Ngăn ngừa đuối nước khi mùa hè đang đến

Thời tiết nắng nóng như hiện nay thì tắm biển, sông, hồ… luôn là lựa chọn lý tưởng để trẻ em vui chơi, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nếu không được trang bị các kỹ năng về bơi lội và phòng, chống đuối nước.

Học sinh tham gia các lớp học bơi trong dịp hè.

Học sinh tham gia các lớp học bơi trong dịp hè.

Những ngày cuối tuần, hồ bơi Quốc Hùng (xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết) trở nên đông đúc, nhất là thời điểm buổi chiều. Trẻ em đủ lứa tuổi thích thú khi được chơi trượt nước, nô đùa dưới làn nước mát. Nhưng đa số mua vé vào bơi tự do và không phải ai cũng biết bơi, vì thế luôn nhận được sự khuyến cáo, nhắc nhở chú ý an toàn ngay từ cổng vào. Ngồi chờ con trên các dãy ghế, chị Nguyễn Thu Minh chia sẻ: Cứ vào thời điểm nắng nóng lại thường xuất hiện thông tin trẻ bị đuối nước ở các tỉnh rất đau lòng. Trẻ nhỏ đều thích chơi đùa dưới nước, như hai đứa con tôi cuối tuần nào cũng xin đi bơi. Dù các cháu đã biết bơi một số kiểu cơ bản nhưng tôi không an tâm, bởi số lượng người đến hồ đông, sợ con mải chơi, mất an toàn.

Phụ huynh cần nhắc nhở con khi đi tắm biển phải tuân thủ tuyệt đối các hiệu lệnh của lực lượng cứu hộ

Phụ huynh cần nhắc nhở con khi đi tắm biển phải tuân thủ tuyệt đối các hiệu lệnh của lực lượng cứu hộ

Sự cảnh giác của chị Minh không hề thừa, bởi theo các thầy giáo dạy bơi ở hồ Quốc Hùng: Đa số phụ huynh đều cho rằng chỉ cần cho trẻ đi học bơi và biết bơi là yên tâm. Thực tế, kiến thức an toàn nước là yếu tố hàng đầu để phòng tránh đuối nước. Kiến thức an toàn nước hiểu đơn giản là không xuống nước khi chưa biết các điều kiện an toàn, bao gồm biết những hạn chế của bản thân; không bao giờ bơi một mình, phải có đồng đội hoặc người theo dõi trên bờ; chỉ bơi trong trạng thái tỉnh táo; hiểu được sự nguy hiểm của tình trạng mất bình tĩnh khi gặp sự cố; hiểu và nắm được các các rủi ro đặc thù của môi trường nước tại địa phương.

Thực tế, đuối nước xảy ra cả với những người có kinh nghiệm bơi lâu năm, sự chủ quan, không tìm hiểu địa hình và môi trường nước dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc. Đó là lý do tại sao có những người bơi giỏi nhưng vẫn bị đuối nước. Việc thiếu kiến thức về địa hình cũng như dòng chảy khiến số vụ đuối nước tăng.

Ngoài ra, cha mẹ nên đăng ký các khóa bơi dài hạn nhằm trang bị cho con kỹ năng bơi. Hướng dẫn con khởi động kỹ để hạn chế tình huống chuột rút, co cơ… trong lúc bơi. Học cách thư giãn và nín thở khi ở dưới nước. Cảnh báo cho con về những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Không được tự ý xuống nước nếu ba mẹ chưa cho phép. Không chạy nhảy, đùa nghịch trên mặt bể bơi đề phòng trơn trượt và tuyệt đối không được sang bể nước sâu. Đồng thời trang bị đầy đủ các vật dụng, thiết bị cần thiết cho bé khi đi bơi như mũ, kính, quần áo bơi, phao bơi… Thậm chí khi ở nhà, người lớn cũng nên che đậy các thau, thùng, lu, phuy chứa nước để tránh trẻ nhỏ ngã vào.

Để ngăn ngừa các vụ đuối nước khi mùa hè đang đến, những tuần vừa qua, nhiều trường học trong tỉnh đã phổ biến về nguy cơ đuối nước và kỹ năng cho học sinh ngay trong giờ chào cờ. Đồng thời phát đi thông điệp an toàn để các em tránh xa sông suối, ao hồ, nơi thường xảy ra sạt lở, nước cuốn, các công trình xây dựng, khi đi tắm biển, tắm hồ bơi cần mặc áo phao và phải có người lớn đi kèm. Khuyến khích học sinh đăng ký các lớp học bơi để có những kỹ năng tốt nhất, vừa rèn luyện sức khỏe trong ngày hè.

Ông Trương Anh Kiệt – Trưởng Ban quản lý Khu du lịch Đồi Dương – Tiến Thành cũng khuyến cáo: Phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở con em khi đi tắm biển phải tuân thủ tuyệt đối các hiệu lệnh, chỉ tắm ở những bãi đông người, có người thân đi kèm, có lực lượng cứu hộ bờ biển. Đặc biệt vào mùa hè, ở những vùng nước chảy có cắm biển cảnh báo, yêu cầu người dân, du khách cũng như các em không xuống tắm những khu vực này.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/ngan-ngua-duoi-nuoc-khi-mua-he-dang-den-118862.html