Trẻ vị thành niên tiếp xúc với nội dung 18+ trên mạng xã hội - mối nguy khôn lường

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, các bạn trẻ độ tuổi vị thành niên sinh từ năm 2008-2011 (hay gọi là 2K8-2K11) đã có thể sử dụng thuần thục mạng xã hội để kết nối, giải trí. Tuy nhiên, khi chỉ cần gõ cụm từ “2K8-2K11…” lập tức có thể xuất hiện hàng trăm hội nhóm mang tên “2K8 tìm NY”, “2K11 giao lưu, kết bạn” thậm chí đáng sợ hơn “2K10+damdang” và vô số hội, nhóm mà chỉ nhìn thấy tên thôi là đã cảm thấy choáng váng…

Dạo một vòng quanh các nhóm này, rất dễ bắt gặp những bài đăng, hình ảnh, video không lành mạnh, clip 18+ được đăng tải công khai trên mạng xã hội. Những thông tin, nội dung phản cảm này đang tràn lan phần nào tác động tiêu cực tới tâm sinh lý của giới trẻ và thu hút sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây.

Trên các nền tảng mạng xã hội, các hội, nhóm Facebook, Twitter, Telegram… xuất hiện nhiều hội, nhóm cho trẻ em vị thành niên từ 2K7 trở lên, mặc dù mang danh trẻ vị thành niên nhưng các hội, nhóm này liên tục đăng tải các nội dung độc hại, đồi trụy khiến nhiều người lớn không khỏi bàng hoàng. Đặc biệt, khi việc học tập hiện nay đa phần đều bằng hình thức trực tuyến do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp thì vấn đề trẻ vị thành niên tiếp xúc với các nội dung phản cảm, độc hại trên mạng xã hội lại càng dễ dàng hơn.

Chị T.T.M.D (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) bộc bạch, có lần chị nhìn vào phòng xem con gái học bài thì thấy nó đang cười khúc khích một mình, chị vào thì phát hiện con đang chăm chú xem video rất phản cảm. Phát hiện mẹ đứng đằng sau, nó tắt vội máy tính, mặt tái mét. Chị liền trấn an tinh thần và động viên con không nên xem những nội dung xấu trên mạng. Từ đó, chị dành nhiều thời gian gần gũi, vui chơi, nói chuyện, hướng dẫn con làm việc nhà để con dần xa rời không gian mạng. Còn em L.M.N (17 tuổi, phường 8, TP Tuy Hòa) cho biết, nội dung 18+ độc hại có thể để thỏa mãn nhu cầu của người lập nhóm, “câu like câu view” tương tác, lượt xem để trục lợi, kiếm tiền, quảng cáo.

Tuy nhiên dù mục đích như thế nào thì việc đội lốt, mạo danh các hội, nhóm cho trẻ vị thành niên thực hiện hành vi đăng tải nội dung không lành mạnh… cũng không thể chấp nhận được. Những hình ảnh, video có nội dung độc hại đó sẽ gây tổn hại rất lớn đến tinh thần và thể chất của giới trẻ, sa sút kết quả học tập và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển nhân cách sau này.

Có thể nhận thấy một phần thế hệ trẻ đang bị đầu độc bởi những nội dung xấu trên mạng xã hội. Và khi bản thân chưa được trang bị những kiến thức cơ bản để tự bảo vệ mình trên không gian mạng thì sẽ dẫn tới những hậu quả đau lòng cho chính bản thân các em, gia đình và xã hội. Theo ý kiến của một số chuyên gia, mạng xã hội là một không gian mở, ở đó có muôn vàn thông tin cho người dùng tiếp cận, và khi lứa tuổi vị thành niên chưa có “bộ lọc” thông tin đủ mạnh, đủ hiểu biết thì rất dễ bị rác mạng tấn công, lôi kéo.

Để trẻ vị thành niên được tiếp xúc lành mạnh với mạng xã hội thì gia đình, nhà trường cần định hướng, hướng dẫn các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản để chọn lọc, tiếp thu thông tin chính xác, ý thức tự trang bị, phòng vệ cho bản thân. Bên cạnh đó, cha mẹ, người thân thường xuyên quan tâm, theo dõi, giải đáp thắc mắc của con trẻ, đồng hành cùng các em để chia sẻ những vấn đề nhạy cảm của tuổi mới lớn nhằm định hướng, giáo dục các em đúng đắn và khoa học.

BẢO AN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/148/271958/tre-vi-thanh-nien-tiep-xuc-voi-noi-dung-18-tren-mang-xa-hoi-moi-nguy-khon-luong.html