Căn bệnh đang âm thầm gia tăng ở người trẻ

Từng được xem là 'căn bệnh người già', tăng huyết áp giờ đây đang có dấu hiệu trẻ hóa vì thói quen sinh hoạt, ăn uống kém khoa học của nhiều người trẻ.

 Bệnh cao huyết áp đang có xu hướng trẻ hóa, một phần do thói quen ăn uống, sinh hoạt kém khoa học của người trẻ tuổi. Ảnh: Unsplash.

Bệnh cao huyết áp đang có xu hướng trẻ hóa, một phần do thói quen ăn uống, sinh hoạt kém khoa học của người trẻ tuổi. Ảnh: Unsplash.

Theo Kết quả điều tra Quốc gia các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam năm 2021 của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính 20,2 triệu người Việt trưởng thành mắc cao huyết áp với tỷ lệ 26,2% dân số.

Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra biến cố tử vong do các bệnh tim mạch trên thế giới. Sự gia tăng căn bệnh này trong cộng đồng thời gian qua thực sự trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Tăng huyết áp trẻ hóa

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Ngọc Thùy Dương, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), điều đáng lo ngại là trong số 20,2 triệu người mắc tăng huyết áp tại cộng đồng, có tới khoảng 60% chưa được phát hiện và gần 70% chưa được điều trị.

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh lý như bệnh mạch máu não, bệnh động mạch vành, suy tim, suy thận, mất trí nhớ, rung nhĩ, suy giảm chức năng cương dương ở nam giới...

Bác sĩ chuyên khoa I Phan Thị Mỹ Nhung, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết trước đây, tăng huyết áp thường được mệnh danh là "căn bệnh của người già" vì chỉ xuất hiện ở người cao tuổi (thường trên 55 tuổi). Tuy nhiên, thời gian gần đây, căn bệnh này xuất hiện nhiều hơn ở những người trẻ do thay đổi thói quen sinh hoạt.

Theo bác sĩ Nhung, bệnh cao huyết áp thường xuất hiện ở những người có thói quen ăn mặn, chế độ ăn thiếu kali, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, ít vận động và thường xuyên căng thẳng. Ngoài ra, bệnh cũng thường xuất hiện ở những người có thể trạng thừa cân, béo phì và có bệnh tiểu đường.

"Hiện nay, rất nhiều người trẻ lại có lối sống kể trên. Họ thường xuyên ăn thực phẩm đường phố chứa nhiều dầu mỡ, muối, đường, gia vị... gián tiếp gây ra bệnh tăng huyết áp", bác sĩ Nhung nói.

Người Việt hiện nay đang ăn khoảng 8-9 gr muối/ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (5 gr muối/ngày). Đây là yếu tố gây bệnh cao huyết áp mà nhiều người thường bỏ qua.

Bên cạnh đó, nhiều người trẻ hiện nay cũng hút thuốc lá từ sớm, thường xuyên nhậu nhẹt. Cuộc sống bận rộn khiến họ ít vận động, liên tục căng thẳng rất dễ gây ra bệnh béo phì, thừa cân, từ đó dẫn đến tăng huyết áp.

 Việc hút thuốc lá từ sớm, thường xuyên nhậu nhẹt cùng chế độ ăn không cân bằng, ít vận động tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật, trong đó có bệnh huyết áp. Ảnh: Pexels.

Việc hút thuốc lá từ sớm, thường xuyên nhậu nhẹt cùng chế độ ăn không cân bằng, ít vận động tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật, trong đó có bệnh huyết áp. Ảnh: Pexels.

Căn bệnh không có dấu hiệu đặc trưng

Nhiều người lầm tưởng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn là một triệu chứng của bệnh tăng huyết áp. Sự thật là căn bệnh này không có triệu chứng đặc trưng.

Theo bác sĩ Phan Thị Mỹ Nhung, trên thực tế, rất nhiều người bị tăng huyết áp trong thời gian dài nhưng không biết cho đến khi khám bệnh hoặc xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Cách duy nhất để phát hiện mắc bệnh là thường xuyên đo huyết áp tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế.

Mọi người có thể nghi ngờ mình bị tăng huyết áp nếu liên tục ghi nhận tình trạng tâm thu trên 140 mmHg, huyết áp tâm trương trên 90 mmHg. Lúc này, tốt nhất nên đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và cho thuốc điều trị.

Tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng, trong đó nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Ở người bị nhồi máu cơ tim, bệnh nhân có thể xuất hiện các cơn khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn hay đau đầu lan sau lưng rồi lên hàm. Vùng ngực cảm giác bị đè nặng, ngột ngạt kéo dài vài phút đến vài chục phút. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể có tình trạng đau tức lan sang 2 tay, thậm chí vùng dạ dày.

Đối với người bị đột quỵ, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng đột ngột yếu liệt một bên người, khuôn mặt; đột ngột nói khó hoặc không hiểu người khác nói; đột ngột méo miệng, đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.

Trong các trường hợp này, chuyên gia HCDC nhấn mạnh mọi người tuyệt đối không tự ý điều trị theo các phương pháp dân gian như cạo gió, bấm huyệt, châm cứu hay uống thuốc hạ áp ngay lập tức.

Thay vào đó, người bệnh nên được đặt nằm nghiêng và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/can-benh-dang-am-tham-gia-tang-o-nguoi-tre-post1476009.html