Vẫn còn nhiều trường hợp đến khám, điều trị muộn căn bệnh ung thư khiến 3.000 phụ nữ Việt tử vong

Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo, tuy nhiên tại Bệnh viện K vẫn ghi nhận nhiều trường hợp đáng tiếc khi đến khám và điều trị bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị...

Hơn 9.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, đa phần đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn

Theo các chuyên gia của Bệnh viện K, ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Theo ghi nhận ung thư 2020, Việt Nam có hơn 9.000 ca mắc mới và có hơn 3.000 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Các chuyên gia Bệnh viện K cho hay, ung thư cổ tử cung do nhiều nguyên nhân gây nên, ngoài yếu tố chủ yếu nhiễm HPV, còn phải kể đến các yếu tố nguy cơ khác như: Hành vi tình dục (phụ nữ sinh hoạt tình dục sớm, nhiều bạn tình), nhiễm trùng, nhiễm Herpes virus, tác động của tinh dịch, trạng thái suy giảm miễn dịch, hút thuốc lá, dinh dưỡng.

Một trường hợp ung thư cổ tử cung được phẫu thuật và điều trị tại Bệnh viện K

Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo, tuy nhiên tại Bệnh viện K vẫn ghi nhận nhiều trường hợp đáng tiếc khi đến khám và điều trị bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Do đó chuyên gia Bệnh viện K nhấn mạnh việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao.

Song song với việc nâng cao hiệu quả tầm soát, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, hiện nay nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng để điều trị căn bệnh này như phương pháp phẫu thuật, hóa xạ trị triệt căn, hóa xạ trị kết hợp phẫu thuật; phẫu thuật triệt căn đơn thuần điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.

Tầm soát ung thư cổ tử cung rất quan trọng đối với chị em phụ nữ, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên từ 35 - 44 tuổi. Đây là phương pháp phát hiện ra các tế bào ung thư sớm bằng cách tìm ra tế bào bất thường trước khi chúng biến đổi thành tế bào ung thư. Nhờ vậy, quá trình ngăn chặn, điều trị bệnh ung thư cổ tử cung đạt thành công lên tới 75 - 90%. Càng phát hiện ở giai đoạn muộn hoặc bỏ lỡ thời điểm vàng của quá trình điều trị thì các tế bào bất thường phát triển mạnh hơn, hiệu quả điều trị sẽ giảm dần.

Đề xuất quỹ BHYT chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh, trong đó có ung thư cổ tử cung

Tại hội thảo "Đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT về vấn đề chẩn đoán, điều trị sớm cho một số bệnh trong dự án Luật BHYT sửa đổi" vừa được Bộ Y tế tổ chức mới đây, ThS Trần Thị Trang - Quyền Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế nói: Nhằm đồng bộ về chính sách với Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực vào năm 2024, cũng như chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng BHYT của người dân.

Cụ thể, đề xuất quỹ BHYT chi trả phí khám, sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C… Đề xuất này dựa trên kinh nghiệm quốc tế, bằng chứng khoa học, mô hình bệnh tật cần quan tâm.

"Chúng tôi đang cố gắng có đánh giá về tác động, hiệu quả khi đưa các bệnh này vào. Việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh sẽ giúp giảm các chi phí y tế, điều trị bệnh sau này, phòng tránh được rất nhiều bệnh lý tăng nặng, điều trị tốn kém như ung thư, đột quỵ, bệnh lý tim mạch…"- bà Trang phân tích.

Trong các phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung, các hướng dẫn cập nhật của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (2020), Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa kỳ (2021) và Tổ chức Y tế Thế giới (2021) đang khuyến cáo ưu tiên sử dụng xét nghiệm HPV DNA đầu tay đơn lẻ với khoảng cách sàng lọc 5 năm/lần, cùng với que tăm bông tự lấy mẫu để gia tăng độ phủ sàng lọc. Từ bức tranh các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã triển khai thành công chương trình sàng lọc quốc gia, hầu hết đều sử dụng xét nghiệm HPV DNA đầu tay đơn lẻ, hoặc đang được chuyển đổi từ các phương pháp khác như tế bào học sang HPV DNA.

Cũng về nội dung này, TS. Ong Thế Duệ - Phó Trưởng khoa Tài Chính y tế và Đánh giá công nghệ y tế, Viện chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cũng chỉ ra rằng bằng chứng từ các nghiên cứu đánh giá hiệu quả chi phí của phương pháp HPV DNA so với xét nghiệm tế bào học, cả trên thế giới và trong bối cảnh Việt Nam, đều cho thấy phương pháp HPV DNA có hiệu quả chi phí cao hơn xét nghiệm tế bào học. Nhằm giảm gánh nặng của ung thư cổ tử cung, quỹ bảo hiểm y tế hoặc ngân sách nhà nước xem xét chi trả hoặc đồng chi trả cho việc triển khai sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ cho phụ nữ Việt Nam.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc ủng hộ, đồng hành trong các đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT về vấn đề chẩn đoán, điều trị sớm cho một số bệnh bao gồm cả ung thư cổ tử cung...

Thông tin về ung thư cổ tử cung Đồ họa: Bệnh viện K

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung

Theo Bệnh viện K, ngay khi thấy dấu hiệu bất thường dưới đây, các chị em nên đến cơ sở chuyên khoa phụ khoa để thăm khám sớm.

- Ra máu âm đạo bất thường.

- Ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục.

- Ra khí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu.

- Đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu.

- Đi tiểu, đi ngoài ra máu khi ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng.

- Kinh nguyệt kéo dài, không đều.

- Mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân

Điều trị ung thư cổ tử cung hiện nay có thể áp dụng các phương pháp sau: phẫu thuật triệt căn, xạ trị triệt căn, kết hợp xạ trị-phẫu thuật, kết hợp xạ trị- hóa chất.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị căn cứ vào giai đoạn bệnh, thể trạng chung của người bệnh, tổn thương tại chỗ, tuy vậy dù chọn phương pháp nào thì mục tiêu chung là: thời gian sống thêm lâu nhất và nguy cơ biến chứng thấp nhất, như vậy bệnh nhân có chất lượng sống tốt nhất sau điều trị.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/van-con-nhieu-truong-hop-den-kham-dieu-tri-muon-can-benh-ung-thu-khien-3000-phu-nu-viet-tu-vong-169231025163111201.htm