Thay đổi xã hội làm đảo lộn nền nếp văn hóa

Mọi thay đổi về hệ giá trị văn hóa gia đình (nói nôm na là nếp nhà) cần được nhìn nhận từ sự tác động lâu dài của các yếu tố lịch sử.

Những quan sát dưới đây của tôi chủ yếu liên quan đến cư dân các tỉnh thành miền Bắc, nơi tôi sinh sống đến tận bây giờ. Ở đây, từ giữa thế kỷ XX, đã xảy ra những đổi thay xã hội làm đảo lộn các nền nếp văn hóa. Trong mấy chục năm, từ 1945 đến 1975, gia đình quá ít được chú ý, nếu không nói là bị quên lãng, mà phần còn lại thì bị biến dạng.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn. Ảnh: TLNV

Cách mạng và kháng chiến đã lôi con người ra khỏi gia đình. Xã hội vừa xác lập chỉ nói tới gia đình khi bảo rằng người ta nên quên nó đi, để sức lo cho sự nghiệp chung. Tạm thời chưa nói đến cải cách ruộng đất với những trường hợp con cái đấu tố bố mẹ, hãy nói một tâm lý phổ biến lúc đó: con cái quan niệm những người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình là lạc hậu, mình bây giờ phải sống theo cái mới, cần phủ nhận cách sống mà các thế hệ trước đã bồi đắp.

Trong đầu óc của những con người tự nhận là “mới” lúc này, gia đình là một cái gì không quan trọng lắm, thay vào đó họ chỉ chăm lo các mối quan hệ xã hội. Cũng có một số người tự nhủ gia đình mà họ xây dựng trong hoàn cảnh mới sẽ có nền nếp khác nhưng không đủ sức đi tới cùng.

Cần đặc biệt lưu ý rằng cuộc sống những năm chiến tranh không khuyến khích người ta suy nghĩ về gia đình, thậm chí coi việc nghĩ nhiều về gia đình là cổ lỗ, là có tội! Việc nhà được yêu cầu phải đặt sau việc nước.

Khi những người đàn ông ra đi, người ta nói đã có phụ nữ thay thế, phụ nữ thời nay rất đảm đang, họ giỏi cả việc nước lẫn việc nhà. Nhưng sự thực là họ đâu có được chuẩn bị cần thiết để gánh vác và gìn giữ gia đình với nghĩa đầy đủ của khái niệm này. Thời chiến lo được cho con cái miếng ăn đã khó.

Rồi chiến tranh cũng qua, thời bình cũng tới, nhưng cả với những gia đình tồn tại từ trước chiến tranh lẫn những gia đình mới hình thành thời hậu chiến, việc xây dựng nếp nhà vẫn bị coi là thứ yếu. Tất cả tâm trí và sức lực các thành viên để cả vào việc lo kiếm sống, cao hơn một mức là làm giàu.

Cuộc chạy đua làm giàu hấp dẫn đến nỗi nhiều khi nó khiến người ta quên bẵng cả gia đình với ý nghĩa thiêng liêng của khái niệm này. Chỉ còn gia đình với nghĩa hậu phương của người đi tìm sự thành đạt. Tiện nghi sống ngày một hiện đại nhưng mối quan hệ giữa các thành viên gia đình ngày một lỏng lẻo. Vợ chồng nếu không cùng mối làm ăn thì mỗi người mỗi ngả. Con cái phó mặc cho nhà trường với niềm tin mãnh liệt rằng cứ “cúng” thật nhiều tiền cho thầy cô là xong tất; cần con đỗ đạt chứ ai cần đứa con nên người theo nghĩa nhân bản bị coi là cổ lỗ.

Sự đứt gãy các giá trị cần được nhìn nhận đầy đủ nguyên nhân, mới có thể dựng lại người, dựng lại nhà.

