Thêm góc nhìn vụ ông Tuấn 'tim' trước giờ tòa tuyên án

'Vì sao cựu giám đốc BV Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn (Tuấn 'tim') phải vướng vào vòng lao lý?'. Đó là câu hỏi khiến nhiều người xốn xang, tiếc nuối…

Hôm nay (21-4), dự kiến TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án đối với cựu giám đốc Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn và đồng phạm vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Với bị cáo Nguyễn Quang Tuấn (còn gọi là Tuấn “tim”), từ khi ông bị khởi tố đến nay không ít người bày tỏ sự tiếc nuối về một bác sĩ giỏi nghề, một người thầy tài năng, một nhà khoa học đầy nhiệt huyết nay phải vướng vào vòng lao lý.

Vì đâu nên nỗi…

Vài ngày trước, khi phiên xử vụ sai phạm đấu thầu tại BV Tim Hà Nội mở, bà Trịnh Thị Ánh Tâm (vợ bị cáo Nguyễn Quang Tuấn) có chút thấp thỏm. Đã hai năm bà không được gặp chồng, chỉ biết tin ông qua luật sư và lặng lẽ gói ghém yêu thương qua những món đồ gửi vào trại tạm giam. Ngày 17-4, phiên xử bắt đầu, ở hàng ghế giữa, người phụ nữ thanh mảnh, ngồi thẳng người, im lặng lắng nghe từng diễn biến lời khai trong phiên tòa xét xử chồng mình.

Cựu giám đốc BV Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn tại tòa. Ảnh: BÙI TRANG

Bà Tâm kể khi ông Tuấn bị khởi tố, bà rất hoang mang tự hỏi không biết chồng mình đã làm gì đến mức bị như vậy. Cưới nhau từ năm 2000, hầu hết thời gian ông Tuấn dành cho công việc, bà chỉ thấy ông đi suốt, đi chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho các địa phương, có kỹ thuật mới lại đến từng BV, trực tiếp làm và hướng dẫn lại cho các bác sĩ. Khi có thời gian, bà lại thấy chồng tham gia mổ từ thiện ở vùng sâu, vùng xa. Mỗi lần đi như vậy, ít thì một tuần, có khi chuyến công tác kéo dài cả tháng.

Sinh đứa đầu lòng được một tuần thì ông phải đi công tác một tháng; sinh đứa thứ hai được một ngày, ông cũng lại đi. Hồi dịch COVID-19 căng thẳng, ông là giám đốc BV dã chiến số 16 ở miền Nam, ‹›lúc đó thì đi không hẹn ngày về›› - bà Tâm nói.

Một người đam mê với công việc như vậy; là giáo sư, tiến sĩ đầu ngành tim mạch ở Việt Nam, được người trong nghề công nhận gọi là Tuấn “tim”; một giáo sư được các nước mời thỉnh giảng, ngồi ghế chủ tọa các hội nghị can thiệp tim mạch… ấy vậy mà giờ đây… “Vì sao nên nỗi?!” - bà Tâm và người thân, bạn bè và cả dư luận xã hội đều có chung thắc mắc.

Ngày đầu phiên xử, hình ảnh ông Tuấn với mái đầu bạc phơ, đi đôi dép tổ ong, đôi bàn tay ‹›vàng›› trong chiếc còng lạnh lẽo, bộ quần áo phạm nhân xanh ngắt khiến nhiều người xót xa. Có rất nhiều ý kiến cho rằng ông Tuấn ‘’tim’’ là bác sĩ giỏi thì hãy chỉ nên để ông làm bác sĩ, đừng bắt ông phải quản lý, phải học hiểu về những quy trình đấu thầu phức tạp.

Tuy nhiên, nếu theo dõi phiên tòa từ đầu tới cuối, có lẽ nhiều người sẽ thay đổi suy nghĩ. Về cái sai của mình, ông Tuấn không đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho rằng bản thân chỉ là giỏi khám chữa bệnh; hay đổ lỗi cho công tác quản lý còn yếu, không hiểu hết quy định của pháp luật nên dẫn đến sai phạm.

Trước các câu hỏi của chủ tọa, VKS, các luật sư, ông Tuấn đều trả lời rõ ràng, ngắn gọn, không vòng vo, né tránh. Có làm thì nhận là ‹›có››. Hỏi nguyên nhân thì giải thích. Hỏi có sai không, ông đều nhận sai.

Lời trần tình trước tòa

Ông Tuấn có sai không? Tòa án sẽ là người đưa ra phán quyết cuối cùng. Nhưng hẳn chúng ta cũng đã có câu trả lời cho riêng mình, còn bản thân ông Tuấn cũng đã nhận sai. Mà đã sai thì sẽ phải chịu trách nhiệm, điều này dẫu tiếc nuối nhưng trước pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng.

Nhưng vì sao ông Tuấn lại sai? Khai trước tòa, ông Tuấn kể cuối năm 2015, vật tư gần hết trong khi nhu cầu khám chữa bệnh rất cấp bách. Trên cương vị giám đốc BV, ông đã chấp nhận cho một số doanh nghiệp ký gửi vật tư để BV dùng trước cho bệnh nhân. Ông thừa nhận năm 2016 có chỉ đạo cấp dưới triển khai đấu thầu làm sao để giá vật tư bằng hoặc thấp hơn giá BV đã sử dụng và thanh toán được cho doanh nghiệp đã ký gửi. “Khi mình khó khăn, họ cho mình mượn trước vật tư thì mình phải cố gắng thanh toán cho họ” - ông Tuấn giải thích.

