Tuyên Quang quan tâm đầu tư phát triển các xã đặc biệt khó khăn

Vùng đồng bào DTTS nước ta hiện còn nhiều dân tộc thuộc xã khó khăn đặc biệt, theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước có 32 dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và 14 dân tộc có khó khăn đặc thù sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đang được các tỉnh triển khai thực hiện, trong đó, tỉnh Tuyên Quang đã tích cực triển khai các giải pháp, khai thác tiềm năng thế mạnh, phát huy lợi thế vùng để đầu tư phát triển.

Đèo Khau Lắc (huyện Lâm Bình) là địa điểm hấp dẫn các du khách (Nguồn Internet)

Toàn tỉnh Tuyên Quang có tổng số 658 thôn đặc biệt khó khăn (bao gồm 538 thôn thuộc xã khu vực III; 48 thôn thuộc xã khu vực II; 72 thôn thuộc xã khu vực I), tập trung tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên... Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc.

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống ở huyện Lâm Bình

Lâm Bình là huyện vùng cao nằm ở phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, được tách ra từ hai huyện Na Hang và Chiêm Hóa vào năm 2011. Huyện có địa hình tương đối phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều núi đá vôi và khe sâu. Nhưng Lâm Bình có thế mạnh đặc biệt, đó là một trong những huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất nước ta với hệ sinh thái động thực vật phong phú, đa dạng. Đây là nơi sinh sống của 12 dân tộc: Tày, Pà Thẻn, Dao, Mông…

Nơi đây có cảnh sắc thiên nhiên phong phú, đặc sắc, là tiềm năng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong chiến lược phát triển, huyện Lâm Bình đặt mục tiêu phát huy tiềm năng, khai thác tốt loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng.

Từ định hướng phát triển đó, huyện đã chỉ đạo đầu tư, khai thác thế mạnh phát triển du lịch và dịch vụ du lịch khu vực điểm tại các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Sơn, thị trấn Lăng Can và khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, với các điểm du lịch cộng đồng được công nhận, gồm: Thôn Nà Tông, Nà Đông, xã Thượng Lâm; tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can; thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà. Hiện huyện đang lập hồ sơ, trình công nhận điểm du lịch thôn Bản Biến xã Phúc Sơn. Đồng thời chú trọng xây dựng, phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tập trung hỗ trợ cơ sở kinh doanh, hợp tác xã, hộ gia đình Homestay trong việc nâng cao kỹ năng, tay nghề, kiến thức về du lịch, tạo kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc

Đến nay, huyện triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Homestay với gần 50 hộ tham gia, trong đó Tổ hợp tác dịch vụ Homestay 99 Ngọn Núi, được Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cấp Giấy chứng nhận OCOP sản phẩm dịch vụ “Homestay 99 Ngọn Núi” đạt tiêu chuẩn 4 sao; thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đăng ký lập hồ sơ trình cấp quốc gia đề nghị công nhận sản phẩm dịch vụ “Homestay 99 Ngọn Núi” đạt tiêu chuẩn 05 sao. Đặc biệt, mô hình xây dựng làng văn hóa gắn với du lịch tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm; thôn Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can đã thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Lâm Bình.

Nhằm khai thác, phát triển du lịch hiệu quả, ổn định, bền vững, huyện luôn tập trung cho công tác bảo vệ cảnh quan môi trường: Đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 78%; triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái, trọng tâm là thực hiện cuộc vận động “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải nhựa”; tuyên truyền vận động nhân dân hạn chế, tiến tới không dùng thuốc diệt cỏ. Tập trung quản lý chặt chẽ quy hoạch, kiến trúc, khuyến khích người dân giữ gìn và phát triển mô hình nhà truyền thống của các dân tộc…

Cùng với đó, huyện triển khai các giải pháp khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trang phục của các dân tộc, dệt thổ cẩm… duy trì lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày, lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn; tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, đánh bam; sản xuất thành phẩm các loại lá tắm, xông của dân tộc Dao. Khuyến khích người dân phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch, các sản phẩm lưu niệm; triển khai dịch vụ du lịch cộng đồng; thuyền vận chuyển khách du lịch. Phát triển một số sản phẩm du lịch mới, xây dựng điểm check in, điểm dừng chân tại các địa điểm phù hợp để du khách trải nghiệm và chụp ảnh lưu niệm…

Để bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, thời gian qua, huyện đã luôn chú trọng, thường xuyên tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; nhiều lễ hội truyền thống đã được khôi phục và trở thành hoạt động văn hóa thường niên.

Chè Shan Tuyết, đặc sản của vùng đồng bào DTTS Na Hang (Ngồn Internet)

Na Hang thành công với phát triển thương hiệu chè Shan Tuyết

Huyện miền núi Na Hang có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình 22-24°C, là điều kiện thuận lợi để phát triển chè Shan Tuyết. Chè Shan Tuyết đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc.

Từ năm 2000, để phát huy tiềm năng, đồng thời thực hiện phủ xanh đất trống đồi trọc, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện dự án trồng rừng bằng chè Shan Tuyết trên địa bàn các xã Sinh Long, Sơn Phú, Hồng Thái… Đến nay, Na Hang có trên 1.379ha chè Shan Tuyết, đem lại thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/ha/năm, trở thành một trong những sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.

Để chăm sóc tốt diện tích trồng chè hiện có, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân cần có sự đầu tư của tổ chức, cá nhân trong thu mua và chế biến sản phẩm chè tại các xã. Đồng thời phát triển các loại hình sản xuất, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm tổ chức thực hiện tốt các khâu sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tham gia hỗ trợ đầu tư và liện kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo dựng được mô hình cơ sở sản xuất, tiêu thụ chè gắn với người trồng chè và lợi nhuận doanh nghiệp gắn với lợi ích người trồng chè. Đẩy mạnh đầu tư, thâm canh diện tích chè tại các xã Sinh Long, Sơn Phú, Hồng Thái… phấn đấu đưa năng suất chè bình quân hàng năm đạt trên 45 tạ/ha/năm.

Huyện Na Hang cũng khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, chế biến sản phẩm đầu tư trang thiết bị, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng cũng như giá trị sản phẩm. Quảng bá sản phẩm chè Shan Tuyết đến bạn bè trong và ngoài tỉnh thông qua Hội chợ thương mại trưng bày giới thiệu sản phẩm để đa dạng lượng khách hàng tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, huyện đang triển khai Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm chè Shan Tuyết liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Na Hang, hỗ trợ người dân các xã Sinh Long, Sơn Phú, Hồng Thái cải tạo, trồng và chăm sóc diện tích chè hiện có.

Những định hướng phát triển

Để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có các xã khó khăn đặc thù, ngày 16/3/2023, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành kế hoạch số 49/KH-UBND thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh năm 2023.

Với mục tiêu nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước…; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Trong đó, đối với các xã còn nhiều khó khăn và khó khăn đặc thù, trong năm 2023, tỉnh phấn đấu đưa 04 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (xã Khâu Tinh, huyện Na Hang và các xã Hùng Đức, Minh Khương, Thành Long huyện Hàm Yên). Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó chú trọng thực hiện xây dựng các tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi, nhà lớp học, nhà sinh hoạt cộng đồng tại các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, khu vực II vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với người có uy tín; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao sức khỏe cho dân tộc có khó khăn đặc thù. Quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù…

Đỗ Thụy

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/tuyen-quang-quan-tam-dau-tu-phat-trien-cac-xa-dac-biet-kho-khan-55177.html