Nhiều người hoang mang, chưa thể thoát khỏi đại dịch

Sau đại dịch, khi nhiều hoạt động được mở lại, nhiều người trẻ vẫn loay hoay không biết phải làm gì. Họ có thể bị mất việc thời gian dài, ngành nghề đang bế tắc hoặc từng là F0.

Khi TP.HCM cho phép nhiều hoạt động kinh doanh mở lại, chị N. (33 tuổi, quận 8) vẫn đóng cửa hàng.

“Tôi cũng mong ra quán lại, nhưng phần vì dịch vẫn còn, phần lại sợ kỷ niệm với người thân ùa về”, chị nói với Zing.

Ngày 3/8, chị N. test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Liên hệ phường nhưng không được đưa đi cách ly, chị ở nhà tự điều trị theo toa bác sĩ quen.

10 ngày sau, chị N. khỏi bệnh nhưng phải trải qua nỗi mất mát lớn khi cùng lúc mất mẹ và chồng sắp cưới vì Covid-19.

“Lúc đó, tôi không thiết tha gì, cứ để mặc mọi chuyện, vất vưởng qua ngày. Nhưng rồi tôi thấy ba, em lo lắng nhiều và nghĩ mình còn trách nhiệm chăm sóc cho ba mẹ anh ấy (vị hôn phu - PV) nên cố vượt qua. Đến giờ, tôi vẫn khó chấp nhận việc người thân đã ra đi. Vốn dĩ sắp cưới mà giờ tôi phải trải qua nỗi đau quá lớn như vậy”, chị nghẹn ngào.

Vài tháng sau khi khỏi Covid-19, chị N. vẫn có các di chứng như thường xuyên chóng mặt, giật mình, hồi hộp và hay quên.

“Nhiều người khuyên ‘Cố gắng’, ‘Lạc quan lên’ nhưng tôi luôn cảm thấy không ổn. Tôi cần thời gian dài để nguôi ngoai”, chị nói.

Không riêng chị N., khi nhiều hoạt động đã được mở lại, nhiều người trẻ vẫn loay hoay không biết phải làm gì. Họ có thể bị thất nghiệp thời gian dài, công ty đóng cửa, ngành nghề đang bế tắc hoặc từng phải vật lộn với loại virus chết người.

Hậu Covid-19, nhiều người háo hức trở lại cuộc sống bình thường mới, trong khi số khác trở nên dè dặt, đề phòng hơn. Ảnh: David L. Ryan/The Boston Globe.

Mất phương hướng

Vừa đi làm trở lại 1 tháng sau đợt bùng phát dịch thứ 3, Minh Phương (24 tuổi, quận Hai Bà Trưng), quản lý dancer ở quán bar tại Hà Nội, sững sờ khi nghe tin từ 0h ngày 30/4, nơi cô làm việc phải đóng cửa để phòng chống, dịch Covid-19.

Thay vì phải nghỉ hẳn 2-2,5 tháng như 3 lần trước, Phương đã trải qua gần 6 tháng chưa được trở lại công việc.

Thực tế, khi dịch Covid-19 liên tục tái diễn, các quán bar chịu tổn thất lớn vì nằm trong diện phải đóng cửa sớm và mở lại muộn nhất.

Nhà mở quán bánh mì lâu năm, Phương phụ bố mẹ bán hàng trong lúc tạm nghỉ. Dù không kiếm được nhiều như khi đi làm ở quán bar, cô cũng vơi bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền.

“Về kinh tế, mình không quá lo vì được gia đình hỗ trợ. Còn về tinh thần, mình thấy chán nản vì ngoài lúc đi bán hàng, mình chỉ quanh quẩn ở nhà, thời gian rảnh quá nhiều. Mình chỉ mong quán sớm được mở lại để được đi làm”, cô gái 24 tuổi nói với Zing.

Theo lời Phương, do quán bar đóng cửa đã nửa năm, nhiều đồng nghiệp của cô phải kiếm việc khác như môi giới bất động sản, nhân viên văn phòng… để trang trải cuộc sống.

Phải nghỉ việc gần nửa năm vì dịch, Minh Phương cảm thấy chán nản, mong sớm được đi làm trở lại. Ảnh: Phạm Thắng.

“Mất phương hướng” là cảm giác Khánh Ninh (22 tuổi, quê Hải Phòng) trải qua khi đợt bùng phát dịch thứ 4 xảy ra từ đầu tháng 5.

Tốt nghiệp ngành Diễn viên múa của Cao đẳng Múa Việt Nam năm 2020, Ninh đi diễn theo vũ đoàn ở các sự kiện, hội nghị tại Hà Nội. Ngoài ra, cô làm dancer ở quán bar vào buổi tối.

Khi tất cả hoạt động phải dừng lại vì dịch, Ninh mất hẳn thu nhập vì không có môi trường để làm việc.

