Ngành sản xuất, chế biến gỗ: Nỗ lực thay đổi để tăng trưởng

Những tháng đầu năm 2024, ngành sản xuất, chế biến gỗ ở Đông Nam Bộ cũng như cả nước ghi nhận sự tăng trưởng trở lại sau một thời gian dài khó khăn. Tuy nhiên, để giữ mức tăng trưởng bền vững, ngành gỗ đặt ra những vấn đề hết sức cấp thiết.

Kết nối, hợp tác để cộng đồng sức mạnh của nhau là một trong những giải pháp của ngành gỗ. Trong ảnh: Các doanh nghiệp trao đổi thông tin tại một hội chợ đồ gỗ quốc tế tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 2-2024. Ảnh: V.Gia

Kết nối, hợp tác để cộng đồng sức mạnh của nhau là một trong những giải pháp của ngành gỗ. Trong ảnh: Các doanh nghiệp trao đổi thông tin tại một hội chợ đồ gỗ quốc tế tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 2-2024. Ảnh: V.Gia

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đang nỗ lực để thay đổi, nâng chất lượng sản phẩm, chú trọng đến xây dựng thương hiệu và xây dựng chiến lược đường dài để xanh hóa sản xuất, phát triển bền vững…

* Lấy lại đà tăng trưởng

Từ đầu năm đến nay, dù còn có những khó khăn nhất định nhưng triển vọng của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có những tín hiệu tích cực. Theo dự báo, năm 2024 dù chưa phải “thời điểm vàng” của ngành gỗ nhưng cơ hội mở rộng, phát triển thị phần được cho là khá lớn. Thị trường đồ nội thất thế giới ước tính khoảng 405 tỷ USD/năm; nhu cầu nhập khẩu gỗ, sản phẩm gỗ 230 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này của Việt Nam chỉ chiếm hơn 6%.

Theo Giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI HCM) Trần Ngọc Liêm, gỗ và nội thất là ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam và thuộc tốp 5 thế giới. Phân tích từ dữ liệu thống kê hải quan cho thấy, ngành này có những điểm sáng và hồi phục từ cuối năm 2023, đầu năm 2024 và đang có cơ hội để có thể đạt mốc xuất khẩu 15,2 tỷ USD trong năm nay.

Theo các chuyên gia, tình hình kinh tế khó khăn đã tác động tới thị trường bất động sản, điều này khiến cho nhu cầu đối với đồ gỗ trên thế giới giảm rất mạnh. Tuy nhu cầu mua sắm mới giảm sút nhưng việc thay thế cho các sản phẩm cụ thể thì vẫn có. Do đó, nếu các DN có thể sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong giai đoạn này thì vẫn có thể duy trì và phát triển được giá trị xuất khẩu của mình.

Các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ như: Bình Dương, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh đứng tốp đầu sản xuất, xuất khẩu gỗ. Thu hút đầu tư các dự án vào ngành gỗ vẫn được nhiều DN quan tâm. Điểm mới là năm 2023, Bình Phước trở thành tỉnh đón nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào ngành gỗ lớn nhất cả nước, vượt qua Bình Dương. Các dự án FDI trong ngành gỗ vẫn tập trung ở các tỉnh, thành: Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Long An, Hưng Yên và Thành phố Hồ Chí Minh. Một số yếu tố hình thành tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư FDI tại các tỉnh, thành phố này bao gồm: hệ thống kết cấu hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và sự năng động trong công tác xúc tiến đầu tư của địa phương.

Một điều quan trọng là các DN trong ngành đã nỗ lực để tận dụng những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Đây được coi là cơ hội thuận lợi để ngành gỗ đi xa hơn.

* Tính toán để thích ứng với tình thế

Từng bước tìm lại đà tăng trưởng nhưng trên thực tế, ngành sản xuất, chế biến gỗ vẫn gặp nhiều khó khăn. Cùng với sự sụt giảm nhu cầu thì các rào cản khác cũng xuất hiện nhiều hơn. Một trong số đó là tính chất, yêu cầu của thị trường đang dần thay đổi. Những quy định nghiêm ngặt về môi trường, phát triển bền vững đang được đặt ra từ các đối tác, nhà mua hàng lớn, các quốc gia có nền kinh tế phát triển.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Nguyễn Liêm cho rằng, các DN cần chủ động thích ứng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, từ đó đưa ra những thay đổi linh hoạt trong quá trình sản xuất, xuất khẩu. Muốn đi xa hơn, bên cạnh việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường, ngành gỗ cần chú trọng đầu tư cho thiết kế, sáng tạo, nâng cao giá trị sản phẩm. Việc nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, chất lượng tốt sẽ được bạn hàng quốc tế tin tưởng.

Tương tự, theo PGS-TS Lý Tuấn Trường, Viện trưởng Viện Công nghiệp gỗ và nội thất, vấn đề xây dựng thương hiệu nên là ưu tiên của DN. Khoảng trống thương hiệu và thương mại không chỉ khiến ngành nội thất Việt Nam, mà cả người dùng trong nước chịu thiệt thòi. Thực tế, các thương hiệu nội thất nước ngoài sang Việt Nam đặt hàng sản xuất đồ nội thất tại Việt Nam. Cùng là hàng do người Việt sản xuất nhưng có thương hiệu nước ngoài nên họ tiêu thụ tốt trên thị trường quốc tế. Không ít trong số đó lại quay về Việt Nam, xuất hiện trong các showroom nội thất cao cấp và giá bán được đội lên nên người tiêu dùng mua giá cao mà DN nội lại không thu được bao nhiêu lợi nhuận.

Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Nguyễn Phương cho rằng, trước hết DN cần nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết DN, liên kết các hiệp hội ngành nghề chế biến gỗ tại các địa phương lại với nhau để cộng đồng sức mạnh, tận dụng lợi thế là giải pháp quan trọng hiện nay. Từ đó, các DN có thêm điều kiện đáp ứng được những quy chuẩn ngày càng cao của thế giới, giúp nâng cao thương hiệu gỗ Việt trên thị trường.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/nganh-san-xuat-che-bien-go-no-luc-thay-doi-de-tang-truong-b9d5acf/