tập quân lính, xây đồn đắp lũy để chống với quân họ Trịnh”.

Nguyễn Hữu Tiến quê gốc ở làng Vân Trai, huyện Ngọc Sơn - nay thuộc phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn, là người cùng quê với Đào Duy Từ. Theo sử sách và một số tài liệu, ông từ nhỏ đã có tướng mạo khôi ngô. Nhà nghèo nên Nguyễn Hữu Tiến quyết tâm luyện võ thuật, chăm chỉ đọc sách binh lược, mong ước có thể lập nên nghiệp lớn.

Khi Đào Duy Từ vào Đàng Trong hy vọng có thể giúp sức cho chúa Nguyễn thì Nguyễn Hữu Tiến đã cùng theo. Lại có tài liệu cho rằng, khi Nguyễn Hữu Tiến vào phương Nam mới gặp gỡ Đào Duy Từ, thấy ông thông minh, lại có chí lớn nên Đào Duy Từ rất mực quý trọng, đã đồng ý gả con gái, rồi tiến cử lên chúa Nguyễn.

“Chúa Nguyễn lúc đầu cho ông làm đội trưởng đốc suất thuyền Định Cầu Nội Thủy (đội trưởng trong đội thủy quân). Ông thường cho quân tập trận vào ban đêm. Có lần, có một người lính làm trái luật, ông sai chém ngay viên kỳ trương để rao trong quân. Từ đấy toàn đội quân dưới quyền cai quản của ông đều sợ và tuân thủ kỷ luật rất nghiêm. Sau đó, Nguyễn Hữu Tiến được thăng làm Cai đội. Từ đấy sĩ tốt đều sợ và phục ông, dần dần ông được thăng đến Cai Cơ rồi Chưởng cơ” (sách Danh tướng Việt Nam).

Theo sử liệu, con đường binh nghiệp của Nguyễn Hữu Tiến gắn liền với những trận giao chiến của hai phe Trịnh - Nguyễn. Trong đó, lần thứ tư (năm Mậu Tý – 1648) và lần thứ năm (từ 1655 - 1660) Nguyễn Hữu Tiến trực tiếp cầm quân đánh trận.

Năm Mậu Tý (1648) Trịnh Tráng sai Đô đốc Tiến Quận công Lê Văn Hiểu đem quân thủy bộ vào đánh quân Nguyễn. Bộ binh tiến lên đóng ở đất Nam Bố Chính; còn thủy quân thì vào đánh cửa Nhật Lệ. Bấy giờ, Nguyễn Hữu Tiến cùng với con trai chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Tần (về sau là chúa Hiền) dẫn binh đi chống quân Trịnh. Ra đến Quảng Bình, Nguyễn Phúc Tần hội kiến với các tướng, bàn rằng: “Quân kia tuy nhiều nhưng mà người đánh giỏi thì ít. Nếu đến đêm, ta cho voi xông vào rồi đem đại quân đến đánh là chắc phá được”. Rồi một mặt cho thủy quân đi phục sẵn ở sông Cẩm La để chặn đường quân Trịnh chạy về; một mặt sai Nguyễn Hữu Tiến đem 100 con voi, canh năm xông vào trại quân Trịnh. Y kế sách, tướng Nguyễn Hữu Tiến dẫn voi và binh sĩ vào đánh úp doanh trại khiến quân Trịnh thua to, phải rút chạy về Bắc. Đây được xem là một trong những thắng lợi lớn nhất của quân Nguyễn trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh.

Đến năm 1655, quân Trịnh lại đem quân vào đánh đất Nam Bố Chính, chúa Hiền sai Thuận nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến và Chiêu vũ hầu Nguyễn Hữu Dật đem quân qua Linh Giang ra đánh đất Bắc Bố Chính.

Lại có chuyện kể rằng, khi họ Trịnh kéo quân vào Nam Bố Chính khiến chúa Hiền lo nghĩ nhiều, chưa biết phó thác việc lớn cho ai. Một đêm trong giấc ngủ chập chờn, chúa Hiền mộng thấy một bậc trưởng lão hiện ra, nói trúng nỗi lòng của chúa, rồi lại đọc mấy câu thơ... Khi nhà chúa tỉnh giấc mới biết mình nằm mộng, tuy nhiên những vần thơ thì vẫn cứ văng vẳng trong đầu nhà chúa. Ngẫm nghĩ kỹ thì bất chợt hiểu ra, những câu thơ “ứng” vào hai vị bề tôi dưới trướng là Thuận nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến, trí dũng song toàn và Chiêu vũ hầu Nguyễn Hữu Dật có cơ mưu, tài sánh Đào Duy Từ. Chúa Hiền liền cho gọi hai vị bề tôi vào bàn kế sách đánh giặc.

