Tăng minh bạch, giảm bức xúc, không để lạm thu

Bước vào năm học mới, nỗi băn khoăn về tính minh bạch các khoản thu, chi của các cơ sở giáo dục được giải tỏa bởi Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND, ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 14) quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, câu chuyện về các khoản thu, chi vẫn là đề tài được quan tâm ở nhiều diễn đàn, đòi hỏi các cơ sở giáo dục cần tăng cường tính minh bạch trong triển khai thực hiện để dư luận đồng thuận, không để xảy ra những bức xúc không đáng có từ phía xã hội và các bậc phụ huynh.

Giờ học ngoại khóa về Luật Giao thông đường bộ của học sinh Trường THPT Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa.

Yêu cầu minh bạch

Ngày 19/10/2022, Phòng GD&ĐT huyện Hạ Hòa, Thanh tra huyện, UBND xã Gia Điền cùng với Ban Giám hiệu, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Gia Điền đã có buổi đối thoại trực tiếp, giải đáp các khúc mắc liên quan đến sáu khoản thu của nhà trường đầu năm học 2022-2023 và những năm học trước.

Điều 7, Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, ban hành ngày 3/8/2018 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân quy định về quản lý, sử dụng tài trợ cụ thể như sau: Cơ sở giáo dục lập kế hoạch sử dụng tài trợ, trong đó xác định rõ mục đích, đối tượng thụ hưởng; cách thức tổ chức thực hiện, tiến độ thực hiện; chất lượng hoạt động, chất lượng sản phẩm, công trình kèm dự toán kinh phí chi tiết phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn, định mức hiện hành.

Kế hoạch sử dụng khoản tài trợ phải được công bố và niêm yết công khai trước khi tổ chức thực hiện ít nhất 15 ngày làm việc để lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh, người giám hộ (nếu có) và nhà tài trợ.

...Cơ sở giáo dục phải lập báo cáo quyết toán công việc hoàn thành và niêm yết công khai để người học và xã hội giám sát, đánh giá.

Tại cuộc đối thoại này, nhiều phụ huynh như chị Đào Thị Tuyến, Tô Thi Linh, Cao Thị Dư... bày tỏ băn khoăn, đề nghị nhà trường làm rõ về khoản thu tiền đồ dùng học tập; tiền mua tủ sấy bát, tủ lưu mẫu thức ăn; việc sử dụng quỹ hội phụ huynh, nhà trường làm biểu bảng nhà vòm không đúng quy trình khi chưa họp phụ huynh...

Trong quá trình đối thoại, đối chiếu với các khoản thu và các quy định hiện hành, Phòng GD&ĐT huyện, Thanh tra huyện, lãnh đạo Trường Mầm non Gia Điền đã trực tiếp trả lời các nội dung mà phụ huynh yêu cầu và chỉ ra những thiếu sót của nhà trường trong quá trình thực hiện các khoản thu.

Đồng chí Phạm Ngọc Diễm - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hạ Hòa cho biết: Từ kết quả kiểm tra, xác minh, đối chiếu với các quy định hiện hành, Phòng GD&ĐT nhận thấy nhà trường đã triển khai các khoản thu đầu năm học, vận động tài trợ còn sai sót về quy trình thủ tục, chưa đúng theo hướng dẫn, tổ chức tạm thu khi chưa bàn bạc, thống nhất với phụ huynh. Mặc dù không có việc tư lợi cá nhân trong thực hiện các khoản thu nhưng Phòng GD&ĐT huyện yêu cầu nhà trường cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, hoàn thiện kế hoạch thu, chi và vận động tài trợ theo đúng hướng dẫn. UBND xã Gia Điền, lãnh đạo Trường Mầm non Gia Điền tiếp tục tổ chức đối thoại với các công dân ký tên trong đơn để làm rõ, trả lời công dân, từ đó tuyên truyền để công dân góp ý xây dựng, ủng hộ kế hoạch giáo dục của nhà trường và địa phương.

Không chỉ ở Trường Mầm non Gia Điền, huyện Hạ Hòa, tại các địa phương cũng có trường hợp phụ huynh phản ánh còn có việc mang tính lạm thu ở một số cơ sở giáo dục. Tại TP Việt Trì đã có đơn của phụ huynh gửi đến cơ quan chức năng phản ánh về các khoản thu tại Trường Mầm non Minh Phương quá cao so với quy định, đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ. Cụ thể, tiền điện, nước thu 52.000 đồng/tháng/học sinh, thuê bảo vệ 25.000 đồng/tháng/học sinh, vệ sinh trường lớp 25.000 đồng/tháng/học sinh...

Dù chỉ là đơn nặc danh nhưng qua dư luận xã hội, nhà trường đã rà soát lại toàn bộ các khoản thu, các khoản vận động tài trợ, mức thu tiền điện, tiền nước, tiện thuê bảo vệ... đối chiếu với các quy định hiện hành, xây dựng bảng dự toán các khoản thu gửi đến Phòng GD&ĐT, UBND phường để xin ý kiến trước khi tiến hành thu.

