Xóa 'điểm nghẽn' đưa nghị quyết HĐND vào cuộc sống

Các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành trong thời gian qua đã tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân. Nhiều nghị quyết đã làm thay đổi diện mạo làng quê, thúc đẩy kinh tế hộ, kinh tế hợp tác phát triển... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND vẫn còn những khó khăn do tồn tại không ít 'điểm nghẽn' cần có giải pháp để xóa bỏ, bảo đảm các chính sách đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Hiệu quả các nghị quyết

Trong thời gian qua, nhiều nghị quyết của HĐND sau mỗi kỳ họp được UBND các cấp, các ngành, các địa phương tuyên truyền, cụ thể hóa và triển khai thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đạt hiệu quả cao, tạo sự đồng thuận của cộng đồng xã hội trong triển khai thực hiện. Nhiều nghị quyết sát thực tiễn được nhân dân quan tâm, đặc biệt là các nghị quyết liên quan đến các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng nông thôn, chính sách an sinh, giáo dục...

Nghị quyết số 03/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh có sự kế thừa, tích hợp từ nhiều nghị quyết được ban hành trước đây đã tạo sức bật mạnh mẽ để nông nghiệp, nông thôn phát triển. Nghị quyết đã giúp người dân tháo gỡ được những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Nếu như trước đây, cây chè Shan tuyết trên địa bàn huyện Na Hang chỉ là loài cây mọc phân tán trên rừng, nhờ có chính sách hỗ trợ của tỉnh thì nay cây chè Shan tuyết đã trở thành hàng hóa giá trị lớn, đem lại thu nhập đáng kể cho đồng bào vùng cao.

Cán bộ và nhân dân thôn Trung Thành, xã Thành Long (Hàm Yên) trong ngày khánh thành cầu Cây Quýt (Công trình thực hiện theo Nghị quyết 55/NQ-HĐND tỉnh).

Cán bộ và nhân dân thôn Trung Thành, xã Thành Long (Hàm Yên) trong ngày khánh thành cầu Cây Quýt (Công trình thực hiện theo Nghị quyết 55/NQ-HĐND tỉnh).

Là một trong những HTX được thụ hưởng từ chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh, ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà (Na Hang) cho biết, từ nguồn hỗ trợ ban đầu của tỉnh, HTX Sơn Trà đã mở rộng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. HTX đầu tư máy móc thiết bị hiện đại như máy sao công nghệ Đài Loan, máy vò, máy sàng, máy đóng gói hút chân không. Sản phẩm chè của HTX đã đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các nước Châu Âu (EU).

Nghị quyết 55/NQ-HĐND thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 đã nối dài thêm trên 700 km đường bê tông nông thôn, xây dựng mới 116/200 cầu trên đường giao thông nông thôn. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp ở các địa phương, nhiều cử tri đã bày tỏ sự vui mừng trước những đổi thay to lớn về hạ tầng nông thôn nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước thông qua các nghị quyết của HĐND tỉnh. Ông Nguyễn Văn Khuynh, thôn Hưng Long, xã Thành Long (Hàm Yên) vui mừng chia sẻ: Cây cầu Ô Rô bắc qua con suối được hoàn thành là niềm vui của bà con thỏa mong ước có cây cầu qua suối, giờ đã thành hiện thực rồi. Từ nay dân tôi không phải lo mỗi khi mưa lớn.

Nghị quyết số 88/NQ-HĐND về phê duyệt Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần nâng đưa số lượng 1.680/1.733 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, trong đó 81% nhà văn hóa đạt chuẩn. Ông Hoàng Văn Hiển, thôn Cầu Chéo, xã Đội Bình (Yên Sơn) chia sẻ “Có nhà văn hóa bà con trong thôn ai cũng vui và phấn khởi, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao được nâng lên rõ rệt góp phần xây dựng đời sống văn hóa gắn với thực hiện nếp sống văn minh, vun đắp thêm tình làng nghĩa xóm.

