Trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới đang bị 'khoét rỗng' từ trong

Nhiều người lo ngại việc số lượng văn phòng trống tăng và tình trạng tội phạm có thể là 2 yếu tố khiến San Francisco bị đánh bật khỏi vị trí trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới.

Vào giờ cao điểm trong một buổi sáng gần đây ở trung tâm thành phố San Francisco, hành khách ra khỏi nhà ga Civic Centre bước qua một kim tiêm bị vứt bỏ. Đây là một cảnh tượng quá phổ biến ở một thành phố nơi việc sử dụng ma túy ngoài trời đã trở nên bình thường.

Lượng người đến nhà ga này đã suy giảm mạnh. Nhóm hiện diện nhiều nhất ở đây không phải là những người đang đi làm, mà là nhóm người vô gia cư và nhân viên từ một doanh nghiệp xã hội đến để giúp đỡ họ.

Mới đây, vụ việc Bob Lee, nhà sáng lập 43 tuổi của công ty dịch vụ thanh toán Cash App, bị đâm chết ở thành phố đã làm sôi sục nỗi sợ hãi về tình trạng tội phạm. Nhiều người cho rằng đó là bằng chứng cho thấy cách tiếp cận tự do đối với luật pháp đã khiến tình hình tội phạm không được kiểm soát.

Thông tin xuất hiện sau đó cho thấy nghi phạm là người biết ông Lee từ trước. Nhưng dù vậy, Financial Times nhận định rằng sự việc vẫn làm tăng thêm nỗi lo sợ về khả năng San Francisco đánh mật vị trí trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới.

Làn sóng rời San Francisco

Salesforce tuần trước đã bán 6 tầng còn lại của một tòa tháp mang tên mình ở San Francisco, do ảnh hưởng của việc cắt giảm nhân sự và văn hóa làm việc tại nhà.

Vài ngày sau, chuỗi siêu thị cao cấp Whole Foods đã đóng cửa cửa hàng hàng đầu ở trung tâm thành phố, với lý do nạn trộm cắp gia tăng và lo ngại về sự an toàn của nhân viên.

Một số công ty nổi bật trong cộng đồng đầu tư mạo hiểm của thành phố này đã rời đi, trong khi những người khác cảnh báo về chi phí cơ hội của việc để mất các công ty khởi nghiệp trong tương lai vào tay các thành phố khác.

Joe Lonsdale, người đứng đầu công ty đầu tư mạo hiểm 8VC trị giá 2,7 tỷ USD, đã chuyển từ San Francisco đến Austin (Texas) vào năm 2020.

"Mọi thứ về cơ bản đã trở nên rối loạn và đang đi sai hướng, đến mức tôi không còn lạc quan cho rằng San Francisco là nơi tôi có thể nuôi gia đình”, ông Lonsdale chia sẻ.

Trong khi đó, Jason Calacanis, nhà đầu tư công nghệ, cho biết một số doanh nhân đang xem xét chuyển đến các thành phố khác của Mỹ để thành lập hoặc phát triển doanh nghiệp.

"Các nhà sáng lập từng coi San Francisco là điểm đến cuối cùng cho các công ty khởi nghiệp. Nay họ lại đang chọn đến Austin, Miami hoặc khu vực vịnh rộng lớn hơn và tránh thành phố San Francisco. Lý do số một mà họ nói với tôi là vấn đề an toàn”, vị doanh nhân chia sẻ.

Trụ sở Twitter ở San Francisco. Ảnh: Bloomberg.

Ngay cả những người quyết tâm ở lại thành phố cũng đang rút khỏi khu trung tâm, chẳng hạn Aydin Senkut, người sáng lập Felicis Ventures.

Ông đã chuyển văn phòng công ty đầu tư trị giá 3 tỷ USD của mình từ khu tài chính đến khu phố Presidio yên tĩnh hơn. Điều này “một phần do trung tâm thành phố khiến chúng tôi cảm thấy kém an toàn hơn nhiều so với trước đây”.