“Tôi ủng hộ cách làm này của nhà trường, bởi nó thể hiện sự cẩn trọng và rõ ràng. Về các khoản thu, mức thu, tôi hoàn toàn nhất trí. Điều phụ huynh cần là sự hợp lý, minh bạch chi tiêu chứ không phải phản đối, hay ủng hộ khoản này, khoản kia”, anh Phùng Ngọc Hiệp có con đang học lớp bốn tuổi B, Trường Mầm non Minh Phương cho biết.

Thực tế cho thấy, nếu như các cơ sở giáo dục làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện đúng quy trình về tiếp nhận, công khai các khoản thu vận động tài trợ sẽ nhận được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh. Việc sử dụng, tiếp nhận tài trợ cũng được quy định rõ tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, ngày 3/8/2018 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Do đó, điều các phụ huynh mong muốn là các cơ sở giáo dục khi vận động tài trợ nội dung phải thiết thực, công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích, đúng quy định.

Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Minh Phương, TP Việt Trì.

Công khai, rõ ràng, không để lạm thu

Một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế hiện tượng lạm thu đầu năm học là công khai, minh bạch các khoản thu để phụ huynh nắm rõ và thực hiện đúng. Cụ thể hóa vấn đề này, tại Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 14 về quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết là cơ sở pháp lý quan trọng, bám sát tình hình thực tế ở các địa phương để các cơ sở giáo dục làm căn cứ triển khai thực hiện.

Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, thành, thị đã ban hành hướng dẫn cụ thể các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục không quy định mức thu theo Nghị quyết số 14. Theo đó, các cơ sở giáo dục công lập không được thu thỏa thuận các khoản thu dịch vụ, phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục khác ngoài các khoản thu dịch vụ theo quy định Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh. Các cơ sở giáo dục phải thực hiện thu đúng, thu vừa đủ chi, chi đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả. Trước khi thu, phải có dự toán chi tiết thu, chi từng khoản, đảm bảo tính đúng, tính đủ, tính đủ bù đắp chi phí, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của cha mẹ học sinh. Các cơ sở giáo dục phải có sự trao đổi thỏa thuận, thống nhất với cha mẹ học sinh bằng văn bản, có sự thống nhất với Hội đồng trường và báo cáo cấp có thẩm quyền để quyết định mức thu, trong đó mức thu không vượt quá mức thu tối đa quy định tại Nghị quyết số 14.

Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh quy định có ba khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục quy định mức thu bao gồm: Trông trẻ, học sinh ngoài giờ, mức thu tối đa 4000 đồng/học sinh/giờ; vệ sinh trường, lớp học, khu vệ sinh chung cho học sinh, mức thu tối đa 25.000 đồng/học sinh/tháng; trông giữ xe với các mức cho từng loại xe, với xe đạp mức thu tối đa 15.000 đồng/học sinh/tháng, xe đạp điện mức thu tối đa 20.000 đồng/học sinh/tháng, xe máy, xe máy điện mức thu tối đa 30.000 đồng/học sinh/tháng.

Mười khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục không quy định mức thu, yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thỏa thuận với phụ huynh học sinh gồm: Tiền ăn bán trú, tiền đồ dùng phục vụ học sinh bán trú, tiền học hai buổi/ngày, tiền làm quen ngoại ngữ, tiền điện sử dụng điều hòa, tiền nước uống, tiền sổ liên lạc, tiền đồng phục, tiền bảo vệ, tiền hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa.

Đồng chí Hà Tuấn Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Lập cho biết: Thời điểm này, trên cơ sở hướng dẫn, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện xây dựng dự toán thu, chi cụ thể, ứng với từng khoản thu, thống nhất trong lãnh đạo, tập thể nhà trường, chuẩn bị lấy ý kiến cha mẹ học sinh, trong đó sẽ có ba khoản quy định mức thu và 10 khoản thỏa thuận theo đúng tinh thần Nghị quyết 14.

Để tránh tình trạng lạm thu hoặc thu sai quy định, trong năm học, các địa phương đã xây dựng kế hoạch kiểm tra và xử lý nghiêm đơn vị để xảy ra tình trạng thu, chi sai quy định. Đồng chí Bùi Tuấn Long - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh khẳng định: Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra công tác quản lý thu, chi năm học 2021-2022, triển khai thực hiện công tác quản lý thu, chi năm học 2022-2023 tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn. Nếu để xảy ra sai sót, thủ trưởng các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về các khoản thu, chi sai quy định.

Nhằm kịp thời xử lý các thông tin “nóng” liên quan đến lạm thu, Sở GD&ĐT đã công bố đường dây nóng: 0911.978.226; 02103.661.888; 0944.834.766 để tiếp nhận ý kiến phản ánh của nhân dân về các khoản thu, chi ở các cơ sở giáo dục.

Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh - TUV, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Hiện nay, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục phải xem xét khoản nào cần thu trước, khoản nào chưa cần thu thì bố trí thu sau, lưu ý các cơ sở giáo dục về chính sách miễn, giảm các khoản thu, làm sao để không vì hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ không đóng góp được cho nhà trường mà học sinh phải nghỉ học. Sở GD&ĐT đã có điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của phụ huynh và nhân dân về các khoản thu trong nhà trường. Khi tiếp nhận, sẽ tiến hành thanh kiểm tra, làm rõ trách nhiệm...

Huy Thắng - Hạnh Thúy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/tang-minh-bach-giam-buc-xuc-khong-de-lam-thu/188163.htm