Xóa những “điểm nghẽn”

Có thể khẳng định tác động từ các nghị quyết là rất lớn đối với mọi mặt đời sống xã hội, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, nhất là tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị hơn, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh vẫn còn không ít “điểm nghẽn” có lúc, có nơi, việc tuyên truyền triển khai một số nghị quyết của HĐND tỉnh còn hạn chế.

Ở một số địa phương, nhiều người dân chưa nắm được các nghị quyết, nhất là một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 03. Các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, trọng tâm là HTX vẫn chưa phát huy hiệu quả, do đó kinh tế nông thôn vẫn còn manh mún, chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng. Việc chậm đưa một số nghị quyết HĐND tại một số địa bàn khiến các chính sách hỗ trợ không đến được đối tượng được hưởng thụ.

Đồng chí Đàm Thanh Hương, Tổ đại biểu HĐND huyện Na Hang - Lâm Bình cho biết, qua thực tế ở một số địa phương, đội ngũ chuyên môn, cán bộ thôn bản không có sự chọn lọc nội dung nên việc truyền tải đến người dân còn hạn chế. Đơn cử như trong thực hiện Nghị quyết 09/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong triển khai thực hiện còn có những vướng mắc do vậy năm 2022, huyện Na Hang không giải ngân được tiền hỗ trợ các hộ đầu tư dịch vụ homestay.

Chè Shan tuyết giúp nâng cao thu nhập cho người dân thôn Pắc Củng, xã Thượng Nông (Na Hang) nhờ Nghị quyết 03 HĐND tỉnh.

Chè Shan tuyết giúp nâng cao thu nhập cho người dân thôn Pắc Củng, xã Thượng Nông (Na Hang) nhờ Nghị quyết 03 HĐND tỉnh.

Qua kiểm tra cho thấy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các điều kiện quy định để được hưởng thụ các chế độ theo nghị quyết chưa đến nơi đến chốn. Ngay như việc yêu cầu mua sắm trang thiết bị của các hộ cần phải có hóa đơn nhưng bà con không nắm rõ để thực hiện. Trong việc hỗ trợ nông nghiệp bằng cây giống chất lượng cao trên địa bàn khó áp dụng bởi cây keo không phù hợp với Na Hang và Lâm Bình.

Anh Nông Văn Luân, thôn Nà Thài, xã Thượng Giáp (Na Hang) chia sẻ, do không nắm được cụ thể chính sách về hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao nên anh phải tự đi tìm kiếm nguồn giống để trồng 2ha rừng với số vốn bỏ ra ban đầu là khá lớn, anh phải vay thêm. Việc nắm bắt chậm không chỉ không nhận được hỗ trợ giống mà giống tự mua cũng không đảm bảo chất lượng.

Qua báo cáo giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh về phát triển lâm nghiệp cho thấy, công tác phổ biến, quán triệt các chính sách của trung ương và của tỉnh có lúc, có nơi còn hạn chế, một số người dân chưa được tiếp cận, tham gia và được thụ hưởng đầy đủ các chính sách về phát triển lâm nghiệp như trồng rừng bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, phát triển cây lâm nghiệp bản địa, lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế. Điển hình như huyện Chiêm Hóa diện tích rừng trồng bằng giống cây lâm nghiệp chất lượng cao thấp hơn diện tích đăng ký đủ điều kiện hỗ trợ.

Đồng chí Trần Văn Tú, Tổ đại biểu HĐND huyện Chiêm Hóa cho biết, riêng Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh lồng ghép nhiều nghị quyết trước đây vào một nghị quyết nên có tới 23 chính sách khác nhau, mỗi chính sách có nội dung riêng. Trong công tác tuyên truyền, cán bộ thường lại không cụ thể hóa từng chính sách, trong khi đó, mỗi hộ chỉ nhận một trong số 23 chính sách hỗ trợ được quy định trong nghị quyết. Đơn cử như nếu được hỗ trợ xây dựng bể Bioga rồi thì thôi hỗ trợ chính sách hỗ trợ cải tạo vườn cây ăn quả. Chính vì vậy mà việc đưa chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng cũng là một vấn đề khó khăn, hạn chế.

Giới thiệu sản phẩm OCOP cho khách nước ngoài tại chợ đêm thị trấn Na Hang.