Đầu năm 2017, kết quả đấu thầu tập trung của UBND TP Hà Nội vẫn chưa có, chuyện thiếu vật tư, hóa chất tái diễn. Trong khi đó, chỉ trong ba tháng đầu năm 2017, BV sẽ phải thực hiện 910-1.170 ca mổ tim; 3.250-3.900 ca can thiệp tim mạch.

Đấu thầu vật tư cần thời gian nhưng bệnh nhân lại không thể chờ. Và vì vậy, ông Tuấn đã lựa chọn cách thức thực hiện dẫn đến sau này ông bị cáo buộc là sai phạm. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân khiến ông Tuấn phải hứng chịu hậu quả nặng nề?

Bào chữa cho ông Tuấn tại tòa, luật sư cho rằng pháp luật về đấu thầu còn nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là áp dụng trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Thực tế ngay đầu năm nay, hàng loạt BV đã phải lên tiếng về tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư. Và đây cũng là một trong những lý do thúc đẩy cơ quan chức năng phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu.

GS Tuấn “tim” trong lòng bệnh nhân và cấp dưới

Trong lá thư viết tay gửi tới TAND TP Hà Nội, bệnh nhân Lương Minh Kỷ kể rằng mình được cấp cứu từ Hải Dương chuyển lên BV Tim Hà Nội trong tình thế hết sức hiểm nghèo, ông Tuấn đã có mặt và quyết định mổ ngay tại giường bệnh, bỏ qua các thủ tục khác. ‘’Nhờ giáo sư mà tôi thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” khi gia đình và khu phố đã chuẩn bị tang lễ” - ông Kỳ viết trong đơn.

Nói lời sau cùng, ông Nguyễn Quang Tuấn gửi lời xin lỗi toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế của BV Bạch Mai, BV Tim Hà Nội vì hành vi của ông đã làm ảnh hưởng đến uy tín của BV. Ông Tuấn mong HĐXX xem xét giảm án cho các bị cáo trong vụ án, đặc biệt là các bị cáo ở BV, có nhiều người lớn tuổi, có bệnh nặng. “Họ là nhân viên dưới quyền, mắc sai lầm do sự lãnh đạo không đúng của tôi, họ đã thành khẩn nhận lỗi và đã khắc phục trong khả năng tối đa” - ông Tuấn nói.

Còn cấp dưới của ông, bị cáo Đoàn Trọng Bình, phó Phòng vật tư, y tế BV, trước tòa vẫn luôn trân trọng gọi ông là GS Tuấn. Trong lời nói sau cùng, ông Bình không một lời đổ lỗi cho cấp trên mà trình bày: “Khi GS Tuấn về BV Tim, tôi cũng từ Bạch Mai theo ông về. Từ khi GS Tuấn làm giám đốc, BV Tim thay đổi hẳn. Trước mỗi ngày đón 100 bệnh nhân thì bây giờ tăng lên, đến 1.500-2.000 bệnh nhân. Trước mỗi ngày 3-4 ca mổ tim thì bây giờ 12-13 ca/ngày; trước 10-15 ca can thiệp tim mạch thì nay 40-45 ca/ngày”.

Hiện nay, BV Tim Hà Nội trở thành BV uy tín; về cơ chế thì tự chủ, về chất lượng thì “hàng đầu tim mạch của cả nước”.

***

‘’Tết năm ngoái, những người bạn của anh Tuấn vẫn qua lại nhà, chúc tết chia sẻ với tôi. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, anh không ở nhà nhưng học trò, đồng nghiệp vẫn đến. Cũng từ đó mà khiến tôi có nhìn nhận khác với sự việc của chồng. Vâng, tôi phải giữ nhà ấm thì anh ấy sẽ ổn’’ - bà Tâm, vợ ông Tuấn, nói.

Trong ánh mắt đầy niềm tin, người phụ nữ ấy mong tòa án có sự nhìn nhận công tâm và nhân văn để chồng mình sớm trở lại cuộc sống, giúp ích cho người bệnh. Tôi tin rằng sáng nay (21-4), có rất nhiều người cũng đang mong chờ một kết quả như thế.

Ông Nguyễn Quang Tuấn bị đề nghị 4-5 năm tù

Theo cáo trạng, cựu giám đốc BV Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn bị truy tố tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 222 BLHS 2015, với khung hình phạt 10-20 năm tù.

Đại diện VKS đề nghị án tại tòa. Ảnh: BÙI TRANG

Tuy nhiên, tại tòa, VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Tuấn mức án 4-5 năm tù cùng tội danh đã truy tố trước đó. Các cựu thuộc cấp của ông Tuấn bị VKS đề nghị: Hoàng Thị Ngọc Hưởng (phó giám đốc) 30-36 tháng tù, Nguyễn Thị Dung Hạnh (kế toán trưởng) 24-30 tháng tù, Đoàn Trọng Bình 30-36 tháng tù và Nghiêm Tuấn Linh (phó trưởng Phòng vật tư y tế) 36-42 tháng tù.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/them-goc-nhin-vu-ong-tuan-tim-truoc-gio-toa-tuyen-an-post729762.html