Phân luồng sau trung học cơ sở

Theo GS.VS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục), trước tình cảnh phụ huynh Hà Nội trắng đêm xếp hàng nộp hồ sơ xin học cho con vào lớp 10 thì công tác tuyên truyền về phân luồng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Không chỉ vào THPT công lập mà còn các trường tư, các trường dạy nghề.

GS.VS Đào Trọng Thi.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc nhiều phụ huynh tại Hà Nội phải xếp hàng thâu đêm xin học cho con vào lớp 10 đã diễn ra những năm gần đây?

GS.VS Đào Trọng Thi: Ở đây có một số yếu tố. Ví dụ Hà Nội lấy tỷ lệ 60-64% để vào THPT. Vì thế công tác tuyên truyền về phân luồng cần mạnh hơn để mọi người nắm và hiểu hết. Bởi chủ yếu chúng ta nói về thi vào THPT, nhưng còn một tỷ lệ % nhất định phải vào các trường tư, các trường dạy nghề thì chúng ta lại ít tuyên truyền. Trên thế giới, hầu hết các nước cũng phân luồng như vậy. Tất nhiên có nước phổ cập THPT với ý nghĩa nâng cao trình độ chung. Còn để học nghề thì chỉ cần học THCS xong là đi học nghề.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới chúng ta đã chia thành 2 giai đoạn. Đó là giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm đầu; còn sau là hướng nghiệp. Tức là THPT có vai trò hướng nghiệp là chính. Tỷ lệ 60-64% vào THPT là tỷ lệ chung, nhưng ở Hà Nội phân bố không đều. Bởi có những địa phương của thành phố chưa đạt đủ 50%, tức là thiếu cục bộ. Nhất là nơi trung tâm thành phố thì quá tải, còn nông thôn có nhiều trường không đủ người thi vào. Đó là vấn đề cần điều chỉnh, tăng cường số trường lớp ở trung tâm thành phố. Có nghĩa tỷ lệ 60-64% phải đạt được đồng đều chứ không phải “chỗ có thì không cần, chỗ cần thì không có”.

Chuyện người dân đi xếp hàng ở cổng trường từ đêm hôm trước để xin học lớp 10 cho con cũng do quá trình tổ chức thực hiện chưa tốt. Nếu quy định gửi đơn trước ngày bao nhiêu, tức là có hạn nộp đơn để tất cả đều được nộp, sau khi hết hạn nộp thì mới xét chứ không thể ai mang đơn đến trước thì nhận và xét trước, xét cho đến bao giờ đủ đơn thì thôi. Đó là do cách tổ chức thực hiện. Có khi trường nào cho xếp hàng từ đêm lại thấy tự hào, trường có giá. Đó là cách để làm nổi bật trường mình lên.

Nhiều ý kiến cho rằng việc “chen lấn” vào lớp 10 trường công ở Hà Nội là do thành phố quá thiếu trường, nhất là khu vực nội thành. Ý kiến của ông?

- Tất nhiên nếu có đủ trường, đủ lớp thì không xảy ra việc phải xếp hàng từ đêm để đi xin học cho con. Lúc đó chỉ “tranh” trường tốt. Ví dụ các quận trong nội thành như Cầu Giấy, Hà Nội hơn 5.500 học sinh đăng ký mà chỉ có 1.500 suất học. Nghĩa là tỷ lệ chỉ có 30%. Thực tế có việc ở khu vực này đông học sinh hơn, khu vực kia ít học sinh hơn. Vậy khu vực nơi có nhiều nhà chung cư thì xây bao nhiêu trường học cho đủ? Đúng là có thiếu trường lớp nhưng theo tôi không nên đổ hết lỗi cho chuyện thiếu trường, lớp. Không phải là như vậy. Đó là do tuyên truyền, phân luồng không tốt. Do sự phát triển không đồng đều, thiếu cục bộ và cách tổ chức.

Trở lại vấn đề phân luồng, thực tế người dân luôn mong con em của mình đi học THPT để vào đại học chứ không muốn học nghề. Và giờ có nên thay đổi tư duy đó?

- Tôi xin nhắc lại, tại các nước phát triển thì họ có thể phổ cập cấp 3. Nhưng họ nghĩ rằng đó là trình độ dân trí chung phải đạt được THPT chứ không phải là nhu cầu. Bởi người nào học xong THCS, chuyển sang đi học nghề thì vẫn được. Tức là họ coi học nghề và THPT xem như cùng 1 hệ thống và có 2 nhánh. Họ không phân biệt như của ta là “nghề” và “học”. Tư duy tâm lý chung của người Việt Nam vẫn nghĩ học nghề là lao động chân tay, còn THPT mới là trí tuệ.

Ở một số nước lại có không ít thanh niên không thích học THPT. Quan niệm muốn đi làm công nhân kỹ thuật thì rẽ ngay sang học nghề để đỡ mất thời gian. Còn ở ta có tâm lý là phải học THPT, thi lên đại học mới gọi là phát triển. Đó là do tâm lý và cũng là do việc hướng nghiệp và giáo dục, tuyên truyền làm chưa tốt. Không ai phổ cập THPT cả. Chỉ có phổ cập trung học bao gồm: THPT và trung cấp nghề. Vấn đề là nằm ở chỗ đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu hồi các dự án treo để xây dựng trường công lập

Vừa qua, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Hà Nội không thiếu chỗ học. Một số trường có uy tín nên phụ huynh tin tưởng. Vì vậy họ xếp hàng từ sáng sớm mong con có suất vào trường. Thời gian tới sẽ chấn chỉnh tình trạng này khi năm tới tất cả trường học của thành phố sẽ tuyển sinh trực tuyến, giảm vất vả cho phụ huynh. Hiện Hà Nội cũng đã bàn với Sở Quy hoạch kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường cùng các quận, huyện phương án thu hồi các dự án treo để lấy quỹ đất xây dựng trường công lập. Thành phố hiện có 2.845 trường học ở 30 quận, huyện, thị xã, trong đó 79% là trường công lập. Số trường sẽ tăng dần theo từng năm. Mỗi năm sẽ tăng 30-35 trường học mới, đủ chỗ cho các cháu học tập trong giai đoạn hiện nay.

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phan-luong-sau-trung-hoc-co-so-5723311.html