Giới thiệu sản phẩm OCOP cho khách nước ngoài tại chợ đêm thị trấn Na Hang.

Anh Đặng Văn Dấu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Sơn Trang thôn Phia Chang, xã Sơn Phú cho biết, gần 40 ha chè của bà con rất cần nước tưới vào mùa khô. Nếu có nước tưới đảm bảo thì sản lượng và chất lượng chè sẽ cao hơn nhiều. Tuy nhiên khi được hỏi, anh Dấu không biết đến Nghị quyết 03 quy định mức hỗ trợ lên đến 40 triệu đồng/ha nếu HTX đầu tư hệ thống tưới theo tiêu chuẩn quy định.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh, để nghị quyết và tổ chức triển khai hiệu quả, trước hết phải nêu cao trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội. Công tác truyền thông các nghị quyết HĐND phải được sâu rộng, kịp thời, đúng đối tượng, phải phát huy thế mạnh của các phương tiện truyền thông. Việc tuyên truyền, triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh phải được thực hiện thường xuyên, định kỳ, linh hoạt bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để có thể truyền tải đến từng người dân.

Do đó cần tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố, bởi đây là những người trực tiếp tiếp cận đối tượng tác động của chính sách giúp họ nhanh chóng nắm rõ các nội dung của nghị quyết để truyền tải cho người dân qua mạng xã hội như Zalo, Facebook. Đồng thời giải thích, vận động để người dân đón nhận và chủ động, tự nguyện thực hiện.

Thanh Phúc

Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Tạo điều kiện nhất để người dân được thụ hưởng

Để thúc đẩy phát triển sản xuất, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách diện bao phủ vẫn hẹp, trong khi nhu cầu vốn trong dân vẫn rất cao. Tôi cho rằng, để các cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh, các hội nghị, sinh hoạt tổ chức hội; tuyên truyền trên mạng xã hội về các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như cây giống, con giống, nước sản xuất… đến hội viên và tầng các lớp nhân dân. Chính quyền các địa phương cần bố trí cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình có nhu cầu hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để họ nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất.

Ông Trần Giang Nam
Trưởng Phòng Dân nguyện - Thông tin và Tuyên Truyền, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Tháo gỡ những vướng mắc trong việc tiếp cận cơ chế

Nhằm giúp người dân tiếp cận đầy đủ các cơ chế, chính sách, tất cả các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành đều được đăng tải đầy đủ trên Trang thông tin điện tử và Bản tin nội bộ của HĐND tỉnh. Cùng với đó, các nghị quyết, các cơ chế, chính sách đều được các cơ quan báo chí của tỉnh đăng tải để người dân được tiếp cận. Tuy nhiên, thông qua giám sát thực tiễn tại cơ sở, không ít người dân vẫn chưa nắm được nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ mà HĐND tỉnh đã ban hành. Để tháo gỡ những vướng mắc trong việc tiếp cận cơ chế, chính sách; các cấp, các ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết ở cơ sở; có đánh giá cụ thể và kịp thời có những kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung để phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai nghị quyết một cách thiết thực, hiệu quả, kịp thời để người dân hiểu và nắm rõ các cơ chế, chính sách khuyến khích của tỉnh và tích cực tham gia thực hiện.

Chị Tô Phương Anh
Xóm 16, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang)

Chủ động nghiên cứu nắm bắt chính sách

Theo Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025, người dân được hỗ trợ ghép cải tạo giống vườn cây ăn quả, hỗ trợ 1 lần chi phí với định mức hỗ trợ 50.000 đồng/cây. Do không biết đến chính sách, gia đình tôi mất cơ hội được hỗ trợ phải tự lo kinh phí để cải tạo vườn cây có múi. Từ việc này, tôi nghĩ rằng, ngoài được hỗ trợ thông tin của các cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự tìm hiểu, nghiên cứu các cơ chế, chính sách, nhất là chính sách mới ban hành liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình để tránh thiệt thòi, nắm bắt tốt hơn cơ hội đầu tư sản xuất nâng cao đời sống.

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xoa-diem-nghen-dua-nghi-quyet-hdnd-vao-cuoc-song-192044.html