Vũ khí của NATO có thể đấy Nga vào thế 'không còn nơi ẩn náu' như kỳ vọng?

Các nước NATO đang trang bị thêm cho Ukraine các tên lửa tầm xa có độ chính xác cao từng được sử dụng để tấn công các sân bay, trụ sở hải quân và các mục tiêu có giá trị cao khác của Nga. Tuy nhiên, khả năng đẩy Nga vào thế 'không còn nơi ẩn náu' vẫn còn xa vời.

NATO hi vọng đẩy Nga vào thế "không còn nơi nào ẩn náu"

Các thành viên NATO vào tháng 4 đã nhất trí bắt đầu kế hoạch hỗ trợ quân sự lâu dài cho Ukraine để tiếp tục cuộc giao tranh Nga, thông qua việc thành lập một quỹ trị giá 100 tỷ euro (107 tỷ USD).

Những vũ khí do phương tây viện trợ được kỳ vọng giúp tăng cường hỏa lực đáng kể cho khả năng tấn công sâu của Ukraine vào phòng tuyến của đối phương. Trả lời phỏng vấn với tờ Business Insider, các cựu sĩ quan quân đội Mỹ cho rằng các loại vũ khí này có thể giúp Kiev truy lùng các vị trí đóng quân của Nga, khiến các lực lượng chiến đấu của Moscow "không còn nơi nào ẩn náu".

Ukraine đang phải đối mặt với nguy cơ các cuộc tấn công của Nga có thể trở nên dữ dội hơn vào mùa hè, nhưng những vũ khí này có thể giúp ngăn chặn những nỗ lực của Moscow.

Hệ thống tên lửa chiến thuật HIMARS trong quá trình thử nghiệm bắn đạn thật tại New Mexico hồi tháng 12/2021. Ảnh: Business Insider.

Hệ thống tên lửa chiến thuật HIMARS trong quá trình thử nghiệm bắn đạn thật tại New Mexico hồi tháng 12/2021. Ảnh: Business Insider.

Tháng trước, Mỹ tuyên bố đã chuyển cho Ukraine một số Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội MGM-140, còn được gọi là ATACMS - vào đầu mùa xuân này như một phần của gói vũ khí trị giá 300 triệu USD mà nước này đã công bố vào tháng 3. Được biết, mỗi tên lửa ATACMS trị giá khoảng 1,3 triệu USD.

Ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Biden, cho biết sắp tới, Mỹ sẽ gửi thêm tên lửa ATACMS cho Ukraine sau khi thông qua gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD mà đảng Cộng hòa tại Quốc hội đã trì hoãn nhiều tháng.

ATACMS là tên lửa đạn đạo chiến thuật có nhiều biến thể. Ukraine trước đây đã nhận được những quả bom có tầm bắn 300km và có thể phát tán gần 1.000 quả bom con trên một khu vực rộng lớn, khiến chúng có thể gây thiệt hại lớn cho các sân bay - nơi xuất phát của lực lượng máy bay chiến đấu của Nga. Mùa thu năm ngoái, Kiev đã sử dụng tên lửa cho mục đích đó.

Cũng vào cuối tháng 4, Anh tuyên bố gửi thêm tên lửa hành trình Storm Shadow cho Ukraine như một phần của gói vũ khí lớn nhất từ trước đến nay của nước này trị giá tương đương 633 triệu USD, bao gồm hơn 1.600 tên lửa tấn công, hệ thống phòng không và đạn dược.

Vài ngày sau, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps lần đầu tiên tiết lộ rằng Ý đã cung cấp cho Kyiv tên lửa hành trình Storm Shadow, trong khi Pháp đã gửi cho Kiev phiên bản đạn dược riêng có tên gọi SCALP-EG. Những tên lửa thả từ trên không này có thể bay ở độ cao thấp để tránh bị phát hiện và từng được sử dụng để tấn công trụ sở hải quân Nga và các kho sửa chữa phương tiện ở bán đảo Crimea, có phạm vi hoạt động lên tới 250km.

Hiện chưa rõ chính xác có bao nhiêu tên lửa ATACMS và Storm Shadow sẽ đến Ukraine trong thời gian tới.

Hiệu quả của vũ khí NATO trên chiến trường Ukraine

Ông Dan Rice, một cựu sĩ quan pháo binh của quân đội Mỹ, cho biết, kho tên lửa lớn mà các nước NATO viện trợ cho Ukraine hơn có thể hạn chế khả năng của Nga trong việc triển khai các phương tiện quan trọng trong phạm vi 160km từ tiền tuyến. Điều này sẽ làm suy giảm đáng kể khả năng cơ động của Nga khi tiến hành các hoạt động chiến đấu.

Ngoài ra, các điểm nút hậu cần, đường xe lửa vận tải, kho vũ khí, trụ sở chỉ huy, hệ thống phòng không Nga đều có thể bị Ukraine đưa vào tầm ngắm với tên lửa tầm xa.

