Không để trang phục truyền thống 'nhạt màu'

Trang phục là một trong những yếu tố tạo nên nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, quá trình hội nhập và phát triển kéo theo nguy cơ bị mai một, thậm chí biến mất nét đặc sắc của trang phục truyền thống.

Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Lự ở Lai Châu. Ảnh: P. Sỹ.

Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Lự ở Lai Châu. Ảnh: P. Sỹ.

Cùng với sự biến đổi của đời sống xã hội, việc sử dụng trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) có sự biến đổi rất nhanh. Sự biến đổi đó trước hết là do xu hướng Việt (Kinh) hóa hoặc Âu hóa đang diễn ra với cấp độ nhanh chóng. TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, trang phục dân tộc không chỉ là trang phục mà còn là văn hóa, bao hàm những giá trị về thẩm mỹ mang bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trang phục truyền thống của các DTTS đang ngày càng mai một và biến dạng.

Nhạt màu bản sắc

Theo nhận định của một số chuyên gia văn hóa, không ít DTTS không còn giữ được trang phục truyền thống của mình, hoặc thay đổi cách ăn mặc. Đáng buồn hơn, nhiều người còn mang suy nghĩ nếu không mặc theo kiểu “toàn cầu hóa” sẽ bị coi là lạc hậu, vì vậy trang phục đặc trưng của dân tộc rất ít được sử dụng. Đó là thực trạng đáng suy ngẫm.

Hiện nay, ở nhiều vùng, những trang phục truyền thống mang bản sắc của mỗi dân tộc chỉ được xuất hiện trong một số ngày ngày lễ, hội, ngày Tết. Chính điều này đã khiến trang phục truyền thống gần như trở thành một thứ lễ phục, không còn thân thuộc với đời sống sinh hoạt của người dân. Ngay cả những người trẻ, các thanh thiếu niên ở dân tộc đó còn ngại ngùng khi mặc chính trang phục của dân tộc mình trước đám đông. Nhiều bạn trẻ, kể cả trong các lễ hội của dân tộc mình cũng không sử dụng trang phục truyền thống.

TS Lò Giàng Páo - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học (Ủy ban Dân tộc) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mai một về trang phục truyền thống. Trong đó có thể nói đến những mẫu trang phục được thiết kế may sẵn, theo cung cách giản đơn, có sẵn trên thị trường, không còn giữ được nét đẹp thêu dệt hoa văn. Bên cạnh đó, công nghệ và quá trình đô thị hóa cũng đang làm mai một những bản sắc truyền thống.

Giữ gìn để phát triển

Năm 2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay". Thời gian thực hiện của Đề án là từ năm 2019 đến năm 2030 với mục tiêu đề ra là bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các DTTS, góp phần phát triển bền vững văn hóa các DTTS Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh việc đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các DTTS, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.

Theo TS Chữ Thị Hà - Khoa Văn hóa DTTS (Đại học Văn hóa Hà Nội), các địa phương cần tuyên truyền cho đồng bào, đặc biệt là lớp trẻ thấy được lợi ích, cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể mang lại, đặc biệt trong công tác quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, để từ đó đồng bào sẽ quan tâm đầu tư hơn đến kênh truyền thông bán hàng hiệu quả này.

Còn TS Trần Hữu Sơn nêu quan điểm, mỗi người dân cần lưu giữ một bộ trang phục truyền thống sử dụng trong các ngày lễ trọng đại. Khuyến khích vùng đồng bào DTTS phát triển du lịch chú trọng sử dụng trang phục dân tộc, vừa bảo tồn được di sản và quan trọng hơn là tạo ra vẻ đẹp mang sắc thái riêng về điểm đến du lịch. Từ đó nghiên cứu xây dựng các sản phẩm đặc thù. Mặt khác, cần đưa nội dung bảo tồn trang phục lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia mà ngành văn hóa đang thực hiện.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi thế hệ trẻ có xu hướng xa rời trang phục truyền thống của dân tộc thì việc quảng bá, đưa thông tin bằng các phương tiện truyền thông hiện đại như Facebook, Tiktok, Youtube… là một giải pháp phù hợp.

TS Lò Giàng Páo chia sẻ, để bảo tồn được và phát huy giá trị văn hóa nói chung và trang phục truyền thống nói riêng thì cần có sự đầu tư, khuyến khích. Quan trọng hơn là tuyên truyền để chính dân tộc đó biết về giá trị văn hóa, bản sắc của dân tộc mình. Vấn đề này cần có sự nhận thức và giáo dục ngay từ chính gia đình. Tổ chức cho các nghệ nhân truyền dạy việc phát triển, chế biến nguồn nguyên liệu để sản xuất trang phục truyền thống… Qua đó góp phần thu hút du khách tìm đến nhờ bản sắc văn hóa nói chung và trang phục truyền thống của từng dân tộc nói riêng.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khong-de-trang-phuc-truyen-thong-nhat-mau-10279840.html