Ghé thăm Lang Biang để nhớ về một chuyện tình dang dở

Tham quan Lang Biang đâu đó chỉ khoảng một giờ đồng hồ là đủ, nhưng chính sự ân cần của những người làm du lịch tại đây và nét hữu tình của thiên nhiên như một thứ ma lực níu chân người lữ khách...

Như một thói quen, khi đặt chân đến một địa điểm nào đó, nếu đã từng ghé qua, bạn sẽ nói: "Mình đã đến đây rồi". Kì thực, cuộc sống vốn dĩ biến hóa khôn lường, sau một thời gian dài, một điểm đến có thể đã thay đổi đến mức bạn không còn nhận ra khi trở lại. Đó là lúc bắt đầu cho những khám phá mới.

Đỉnh Lang Biang tại Đà Lạt nổi tiếng nhờ chính độ cao ấn tượng của nó, gồm Núi Ông cao khoảng 2.124m và Núi Bà cao khoảng 2.167m. Ngoài ra, trong khuôn viên Khu du lịch Lang Biang còn có Đồi Radar, cao 1.929m. Chỉ lên độ cao đó thôi là đủ thỏa lòng cho chuyến đi.

20 năm trước, khi Lang Biang bắt đầu phát triển, ban quản lí còn sử dụng những chiếc xe jeep để chở khách; đồi núi trồng nhiều hoa, trên đó có bức tượng Lang Biang để ngay giữa. Đó là lần đầu tiên tôi đến Lang Biang, khi ấy cả ngọn núi hãy còn ngập tràn sương mù, tạo cảm giác vô cùng thích thú. Kể từ dạo ấy, tôi cũng đã có nhiều lần trở lại nhưng không còn bắt gặp khung cảnh sương mù bao phủ mà chỉ là nắng trong veo. Nhưng thế cũng hay, những tia nắng ấm áp cũng tạo cho Lang Biang nét cuốn hút rất riêng.

Quang cảnh Đà Lạt nhìn từ đỉnh Lang Biang.

Quang cảnh Đà Lạt nhìn từ đỉnh Lang Biang.

Điểm nổi bật của Lang Biang là bức tượng "Với tay tìm nhau", hiện đã được di dời cách vị trí cũ khoảng 20 mét để đến một nơi đẹp hơn. Bức tượng lấy cảm hứng từ một câu chuyện tình xưa cũ được bao thế hệ người Đà Lạt truyền tai nhau.

Chuyện kể rằng, xưa kia có hai bộ tộc khác nhau, họ sinh sống dưới chân núi. Một nhóm là người Lát, nhóm còn lại là người Chil. Trong bộ tộc người Chil có một người con gái tên H’Biang, và trong bộ tộc người Lát có một chàng trai tên là K’Lang. Trong một lần không may, H’Biang bị bầy sói tấn công, nhưng nàng được K’Lang giải cứu. Cũng từ lần gặp định mệnh đó, cả hai người mang lòng yêu thương nhau.

Nhưng vốn dĩ giữa hai bộ tộc Lát và Chil luôn xem nhau như kẻ thù không đội trời chung, nên cả hai bên ra sức cấm cản chuyện tình của đôi trẻ. K’Lang và H’Biang đã vượt qua mọi điều tiếng, cả hai bỏ lên trên đỉnh núi sinh sống.

Một ngày nọ, giữa hai bộ tộc lại nảy ra xung đột, nàng H’Biang đã bỏ mạng khi đỡ mũi tên giúp cho chàng K’Lang. K’Lang đau buồn da diết, khóc hết nước mắt. Nước mắt K’Lang tuôn trào chảy thành một dòng suối lớn mà bây giờ gọi là Đa Nhim, có nghĩa là "suối khóc".

Bức tượng "Với tay tìm nhau" kể về chuyện tình đầy nước mắt của cặp đôi K'Lang và H'Biang.

Bức tượng "Với tay tìm nhau" kể về chuyện tình đầy nước mắt của cặp đôi K'Lang và H'Biang.