“Lúc đó, tinh thần mình khá hoảng loạn, chán nản vì không làm ra tiền nhưng cuộc sống vẫn cần nhiều chi phí. Mình đã nghĩ đến việc về Hải Phòng ở với bố mẹ. Sau cùng, mình quyết định ở lại thủ đô, trang trải bằng tiền tiết kiệm từ trước đó và được bố mẹ hỗ trợ thêm”, cô nói với Zing.

Ban đầu, Ninh và nhiều đồng nghiệp trong tâm thế tạm nghỉ, nghĩ công việc sẽ sớm trở lại. Tuy nhiên, khi dịch dai dẳng, họ phải tìm cách xoay xở.

Được một người bạn giới thiệu, Ninh chuyển sang kinh doanh mỹ phẩm xách tay được 3 tháng nay.

“Ban đầu, mình loay hoay không biết mối nhập hàng ở đâu, quảng bá như thế nào, làm hình ảnh ra sao. Nhờ được nhiều người hỗ trợ, mình dần vào guồng, kinh doanh ổn định hơn, học được nhiều kiến thức về mỹ phẩm, làm đẹp, chăm sóc da. Dịch là thử thách cho mọi người nhưng cũng mang đến cơ hội mới nếu biết nắm bắt”, cô nói.

Khánh Ninh chuyển sang kinh doanh mỹ phẩm để xoay xở trong thời gian công việc chính phải tạm dừng vì dịch. Ảnh: NVCC.

Khi thành phố mở lại nhiều hoạt động, Ninh đi diễn 2 show với vũ đoàn và quay một số TVC quảng cáo nhỏ.

Nữ vũ công cho hay cô hạn chế nhận show diễn vì muốn an toàn khi chưa hết dịch. Hiện cô duy trì cả việc đi múa và kinh doanh mỹ phẩm.

Trong khi chờ công việc trở lại bình thường như trước, hầu hết bạn bè của Ninh chuyển sang làm streamer, biểu diễn online. Dù thu nhập khá ổn, họ khá vất vả vì phải ngồi trước màn hình hơn 10 tiếng/ngày.

Chấn thương tâm lý hậu đại dịch

Hơn một năm bùng phát với gần 4 triệu người chết, đại dịch Covid-19 đã gây ra “chấn thương hàng loạt” trên quy mô lớn và những tổn hại sức khỏe tâm thần nó mang lại sẽ kéo dài trong nhiều năm tới, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Chấn thương này được một số chuyên gia y tế gọi là rối loạn căng thẳng hậu đại dịch (PPSD) - một dạng rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) do Covid-19 gây ra, theo NBC News.

Nhà trị liệu tâm lý người Anh Owen O’Kane, người đặt ra thuật ngữ PPSD, cho biết: “Trong hơn một năm qua, nhiều người đã phải chịu đựng những chấn thương ở các mức độ khác nhau. Vấn đề chính là nó diễn ra không ngừng. Đây là lý do khiến tôi tin rằng chứng rối loạn căng thẳng hậu đại dịch sẽ bùng nổ. Hiện tại, PPSD không được coi là vấn đề nghiêm trọng vì chúng ta đang bình thường hóa các trường hợp. Tuy nhiên, giống như tất cả chấn thương khác, tác động của nó sẽ thể hiện khi đại dịch kết thúc”.

Trao đổi với Zing, chị Phạm Quỳnh Anh, giảng viên ngành Công tác xã hội, khoa Cơ bản, CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, nhận định dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến đời sống, sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân.

Lao động thất nghiệp do cắt giảm nhân sự, các cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng, một số ngành nghề rơi vào bế tắc, đặc biệt là có nhiều F0 sau khi khỏi bệnh đã không còn cơ hội trở lại làm việc.

Nhiều chuyên gia cảnh báo chứng rối loạn căng thẳng hậu đại dịch (PPSD) sẽ bùng nổ. Ảnh: Kentarus/iStock.

Chị Quỳnh Anh cho biết các cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh gặp phải nhiều vấn đề tâm lý nhưng có một số tình trạng điển hình.

Đầu tiên, nhiều người rơi vào tình trạng căng thẳng, lo âu. Lệnh phong tỏa suốt nhiều tháng khiến con người phải sống ở những không gian hẹp trong thời gian dài. Việc không thể gặp gỡ bạn bè, người thân, đồng nghiệp cũng phần nào tác động khiến vấn đề tâm lý càng trở nên nghiêm trọng.

Tiếp đó, tình trạng thất nghiệp kéo theo không có thu nhập khiến nhiều người có biểu hiện rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống. Họ lo lắng cho tương lai của cá nhân và gia đình nên không thể có giờ giấc sinh hoạt như bình thường.

Tình trạng này kéo dài dẫn đến những hành vi cáu gắt, không kiềm chế được cảm xúc, thậm chí có những biểu hiện thể hiện sự tiêu cực, thất vọng về bản thân.