Ở lần đánh nhau thứ 5 này, chúa Nguyễn phong cho Nguyễn Hữu Tiến làm Tiết chế, còn Nguyễn Hữu Dật là Đốc chiến dẫn quân đánh trận. Nhờ sự phối hợp ăn ý giữa hai viên tướng tài năng đã giúp cho quân Đàng Trong làm chủ tình thế, chiếm được một phần đất đai của triều đình Lê - Trịnh.

Sang năm 1656 “quân họ Nguyễn đến đánh đồn Tiếp Vũ, bọn Thân Văn Quang bỏ chạy, Nguyễn Hữu Tiến đem quân đến đóng ở sông Tam Chế. Còn Nguyễn Hữu Dật tiến binh đến núi Hồng Lĩnh, gặp quân họ Trịnh đánh đuổi đến đất Mẫn Tường... Quân họ Nguyễn thừa thắng tiến lên đến làng Minh Lương và làng Bình Lạng gặp quân của Đào Quang Nhiêu, hai bên đánh nhau một trận rất dữ. Đào Quang Nhiêu thua chạy về An Tràng, dâng biểu tạ tội và xin viện binh” (sách Việt Nam sử lược).

Trước tình thế đó, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài phải cử người con út là Ninh Quận công Trịnh Toàn vào làm thống lĩnh trấn thủ đất Nghệ An. Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến bố trí tướng sĩ đem thủy bộ quân đến đánh quân Trịnh ở Nam Giới, chiếm được nhiều chiến thuyền, rồi lại tràn xuống sông Lam khiến quân Trịnh phải bỏ chạy.

Làng Vân Trai - quê hương của Hổ tướng Nguyễn Hữu Tiến nay thuộc phường Nguyên Bình (thị xã Nghi Sơn).

Làng Vân Trai - quê hương của Hổ tướng Nguyễn Hữu Tiến nay thuộc phường Nguyên Bình (thị xã Nghi Sơn).

Về sau, Trịnh Căn vào đất Nghệ An thay quyền Trịnh Toàn. Trịnh Căn chia quân thành các đạo vượt sông Lam tiến đánh quân Nguyễn. Vì có sự phòng bị từ trước nên Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến lại khiến quân Đàng Ngoài chưa thực hiện được ý đồ. Từ đây, hai bên lấy sông Lam làm ranh giới giao chiến. “Bấy giờ quân Nguyễn chiếm đóng Nghệ An, Hữu Tiến được lệnh chiêu dụ, vỗ về Nhân dân, tuyển người có tài học, chia đặt quan chức, xét sổ đinh, thu lương và lấy lính ở đất này. Bấy giờ, dân Nghệ An dần bình thường hóa và yên ổn làm việc, quân Nguyễn có lương thừa, quân đánh nhiều trận đều thắng” (sách Danh tướng Việt Nam).

Tuy nhiên sau này, giữa Tiết chế Nguyễn Hữu Tiến và Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật xảy ra bất hòa khiến quân Nguyễn thất thế lui về. “Nguyễn Hữu Tiến đóng ở Nhật Lệ. Nguyễn Hữu Dật đóng ở Đông Cao, giữ các chỗ hiểm yếu. Từ bấy giờ, 7 huyện ở vùng sông Lam lại thuộc về đất Bắc...”. Trịnh Căn thấy quân Nguyễn phòng thủ chắc chắn, biết không thể tiến sâu thêm, đành phải cắt cử tướng ở lại giữ đất Nghệ An kiêm lĩnh cả Bắc Bố Chính, còn lại rút về Thăng Long, kết thúc lần giao chiến thứ năm.

Theo một số tài liệu, cuối năm 1661 sang năm 1662, quân Lê - Trịnh lại mang đại binh vào đánh Đàng Trong. Bấy giờ dù tuổi đã cao song lão tướng Nguyễn Hữu Tiến vẫn được chúa Nguyễn tin tưởng, cử ông tham gia đắp lũy Trấn Ninh để việc phòng thủ thêm phần chắc chắn.

Với sự uy dũng và những chiến công lập được, danh tướng Nguyễn Hữu Tiến được chúa Nguyễn khen là Hổ tướng, còn người ngoài Bắc gọi ông là Hổ uy đại tướng. Tên tuổi và công trạng của ông được sử sách đánh giá sánh ngang với Nguyễn Hữu Dật, cả hai ông đều được xem là bậc khai quốc công thần của nhà Nguyễn.

Trên đất Vân Trai xưa - nay thuộc phường Nguyên Bình (thị xã Nghi Sơn), Hổ tướng Nguyễn Hữu Tiến hiện đang được phối thờ tại Di tích quốc gia đền thờ Đào Duy Từ. Ông Lê Văn Bình - thủ từ đền thờ, chia sẻ: “Hai cụ Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Tiến là những nhân tài xuất chúng. Với tài năng của mình, hai cụ đã lưu danh sử sách, là niềm tự hào của đất và người Nguyên Bình...”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ho-tuong-nbsp-nguyen-huu-tien-31069.htm