Đến hôm nay, câu chuyện tình trên đỉnh Lang Biang vẫn là một đề tài được nhiều người dân và du khách nhắc nhớ. Dưới chân núi, 52 chiếc xe taxi đời mới sẽ chở khách lên đỉnh Lang Biang qua cung đường dài 5km. Trước kia, ban quản lý vẫn dùng những chiếc xe jeep cũ, nhưng nay chúng chỉ được dùng để chở hàng hóa.

Cung đường lên đỉnh núi uốn lượn giữa rừng thông xanh. Nhiều bạn trẻ thường chọn cách đi bộ để trải nghiệm, họ không vội vàng lên đỉnh núi, chỉ muốn tận hưởng những giây phút bên nhau ở nơi chốn mà K’Lang và H’Biang từng yêu nhau.

Xe lên đến đỉnh, người lữ khách vỡ òa cảm xúc khi bên dưới kia là Thành phố Đà Lạt, là Suối Vàng miên man chảy, thấp thoáng đằng xa là bóng dáng cây thông cô đơn. Gió thơm lướt qua trên từng phân da thịt, và cảm giác ở độ cao gần 2.000m so với mặt nước biển thật khó tả bằng lời.

Để lên tham quan đỉnh Lang Biang, du khách có thể ngồi xe taxi băng qua đoạn đường rừng thông xanh mát dài 5km.

Để lên tham quan đỉnh Lang Biang, du khách có thể ngồi xe taxi băng qua đoạn đường rừng thông xanh mát dài 5km.

Tôi gọi một ly cà phê, ngồi ở ghế đá phóng tầm mắt chiêm ngưỡng đất trời, ngắm nhìn không gian bao la với những hàng thông thoáng xa và để gió khẽ khàng lướt qua mái tóc. Lang Biang bây giờ xinh đẹp và vô cùng quyến rũ.

Xung quanh đỉnh núi được trang bị nhiều ống viễn vọng để giúp du khách dễ chiêm ngắm cảnh quan. Những con đường lên xuống thiết kế đẹp mắt, có vài tiểu cảnh để bạn lưu lại những khung hình kỷ niệm. Tham quan Lang Biang đâu đó chỉ khoảng một giờ đồng hồ là đủ, nhưng chính sự ân cần của những người làm du lịch tại đây và nét hữu tình của thiên nhiên như một thứ “ma lực” níu chân người lữ khách có khi đến hơn... ba giờ đồng hồ.

Khu vực chiêm ngắm cảnh quan bằng ống kính viễn vọng.

Khu vực chiêm ngắm cảnh quan bằng ống kính viễn vọng.

Những vuông hoa vừa vặn, những ngôi nhà sàn xinh xinh, một chàng trai trẻ người K’Ho mời tôi nghe anh biểu diễn đàn đá, đàn T’rưng với nụ cười đôn hậu, rồi anh bảo đưa điện thoại anh chụp cho tôi một vài tấm lưu niệm.

Cái cảm giác khi dừng lại ở bức tượng "Với tay tìm nhau" là cảm giác của tình yêu. Tượng được sơn màu bạc, nàng H’Biang mang chiếc gùi đứng một bên, chàng K’Lang đứng ở phía đối diện chìa tay với lấy bàn tay H’Biang. Bức tượng tuy không lớn nhưng lại nổi bật giữa bầu trời Đà Lạt bốn mùa mây qua, mưa đến.

Ở Lang Biang cao vời gần 2.000m này, khi theo chiếc xe lượn vòng trên cung đường rừng thông dẫn lên núi, ta bắt gặp giữa nghìn trùng một cảm giác yêu thương và được yêu thương. Rồi tìm đến tượng Lang Biang đang với tay tìm nhau, chụp một tấm ảnh lưu giữ một chuyện tình đẹp, bấy nhiêu đó thôi cũng đã đủ thỏa lòng.

Khuê Việt Trường

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/ghe-tham-lang-biang-de-nho-ve-mot-chuyen-tinh-dang-do-c14a74068.html