Theo dữ liệu của chính phủ, các vụ án mạng và tấn công nghiêm trọng đã gia tăng ở San Francisco trong hai năm qua. Tuy nhiên, 55 vụ giết người được ghi nhận vào năm ngoái gần như là mức trung bình trong thập kỷ qua và mức tăng này phù hợp với xu hướng trên toàn nước Mỹ.

Nhìn chung, tội phạm bạo lực trong thành phố đã giảm trong giai đoạn 2013-2021.

Cái chết của ông Bob Lee đã thúc đẩy những bình luận ủng hộ quan điểm về việc San Francisco nguy hiểm và đầy rẫy tội phạm, nhưng dữ liệu cho thấy tội phạm bạo lực - đặc biệt là các vụ giết người - thấp hơn nhiều so với nhiều thành phố có quy mô tương tự, CNN nhận định.

Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng số liệu của thành phố đã che đậy vấn đề trong hơn một thập kỷ. "Tình hình tội phạm tồi tệ hơn những gì dữ liệu phản ánh”, Charles Stimson, một cựu công tố viên ở San Francisco, chia sẻ với Fox News.

Vị thế dần phai nhạt

Nhưng một điều không nghi ngờ đó là San Francisco vắng vẻ hơn so với trước đại dịch Covid-19, phần lớn là do hình thức làm việc từ xa tại các công ty công nghệ ngày càng phổ biến.

Bên cạnh đó, những người làm việc từ xa dường như không muốn sống trong thành phố, khi giá thuê nhà ở đây thuộc hàng cao nhất ở Mỹ.

Giá trị văn phòng giảm sút được dự đoán "thổi bay" hàng trăm triệu USD tiền thuế của San Francisco trong vài năm tới. Điều đó khiến giới chức thành phố có ít nguồn lực hơn để giải quyết các vấn đề xã hội.

Ông Bob Lee bị đâm chết tại San Francisco. Ảnh: New York Times.

Mặc dù khu vực vịnh San Francisco vẫn là địa điểm nổi bật của Mỹ đối với các công ty khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm và đổi mới công nghệ, nó đang dần mất đi vị thế trước New York và Los Angeles.

Khu vực này từng chiếm khoảng 1/4 trong tất cả giao dịch đầu tư mạo hiểm của Mỹ vào năm 2014, nhưng con số đó đã giảm xuống chỉ còn hơn 20% vào năm ngoái, theo PitchBook.

Một số nhân vật nổi bật trong cộng đồng công nghệ khẳng định vẫn còn quá sớm để rời bỏ San Francisco. Họ chỉ ra những lợi thế như vị trí gần các trường đại học Stanford và Berkeley.

“Mọi người thích đưa ra ý tưởng rằng San Francisco đã chết và có một trung tâm công nghệ mới: Miami, London hoặc New York. San Francisco chắc chắn có những vấn đề kinh tế xã hội, nhưng nó vẫn chưa đến mức sụp đổ, nó vẫn là một thánh địa”, Mike Volpi, một quản lý tại Index Ventures, cho hay.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng nếu không kiểm soát được các vấn đề xã hội, thành phố có thể mất nhiều nhân tài và nguồn vốn. Điều đó sẽ làm suy yếu vị thế của San Francisco trong hệ sinh thái công nghệ toàn cầu.

“Khoảng 15 năm trước, việc thành lập một công ty công nghệ ở bất kỳ nơi nào khác là một trò đùa. Bây giờ, đây (San Francisco) không còn là nơi duy nhất để bắt đầu hoặc mở rộng quy mô công ty nữa. Nó vẫn là nơi cực kỳ quan trọng, nhưng tầm quan trọng tương đối của nó đã giảm xuống”, ông Lonsdale cho hay.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-tam-cong-nghe-hang-dau-the-gioi-dang-bi-khoet-rong-tu-trong-post1424181.html