Có cần lấy ý kiến của trẻ khi thi hành án giao con?

Ông H đồng ý giao cháu T cho bà C nhưng yêu cầu xem xét nguyện vọng của cháu T; còn bà C cho rằng tòa đã phán quyết 'không cần thiết' hỏi ý kiến trẻ vì cháu T là con của bà.

Vừa qua (ngày 26-4), Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Hóc Môn, TP.HCM đã tổ chức thi hành Bản án số 08/2023/HNGĐ-PT ngày 17-1-2024 của TAND TP.HCM. Theo bản án, tòa buộc ông H giao cháu T (sinh năm 2012) cho mẹ nuôi là bà C trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

Tại buổi làm việc, ông H đồng ý giao cháu T cho bà C nhưng yêu cầu xem xét nguyện vọng của cháu T. Trong khi đó, bà C cho rằng về việc xem xét nguyện vọng của cháu, tòa cũng đã nhận định là "không cần thiết" vì cháu T là con của bà.

Tuy nhiên, việc thi hành án bất thành vì cháu T không chịu theo bà C.

Các bên tại buổi giao con. Ảnh: YC

Trước đó, ngày 4-4-2024, bà C từng làm đơn khiếu nại về việc chấp hành viên chậm thực hiện quyết định THA về việc buộc ông H có nghĩa vụ giao cháu T cho bà C.

Cục THADS TP.HCM đã chuyển đơn của bà C đến Chi cục THADS huyện Hóc Môn để xem xét, giải quyết theo quy định; báo cáo kết giải quyết về Cục THADS TP.HCM trước ngày 30-4-2024.

Sau đó, ngày 19-4, Chi cục THADS huyện Hóc Môn đã ra thông báo về địa điểm sẽ giao cháu T cho bà C là tại nơi ông H ở.

Sau khi nhận được thông báo, bà C tiếp tục làm đơn kiến nghị gửi Chi cục THADS huyện Hóc Môn. Theo bà C, trước đó vào ngày 25-8-2023, Chi cục THADS huyện Hóc Môn cũng đã thất bại trong việc thi hành quyết định khẩn cấp tạm thời của TAND huyện Hóc Môn giao cháu T cho bà tại nơi ông H đang ở. Việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của bà và mất thời gian cho nhiều cơ quan liên quan.

Nay nếu vẫn tiếp tục giao trẻ tại nơi ông H đang ở thì khả năng thất bại sẽ lặp lại với những lý do tương tự. Vì vậy, bà C đề nghị được nhận con tại trụ sở cơ quan THADS huyện Hóc Môn.

Cũng theo biên bản ghi nhận sự việc ngày 25-8-2023, ông H cho rằng luôn chấp hành bản án của tòa. Tuy nhiên, do cháu T đã bỏ đi nhưng ông chưa tìm được. Ông H còn cho rằng đã khuyên cháu T về ở với bà C nhưng cháu không chịu nên đề nghị xem xét nguyện vọng của cháu T.

Buộc giao con vì bà C là mẹ nuôi hợp pháp

Như PLO đã phản ánh, năm 2015 bà C làm giấy tờ nhận cháu T là con nuôi, đến năm 2018 bà nhờ ông H nuôi giùm 2 năm do chỗ ở của bà cần sửa chữa. Xử sơ thẩm hồi tháng 8-2023, TAND huyện Hóc Môn cho rằng căn cứ vào giấy khai sinh, cháu T là con nuôi của bà C, đây là quan hệ mẹ con hợp pháp được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, HĐXX sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà C, buộc ông H giao cháu T cho mẹ nuôi là bà C trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục...

Theo HĐXX, căn cứ Điều 208 BLTTDS thì việc lấy ý kiến của trẻ chưa thành niên từ 7 tuổi trở lên trong vụ án ly hôn là để HĐXX tham khảo trong việc giao trẻ cho cha hay mẹ của con chung là người trực tiếp nuôi dưỡng sau khi ly hôn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ, do vậy điều luật quy định trên không phù hợp để áp dụng trong quan hệ tranh chấp này. Bởi lẽ bà C và ông H không phải là quan hệ vợ chồng theo quy định pháp luật, trẻ T. không phải là con chung của bà C và ông H.

Việc trẻ có bút tích trình bày ý kiến, nguyện vọng được tiếp tục sinh sống cùng với ông H cũng là điều dễ hiểu bởi lẽ đã bốn năm nay và hiện nay ông H là người đang trông giữ trẻ T. Tuy nhiên, bà C mới là mẹ nuôi hợp pháp, đã cưu mang, nuôi dưỡng trẻ T từ thuở ấu thơ còn đỏ hỏn bị đấng sinh thành bỏ rơi. Bà C đã chăm bẵm nuôi nấng bằng tất cả tình thương yêu của một người mẹ dành cho con...

Đồng thời, tòa sơ thẩm ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc ông H giao cháu T cho bà C.

Ông H kháng cáo. Xử phúc thẩm tháng 1-2024, TAND TP.HCM bác kháng cáo của ông H, giữ nguyên bản án sơ thẩm...

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-can-lay-y-kien-cua-tre-khi-thi-hanh-an-giao-con-post788698.html