“Sau đại dịch, những người bị ảnh hưởng thường cố gắng vực dậy, tiếp tục lao động nhưng một số khác thì không: Họ hoang mang và trượt dài trong sự chán trường. Có những cá nhân còn tìm đến các chất kích thích như rượu, bia… để quên đi nỗi lo âu, thất vọng trong cuộc sống”, nữ giảng viên nói.

Theo chị Quỳnh Anh, các F0 đã khỏi bệnh và mất việc gặp nhiều vấn đề hơn những điều kể trên.

Ngoài việc lo lắng, hoang mang về vấn đề việc làm, họ còn phải đối mặt với sự nghi ngờ, kỳ thị của người xung quanh. Một số bị ám ảnh trong việc vệ sinh cá nhân, bảo vệ bản thân, có cảm giác hoang mang, sợ hãi, lo sợ bệnh tật có thể trở lại bất cứ lúc nào.

“Nhìn chung, có rất nhiều vấn đề tâm lý xuất hiện ở người dân sau đại dịch, đặc biệt là những cá nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp. Họ rất cần được hỗ trợ, can thiệp để trở lại cuộc sống bình thường”, chị nói.

Cần thời gian

Thời gian qua, chị Phạm Quỳnh Anh từng trò chuyện, chia sẻ với nhiều trường hợp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong đó, chị N.T.T. may mắn hồi phục sau 3 tuần có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu, cảm xúc thay đổi đột ngột vì phải tự cách ly, điều trị tại nhà. Xa chồng và 2 con nhỏ, chị phải ở một mình, hàng ngày đọc rất nhiều tin tức tiêu cực liên quan đến đại dịch nên không tránh khỏi suy nghĩ bi quan.

Bằng cách hỗ trợ từ xa, chị Quỳnh Anh động viên, lắng nghe, trò chuyện, phần nào giúp chị N.T.T. có tinh thần lạc quan. Đồng thời, nữ giảng viên luôn nhắc nhở chị T. tuân thủ theo chỉ dẫn điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý chữa Covid-19 theo thông tin không chính thống, tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra.

Tuy nhiên, có rất nhiều F0 không may mắn như vậy. Tình trạng bệnh trở nặng khiến họ không thể trò chuyện, ngay cả việc thở cũng là vấn đề khó khăn.

Cần thời gian và sự hỗ trợ để những người chịu ảnh hưởng của đại dịch thoát ra khỏi bế tắc, bắt nhịp với cuộc sống bình thường mới. Ảnh: Phạm Thắng.

Chị Quỳnh Anh nhận định giúp những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thoát khỏi bế tắc để ổn định tâm lý, bắt nhịp lại với cuộc sống, công việc không phải là câu chuyện một sớm, một chiều.

Tuy nhiên, theo chị, vấn đề này có thể được giải quyết dựa trên một số gợi ý.

Trước hết, mỗi cá nhân phải học cách chấp nhận những hậu quả mà đại dịch mang lại như bệnh tật, mất việc, sụt giảm kinh tế...

“Tôi biết có nhiều người phá sản, tiêu tán của cải sau đại dịch. Họ không muốn đối mặt với tình trạng này nên rơi vào trạng thái khủng hoảng, đau khổ suốt thời gian dài. Tuy nhiên, chấp nhận và coi đó là giai đoạn khó khăn của cuộc sống là điều chúng ta nên làm. Cũng giống như vết thương trên cơ thể, nếu chúng ta dám đối diện, chăm sóc, bôi thuốc kịp thời thì nó sẽ mau lành. Ngược lại, nếu bị lờ đi, vết thương sẽ rất lâu mới liền sẹo, thậm chí để lại dấu vết xấu xí”, nữ giảng viên nói.

Thứ hai, mọi người hãy cố gắng tìm kiếm những nguồn năng lượng tích cực đến từ người thân như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Đó có thể là những lời động viên, an ủi, sự lạc quan, niềm vui giản đơn trong cuộc sống - những điều tưởng chừng nhỏ bé đôi khi sẽ trở thành liều thuốc tinh thần giúp mọi người vực dậy sau khó khăn.

Thứ ba, mỗi người hãy xây dựng kế hoạch cho bản thân.

“Xã hội thay đổi và phát triển mỗi ngày, việc lập kế hoạch vốn dĩ đã luôn cần thiết, nay lại càng quan trọng hơn khi đại dịch diễn ra. Mỗi người hãy đặt cho bản thân những mục tiêu và hoạt động cụ thể mỗi ngày, có thể liên quan đến sinh hoạt, công việc, tài chính… Việc làm này phần nào giúp chúng ta kiểm soát được những gì đang diễn ra xung quanh, từ đó có những chiến lược đúng đắn hơn trong cuộc sống”, chị Quỳnh Anh đưa ra lời khuyên.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-nguoi-hoang-mang-chua-the-thoat-khoi-dai-dich-post1272175.html