Trợ lực thanh niên làm kinh tế

Nhằm đồng hành, hỗ trợ và cổ vũ ý chí vượt khó, phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên (ĐVTN), Quỹ quốc gia về việc làm qua kênh T.Ư Đoàn (gọi tắt là Quỹ) đã tiếp sức cho nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công.

Những mô hình hiệu quả

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ, anh Nguyễn Văn Lân (SN 1986) tại thôn Núi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) thường phụ bố mẹ chăm sóc ruộng hoa của nhà. Yêu nghề nông và muốn thử các biện pháp để năng suất, chất lượng hoa tốt hơn, anh mày mò, thí điểm trồng hoa cắt cành, rau sạch. Tuy nhiên, những cách làm này mất nhiều công, lợi nhuận không đáng là bao. Không nản chí, anh Lân tiếp tục tìm hiểu một số mô hình trồng cây cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao ở các tỉnh như: Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định. Từ kiến thức có được, anh đã quyết định chuyển hướng từ trồng hoa theo luống sang trồng trong chậu ở nhà màng. Tuy nhiên, lúc đó, số vốn anh có còn hạn hẹp.

Mô hình trồng hoa, cây cảnh trong nhà màng của anh Nguyễn Văn Lân.

Nắm được ý định khởi nghiệp của đoàn viên, năm 2021, Thành đoàn Bắc Giang đã đề xuất hỗ trợ anh vay 100 triệu đồng vốn ưu đãi từ Quỹ. Nhờ số tiền đó và sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè, anh đầu tư cây giống, dụng cụ chăm sóc, hệ thống tưới tiêu tự động, mở rộng diện tích vườn từ 2 nghìn m2 lên 5 nghìn m2. Chăm chỉ, chịu khó, cây trồng được anh nhân lên ngày một nhiều.

Hiện nay, trong nhà màng của anh có hơn 6 nghìn chậu cây, cây cảnh nội thất, cây sân vườn như: Phong lan, trầu bà, bạch mã, phát tài núi, cau tiểu châm, tuyết sơn… Hơn nửa trong số đó do anh tự ươm giống, còn lại nhập ở những nhà vườn khác để bán buôn, bán lẻ cho khách hàng. Hằng năm, khu vườn cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng. Vào những đợt cao điểm, anh thuê thêm 10-15 lao động thời vụ.

Cũng mang khát vọng làm giàu nhưng khi làm nghề mộc, vợ chồng chị Đặng Thị Quỳnh (SN 1991) ở thôn Xuân Đông, xã Xuân Phú (Yên Dũng) chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt. Vì vậy, khi được Đoàn Thanh niên xã tư vấn cho vay vốn chăn nuôi gia súc phát triển kinh tế vào tháng 12/2022, anh chị đã mạnh dạn thực hiện. Từ 95 triệu đồng vay của Quỹ, vợ chồng chị Quỳnh mua 4 con bò cái. Được chăm sóc tốt, đàn bò đã sinh 1 lứa và sắp cho lứa tiếp theo. Sau khoảng 4 tháng chăm sóc, mỗi con bê giống bán được từ 15-20 triệu đồng. Chị Quỳnh cho biết, số tiền thu được từ bê giống chị sẽ dùng để nhân đàn bò sinh sản. Cũng nhờ khoản vay này, kinh tế gia đình chị đã khấm khá hơn.

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều mô hình kinh tế của thanh niên đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho lao động địa phương như: Dự án kinh doanh vận tải của đoàn viên Đào Ngọc Quảng (SN 1990), thôn Song Khê 2, xã Song Khê (TP Bắc Giang); mô hình chăn nuôi của anh Lê Văn Phao (SN 1989), ở thôn Hố Dầu, xã Cẩm Lý (Lục Nam); mô hình nông nghiệp sạch công nghệ cao của anh Nguyễn Văn Thức (SN 1987), ở thôn Chấu, xã Bảo Đài (Lục Nam)…

Tạo động lực làm giàu

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 400 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được duy trì hiệu quả. Để hỗ trợ ĐVTN phát triển kinh tế, khởi nghiệp, Tỉnh đoàn đã quan tâm kết nối, đứng ra bảo lãnh cho vay ưu đãi thực hiện các dự án thông qua một số nguồn vốn.

Đến tháng 6/2023, tổng dư nợ chương trình ưu đãi hỗ trợ thanh niên tỉnh khởi nghiệp từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm qua kênh T.Ư Đoàn, UBND tỉnh và cấp huyện là gần 21 tỷ đồng với 170 dự án. Nguồn vốn này giải quyết nhiều việc làm, góp phần đoàn kết, tập hợp thanh niên địa phương, xây dựng quê hương giàu mạnh.

Đến tháng 6/2023, tổng dư nợ chương trình ưu đãi hỗ trợ thanh niên tỉnh khởi nghiệp từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm của T.Ư Đoàn, UBND tỉnh và cấp huyện là gần 21 tỷ đồng với 170 dự án.

Nhằm triển khai hiệu quả, tạo nguồn lực lớn trong thực hiện các dự án, Tỉnh đoàn đã lồng ghép chương trình, tiến hành thẩm định, hỗ trợ đoàn viên xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh.

Theo anh Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo các huyện đoàn, thành đoàn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) giải ngân vốn, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tín dụng. Nguồn vốn này tập trung ưu tiên cho vay đối với các mô hình doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác, trang trại thu hút nhiều lao động, tạo việc làm cho thanh niên; kết hợp cho vay vốn với việc xây dựng mô hình mới trong thanh niên. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát quá trình giải ngân, sử dụng nguồn vốn.

Nhiều dự án, mô hình của ĐVTN đã phát huy tốt hiệu quả sử dụng vốn, góp phần tăng năng suất, mở rộng quy mô, xây dựng thêm chuồng trại, nhà xưởng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Qua đó giải quyết thêm nhiều việc làm cho thanh niên địa phương, góp phần đoàn kết tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động đoàn, hội tại địa phương.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhưng hạn mức giải ngân vốn hỗ trợ cho thanh niên từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và Ngân hàng CSXH tỉnh còn thấp. Đối với khoản vay tín chấp, thanh niên chỉ được vay tối đa 200 triệu đồng. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho khởi nghiệp, hướng dẫn thanh niên có nhu cầu làm hồ sơ vay vốn ở một số địa phương còn hạn chế.

Để khắc phục, Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo các huyện đoàn, thành đoàn phối hợp với Ngân hàng CSXH rà soát, lựa chọn các mô hình kinh tế khả thi để hướng dẫn lập hồ sơ, giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn; ưu tiên vốn vay cho các mô hình doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ hợp sản xuất nghề truyền thống, trang trại.

Cùng với hỗ trợ vốn, Tỉnh đoàn chỉ đạo các huyện đoàn, thành đoàn phối hợp với các đơn vị, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, định hướng kinh doanh, xây dựng lộ trình phát triển kinh tế phù hợp với nội lực và điều kiện địa phương. Đồng thời kết nối, giúp các bạn trẻ tạo dựng mối quan hệ làm ăn, mở rộng kiến thức, quy mô kinh doanh, sản xuất ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực .

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/nhip-song-tre/407550/tro-luc-thanh-nien-lam-kinh-te.html