Thời còn học phổ thông, cậu con trai út nay đã ba mươi tuổi của tôi có lần kể với tôi rằng có bạn trong lớp thuộc diện nhà giàu, mỗi ngày đi học được bố mẹ lót tay một triệu. Nhưng bạn đó nói ngay với con tôi, tiêu tiền mãi rồi cũng chán, mà chán nhất là lúc quay về gia đình thì không có ai: Bố mẹ đều đi tới khuya mới về, rồi sáng hôm sau lại ra khỏi nhà rất sớm. Cuộc sống của cậu bé mất hẳn sự cân bằng. Tôi không khỏi ái ngại mà nghĩ rằng lớn lên cháu sẽ trở thành một nhân cách không bình thường.

Nếu trở lại với những xã hội cũ, người ta sẽ thấy vai trò của gia đình trong việc hình thành nhân cách được đặc biệt nhấn mạnh. Ví dụ như thời phong kiến, người quân tử sau khi tu thân phải lo tề gia, có biết tề gia thì mới biết trị quốc và bình thiên hạ - tức phục vụ xã hội. Nhưng bây giờ thì việc đánh giá con người không theo tinh thần đó, anh sống với những người thân của anh thế nào cũng được, anh vô trách nhiệm với con cái thế nào cũng mặc kệ, miễn anh có đóng góp cho xã hội là được xã hội vinh danh. Lẽ tự nhiên là giáo dục gia đình bị chểnh mảng.

Nền nếp gia phong là một cái gì xa xỉ. Nếp nhà không có trong quan niệm thì làm sao xây dựng được. Nếp cũ phong kiến tư sản đã bỏ. Nếp mới theo đúng nghĩa thì chưa hình thành. Nhìn vào các gia đình nông thôn cũng như dân lao động ở các đô thị, tình trạng hoang dại càng phổ biến. Các gia đình hiện nay theo chỗ tôi quan sát phần lớn sống theo lối có sao làm vậy, dễ dãi, tùy tiện, không ý thức về lề luật. Tức khái niệm văn hóa gia đình gần như không có chỗ trong suy nghĩ của con người.

Ở trường thì trẻ con được học đủ công thức toán lý… nhưng những thứ cần học về gia đình thì không ai dạy. Lớn lên, tự do yêu đương, rồi thành nô lệ của những phút bốc đồng, chứ ít có khả năng nghĩ về gia đình lâu dài.

Thăm nhau ngày Tết, phong tục ngàn đời của người Việt. Ảnh: Tư liệu

Sự đứt gãy các giá trị cần được nhìn nhận đầy đủ nguyên nhân, mới có thể dựng lại người, dựng lại nhà. Thật ra từ thuở ban đầu của thời đại mới, các nhà quản lý xã hội đã nói tới gia đình nhưng chỉ là ít điều hô hào chung chung. Thời gian gần đây, do cái gọi là hiện tượng tiêu cực trong cách sống của con người ngày một diễn biến thiên hình vạn trạng quái gở, gia đình có được chú ý hơn nhưng chưa phải đã tới tầm mức cần thiết. Công việc nghiên cứu cơ bản bị lảng tránh vì quá tốn kém và không hứa hẹn kết quả như mong muốn. Những tiêu chuẩn làm nên gia đình văn hóa nêu lên để cho các gia đình phấn đấu theo thì vụn vặt và tầm thường - đó chỉ là những quy định hành chính chứ không phải những quan niệm văn hóa.

Nhà trường cũng bắt đầu vào cuộc. Đang xảy ra những chuyện nực cười. Người ta ra đề yêu cầu học sinh miêu tả gia đình mình, nhưng lại buộc các em viết y hệt văn mẫu. Nghĩa là vẽ lại cảnh nhà theo đúng công thức mà các bản tiêu chuẩn gia đình văn hóa đưa từ trên xuống đã nêu, dù trong thực tế họ sống khác hẳn. Các bậc phụ huynh chẳng những buộc con làm theo văn mẫu để kiếm điểm mà đa số còn sung sướng vì như thế tức là họ đã tham gia công cuộc xây dựng gia đình văn hóa mới!

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn

Duy Thông - Quốc Ngọc ghi

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/thay-doi-xa-hoi-lam-dao-lon-nen-nep-van-hoa-38045.html