Truy tố 7 đối tượng trong đường dây buôn bán ngoại tệ giả

Ngày 11/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 7 bị can trong đường dây buôn bán ngoại tệ giả về các tội 'Tàng trữ, vận chuyển và lưu hành tiền giả'.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã phát hiện, thu giữ của các đối tượng nhiều loại tiền ngoại tệ giả, bao gồm: tiền đô la Mỹ giả, tiền đô la Singapore giả, tiền Turkermenistan giả với tổng giá trị quy đổi tương ứng trên 13 tỷ Việt Nam đồng.

Trong vụ án này, có 3 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” gồm: Huỳnh Thị Búp (SN 1973, ở tại chợ Ô Say, TP.Phnom Penh, Campuchia); Đặng Thị Thúy Vân (SN 1979, ngụ Q7, TPHCM) và Đinh Xuân Tiến (SN 1982, ngụ xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Hai bị can bị truy tố về tội "Tàng trữ, vận chuyển tiền giả” gồm: Nguyễn Tiến Quân (SN 1979, ngụ xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) và Trần Đăng Quảng (SN 1985, ngụ xã Hương Phong, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Hai bị can Nguyễn Văn Hùng (SN 1968, ngụ phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) và Đàm Mai Tất Đạt (SN 1991, ngụ P3, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) bị đề nghị truy tố về hành vi "Tàng trữ tiền giả”.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Phòng An ninh kinh tế, Công an TP.Hà Nội phát hiện đối tượng có dấu hiệu mua bán đô la Mỹ giả nên phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội chủ trì tiến hành bắt giữ.

Lúc 11 giờ 30 ngày 24/6/2022, tại quán Cà phê Gemini, tầng 1 tòa nhà Star City (23 Lê Văn Lương, Q.Cầu Giấy, Hà Nội), tổ công tác Công an TP.Hà Nội phát hiện và bắt giữ Đinh Xuân Tiến đang có hành vi tàng trữ, lưu hành 102.300 USD giả (mệnh giá 100 USD).

Tại Cơ quan điều tra, Tiến khai nhận, USD giả trên mua của 1 người tên Vân ở TPHCM và dự định bán lại cho một người tên Mạnh ở Hà Nội với giá hơn 1,1 tỷ đồng. Mở rộng điều tra vụ án, đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, tạm giam 7 đối tượng. Cầm đầu đường dây phạm tội này là Huỳnh Thị Búp (còn gọi là Chanh The, đối tượng có 2 quốc tịch Việt Nam, Campuchia, hiện định cư tại Chợ Ô Say, TP.Phnom Penh, Campuchia).

Các đối tượng và tang vật

Trong quá trình sinh sống tại Campuchia, Búp quen biết nhiều đối tượng có nguồn tiền giả khác nhau. Do thường xuyên đi lại giữa Việt Nam và Campuchia nên Búp đã giới thiệu với các đầu mối về việc có nguồn tiền USD giả với số lượng lớn cần tiêu thụ. Búp thỏa thuận mua tiền giả của một đối tượng quốc tịch Campuchia với giá 4 triệu đồng/1 thếp đô la Mỹ giả (1 thếp gồm 100 tờ mệnh giá 100 USD).

Sau khi quen biết Vân, khoảng tháng 6/2022, Búp mua của 1 người ở Campuchia 440.000 USD giả với giá 220 triệu đồng, sau đó bán lại cho Vân với giá 240 triệu đồng.

Ngày 12/6/2022, Búp nhận số USD giả trên rồi đóng vào thùng catton và thuê xe ôm chở thùng tiền qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Búp vẫn tiến hành làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam theo quy định rồi nhận lại thùng catton nêu trên. Sau đó, đối tượng tiếp tục thuê xe chở về khu vực huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh để bán cho Vân, hưởng lợi 20 triệu đồng.

Đến ngày 21/6/2022, Búp từ Campuchia nhập cảnh về Việt Nam và lấy lại của Vân 5 thếp tiền USD giả (mệnh giá 100 USD) từ số tiền giả đã bán cho Vân trước đó. Búp không cho Vân biết mục đích lấy lại 5 thếp tiền này. Ngày 25/6/2022, khi Vân liên hệ hỏi Búp về tiền USD giả, Búp đã gọi điện thoại bảo Quân giao 5 thếp USD giả đã cầm của Búp cho Vân. Cùng ngày, khi Búp, Quân đang giao tiền cho Vân thì bị phát hiện, bắt giữ cùng với 49.500 USD.

Về phần Vân, vì hám lời, đối tượng đã liên hệ với Tiến và Hùng để tiêu thụ tiền giả; các đối tượng đã thỏa thuận bán số USD giả với giá bằng 50% giá trị tiền thật. Trong đó Vân hưởng lợi 40%, Tiến và Hùng hưởng lợi 10%. Ngày 24/6/2022, khi Tiến mang 100 USD giả tới quán cafe Gemini thì bị phát hiện bắt giữ.

Khoảng đầu năm 2020, Vân quen biết với Đạt. Do Đạt kinh doanh thua lỗ, không có việc làm nên Vân đã thuê Đạt làm lái xe cho Vân và trả tiền lương 7 triệu đồng/tháng. Quá trình mua bán ngoại tệ giả, Vân giao cho Đạt là lái xe và kiểm tra độ thật - giả, chất lượng của tiền ngoại tệ khi Vân yêu cầu. Vân chụp ảnh các loại tiền giả hoặc đưa trực tiếp tiền mà Vân có cho Đạt, yêu cầu Đạt lên mạng tìm kiếm, nghiên cứu đặc điểm nhận biết tiền ngoại tệ thật, kiểm tra, đối chiếu với tiền mà Vân đưa và nói lại cho Vân biết. Vân đã đưa cho Đạt kiểm tra các loại tiền gồm: đô la Mỹ, đô la Singapore, Turkmenistan...

Ngày 23/6/2022, trước khi Vân và Tiến ra Hà Nội giao tiền giả cho Mạnh, Vân đã gọi Đạt đến trông nhà cho Vân tại phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM và lái xe đưa Tiến và Vân ra sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 24/6/2022, Cơ quan điều tra tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Vân, phát hiện Đạt đang ở tại nhà Vân cùng số tiền 280.000 USD giả.

Từ khoảng tháng 02/2022, qua các mối quan hệ xã hội, Quảng quen biết Quân. Đến tháng 4/2022, do không có tiền thuê nhà nên Quảng xin ở chung với Quân tại khách sạn Huỳnh Anh, tại TPHCM. Tháng 6/2022, Quân giao cho Quảng 20.000 USD giả và thỏa thuận nếu tiêu thụ được thì sẽ chia số tiền thu được theo tỷ lệ: 50% trả lại cho chủ hàng, 50% còn lại thì chia 3 gồm: chủ hàng, Quân và Quảng. Khi đưa tiền, Quân nói rõ USD này không lưu hành được ở Việt Nam. Tuy nhiên, Quảng vẫn đồng ý cầm và rút 2 tờ tiền từ 2 thếp USD trên ra tiệm vàng Dũng Chi trên đường Nguyễn Hữu Cầu (phường Tân Định, Q1) để đổi nhưng không đổi được nên mang về nhà. Sau đó, theo yêu cầu của Quân, Quảng đã ship số tiền trên đưa lại cho Quân... Ngày 22/9/2022, Quảng đã đầu thú tại Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP.Hà Nội.

Nguyên Ngọc

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/truy-to-7-doi-tuong-trong-duong-day-buon-ban-ngoai-te-gia_149702.html