Người trí thức cách mạng mẫu mực

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát, nhà chính trị yêu nước, suốt đời phụng sự Tổ quốc với nhiều vị trí quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đồng chí còn là một kiến trúc sư tài ba, để lại cho đời nhiều công trình kiến trúc đi vào lịch sử như sân bay Nội Bài, Bảo tàng Hồ Chí Minh...

Với 76 tuổi đời, 44 năm chiến đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát là người đảng viên trung kiên, bất khuất, dũng cảm, kiên cường vượt qua bao gian nguy, khổ cực, biến nhà tù của giặc thành trường học lớn, động viên, giáo dục gia đình trở thành những người đồng chí, đồng đội xả thân quên mình vì Tổ quốc.

Giàu lòng yêu nước

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình địa chủ phá sản. Năm 6 tuổi, ông về sống và học tập ở quê ngoại tại xã Điều Hòa, Mỹ Tho, sau đó theo học tại Trường Petrus Ký ở Sài Gòn. Từ nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất thông minh, đặc biệt là có năng khiếu vẽ và diễn thuyết. Ông là một sinh viên ưu tú của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội), là thủ khoa ngành kiến trúc năm 1938. Trong quá trình học tập, người thanh niên Huỳnh Tấn Phát khi ấy không chỉ nổi bật về tài năng và trình độ học vấn, mà còn tham gia sôi nổi trong mọi hoạt động của Tổng hội Sinh viên Đông Dương và Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ, sớm hình thành tình cảm cách mạng và có nhận thức về phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát (thứ hai bên trái) chụp ảnh cùng gia đình trong lần về thăm quê hương. ẢNH: TL

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào tháng 9/1938, Huỳnh Tấn Phát trở lại Sài Gòn, tập sự ở văn phòng kiến trúc sư Chauchon. Bản thiết kế đầu tay công trình Câu lạc bộ Thủy quân Sài Gòn của ông đã để lại dấu ấn mạnh mẽ, tạo nên danh tiếng của một kiến trúc sư trẻ tài ba. Đến năm 1940, Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng kiến trúc sư ở số nhà 68 - 70 đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu, TP.Hồ Chí Minh) và là kiến trúc sư người Việt Nam đầu tiên mở được văn phòng tại Sài Gòn, được nhiều người mến mộ. Cũng chính trong thời gian này, ông tích cực tham gia phong trào “Truyền bá quốc ngữ”, phong trào “Cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ” và là một trong những người tổ chức, cổ vũ, lãnh đạo phong trào “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” của thanh niên, học sinh, sinh viên miền Nam, phong trào “Thanh niên tiền phong”, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh yêu nước do Đảng lãnh đạo.

Đầu năm 1945, Huỳnh Tấn Phát đã dùng chính văn phòng kiến trúc sư của mình để làm nơi tổ chức lớp huấn luyện bí mật đầu tiên về chủ nghĩa Mác - Lênin cho một số thanh niên trí thức Sài Gòn. Ngày 5/3/1945, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được đồng chí Trần Văn Giàu bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuộc đời cách mạng của ông bước sang giai đoạn mới. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát đóng cửa văn phòng kiến trúc sư và chuyên tâm vào hoạt động cách mạng. Ông tham gia cổ động, tuyên truyền, thuyết phục không mệt mỏi các tầng lớp nhân dân, đào tạo, bồi dưỡng hàng loạt cán bộ cốt cán cho phong trào yêu nước. Lực lượng “Thanh niên tiền phong” do đồng chí Huỳnh Tấn Phát tham gia tổ chức và lãnh đạo đã đóng vai trò xung kích quan trọng trong khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân tại Sài Gòn và Nam Bộ.

Với hoạt động vận động quần chúng thời kỳ này, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã trở thành nhà trí thức có uy tín lớn đối với đồng bào các giới ở Sài Gòn. Đó cũng là nguồn sức mạnh cổ vũ, thôi thúc ông vượt qua những năm tháng gian khổ, hy sinh đồng hành cùng dân tộc trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như những năm tháng đầy khó khăn, thử thách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này.

Những cống hiến to lớn

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát nguyên là Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đồng chí từ trần vào ngày 30/9/1989.

Với những cống hiến to lớn cho đất nước và dân tộc, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật...

Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi vẻ vang, đồng chí Huỳnh Tấn Phát dành nhiều thời gian đi thăm hỏi, nắm bắt tình hình, tâm tư, tình cảm của các tầng lớp nhân dân và trình bày rõ lập trường, quan điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong tình hình mới của đất nước. Đồng chí đã tham gia giải quyết những công việc trọng đại của đất nước và trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, cả về đối nội và đối ngoại bằng những chính sách, kế hoạch hợp lý tạo nền tảng ban đầu nhằm xây dựng miền Nam có được diện mạo mới.

Trên cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách quy hoạch đô thị, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã dành nhiều thời gian đi tìm hiểu thực tế và kiểm tra công tác quy hoạch, nhất là đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để có cái nhìn tổng thể và có nhiều đóng góp vào công việc chung của Chính phủ, đặc biệt là với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải tạo, khôi phục và phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh. Đồng chí dành nhiều thời gian đi các địa phương để khảo sát thực tế tình hình, trao đổi với chính quyền và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là với giới trí thức về những vấn đề nóng của đất nước để phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của Chính phủ.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô Hà Nội và nền kiến trúc Việt Nam. Đồng chí đã để lại những công trình, tác phẩm xuất sắc như bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội năm 1981, Nhà hát Hòa Bình TP.Hồ Chí Minh... Riêng bản thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh 1979 - 1985 được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Ngoài ra, đồng chí đã đóng góp ý kiến đối với nhiều dự án thiết kế quy hoạch các đô thị lớn trong cả nước như Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn. Nhiều công trình kiến trúc gắn với tên tuổi đồng chí Huỳnh Tấn Phát như Sân bay Nội Bài, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Cung Thiếu nhi Hà Nội... góp phần xây dựng nền nghệ thuật kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

THANH THUẬN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2023/202302/ky-niem-110-nam-ngay-sinh-dong-chi-huynh-tan-phat-1521913-1522023-nguoi-tri-thuc-cach-mang-mau-muc-3156949/