Phạm vi tiếp cận chiến trường của Ukraine đã tăng lên đều đặn kể từ khi cuộc xung đột nổ ra hồi năm 2022. Đi vào cuộc chiến với những loại pháo tầm ngắn, Ukraine được kỳ vọng sẽ tìm được thế cân bằng trên chiến trường sau khi có sự xuất hiện của hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao, được gọi HIMARS, do Mỹ cung cấp.

Tên lửa Storm Shadow của Anh. Ảnh: Business Insider.

Tên lửa Storm Shadow của Anh. Ảnh: Business Insider.

Tuy nhiên, Nga đã thích nghi với HIMARS bằng cách di chuyển các tài sản quan trọng ra khỏi tầm ngắm của Ukraine và gây nhiễu hệ thống định vị của đối phương. Sự xuất hiện của tên lửa Storm Shadow và ATAMC đã đặt ra những thách thức mới cho Moscow, nhưng trong bối cảnh Ukraine không được viện trợ đủ số vũ khí cần thiết, tình hình chiến sự cũng không có quá nhiều biến chuyển.

Tướng Rice cho biết nếu có nhiều tên lửa ATACMS và Storm Shadow hơn tham gia với Ukraine trên tiền tuyến, nước này có thể tăng cường khả năng tiếp cận và tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao của Nga như các kho tiếp tế và các cơ sở bảo trì.

Ông Ben Hodges, cựu chỉ huy Quân đội Mỹ ở Châu Âu nói: “Nếu tiêu diệt được các kho vũ khí của Nga thì việc Nga có bao nhiêu vũ khí không còn quan trọng. Tôi nghĩ đòn tấn công tầm xa đang trở thành yếu tố chiếm ưu thế trên chiến trường.” Ông Hodges nói thêm rằng các tên lửa như ATACMS và Storm Shadow "sẽ giúp Ukraine vô hiệu hóa lợi thế của Nga và cuối cùng giúp Ukraine giành lại thế chủ động". Ukraine từ lâu cũng đã tìm kiếm tên lửa Taurus của Đức, có tầm bắn xa hơn ATACMS hơn 160 km, nhưng Berlin cho đến nay vẫn từ chối cung cấp cho Kiev.

Tình hình chiến sự đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Đến thời điểm hiện nay, Nga vẫn giành được nhiều lợi ích trên chiến trường khi ngành công nghiệp vũ khí của nước này chuyển sang sản xuất hàng loạt máy bay không người lái (UAV) và bom lượn để tấn công hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Cuối tháng 4, một số nguồn tin cho biết Nga đang dự trữ hàng loạt tên lửa siêu vượt âm Zircon mà Ukraine đánh giá là "khó bắn hạ". Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Zircon là loại tên lửa "không thể cản phá" trước các tổ hợp phòng không hiện tại, có khả năng đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương và đảm bảo khả năng đáp trả của Nga.

Hiệu quả tấn công tầm xa của Kiev sẽ phụ thuộc vào số lượng đạn dược mà nước này nhận được và cách thức chúng được sử dụng. Các hệ thống tên lửa chỉ phát huy hiệu quả cao nhất nếu Kiev có số lượng đủ lớn để tấn công dọc 1.000km tiền tuyến.

Ukraine từ lâu đã bị hạn chế chỉ được sử dụng tên lửa ATACMS và Storm Shadow tại những địa điểm giao tranh, mặc dù Anh gần đây đã đồng ý cho Kiev sử dụng vũ khí của mình để tấn công bên trong lãnh thổ Nga. Nhiều nước NATO, trong đó có Mỹ, lo ngại nguy cơ xung đột có thể leo thang nghiêm trọng trong bối cảnh Nga đã bắt đầu tập trận hạt nhân chiến thuật như biện pháp răn đe.

Các nhà phân tích và quan chức cho rằng sự chậm trễ trong viện trợ quân sự của Mỹ khiến hệ thống phòng thủ của Ukraine trở nên kém hiệu quả, mở đường cho Nga tiến hành một cuộc tấn công mới ở khu vực đông bắc Kharkov.

Ông Jack Watling, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia đánh giá "tương lai của Ukraine trên chiến trường đang vô cùng ảm đạm".

“Nếu các đồng minh của Ukraine tăng cường bổ sung kho dự trữ đạn dược của Ukraine, giúp thiết lập một hệ thống đào tạo binh sĩ chuyên nghiệp và đầu tư vào công nghiệp sản xuất vũ, thì tần suất các cuộc tấn công mùa hè của Nga có thể bị giảm bớt và Ukraine sẽ có thêm thời gian để phục hồi và giành lại thế chủ động”, ông Watling nói.

Hồi cuối tháng 4, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết từ đầu năm đến nay, Ukraine bị tấn công bởi gần 1.200 tên lửa, hơn 1.500 UAV và 8.500 quả bom dẫn đường của Nga. "Để phòng thủ, chúng tôi cần thêm 7 hệ thống Patriot hoặc các hệ thống phòng không tương tự. Đó là con số tối thiểu để cứu nhiều mạng sống và thực sự thay đổi tình hình", ông Zelensky nói.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo Business Insider

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/vu-khi-cua-nato-co-the-day-nga-vao-the-khong-con-noi-an-nau-nhu-ky-vong-post1095740.vov