Nên sử dụng hợp lý vitamin

Vitamin (sinh tố) là một nhóm các hợp chất hữu cơ có phân tử lượng nhỏ, có tính chất lý hóa khác nhau nhưng rất cần thiết cho hoạt động sống của cơ thể, đóng vai trò xúc tác cho sự chuyển hóa các chất trong cơ thể.

Ảnh minh họa

Có khoảng 30 loại Vitamin khác nhau chia làm 2 nhóm bao gồm nhóm tan trong nước có các Vitamin nhóm B, Vitamin C và nhóm tan trong dầu có Vitamin A, D, K, E.

Thật ra, cơ thể không tự tổng hợp được Vitamin mà phải đưa vào nhờ nguồn cung cấp từ thức ăn. Các rau xanh và quả có màu đỏ vàng chứa tiền Vitamin A. Vitamin A có trong gan, cá, sữa. Vitamin E có trong bột mì, hạnh nhân. Vitamin C có trong cam, chanh, bưởi, hành tây. Vitamin B1 có trong bột mì, thịt gà, nấm. Vitamin B9 có trong măng tây, rau xanh, gan, trứng,… Pho mát làm từ thịt dê, thịt cừu, sữa tươi, sữa đậu nành có chứa Vitamin B12.

Nguyên nhân thiếu Vitamin có thể do di truyền hoặc do môi trường, ngoài ra các yếu tố khác như nhu cầu sinh lý, môi trường địa lý cũng có thể gây thiếu Vitamin. Nguyên nhân di truyền là do cơ thể thiếu enzyme 1 alpha- hydroxylase hoặc do yếu tố nội sinh như tình trạng thiếu máu do thiếu Vitamin khi cơ thể có lượng Vitamin (Folate, Vitamin B12 và Vitamin C) thấp hơn bình thường dẫn đến thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh.

Nguyên nhân môi trường là do nguồn cung cấp từ thức ăn không đủ, các thực phẩm tinh chế, đóng hộp, chế biến không đúng cách. Việc nấu nướng làm mất tất cả các loại Vitamin như lạnh làm mất Vitamin B5, lò Viba làm mất Vitamin B9, B12, ánh sáng làm mất Vitamin B2, B9, B12,...

Những biểu hiện thiếu Vitamin bao gồm: Thiếu Vitamin A gây quáng gà, khô mắt; thiếu Vitamin D gây còi xương; thiếu Vitamin E gây thoái hóa thần kinh cơ; thiếu Vitamin K gây xuất huyết; thiếu Vitamin B1 gây tê phù; thiếu Vitamin PP gây sa sút trí tuệ, tiêu chảy, viêm da; thiếu Vitamin B9, B12 gây bệnh thiếu máu hồng cầu to, thiếu máu ác tính; thiếu Vitamin C gây thiếu máu, viêm lợi, rụng răng,… Về phương diện lâm sàng, người thiếu Vitamin có thể bị rối loạn hệ thần kinh với các biểu hiện như cáu gắt, mất ngủ, giảm khả năng lao động,... thậm chí rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.

Khắc phục bằng cách cơ thể thiếu Vitamin nào bổ sung Vitamin đó. Cụ thể là người ăn chay cần bổ sung B12, D; người bị cắt dạ dày, hồi tràng bổ sung B12; người bệnh về mật, tụy bổ sung các Vitamin tan trong dầu như A, D, K, E; người nghiện rượu bổ sung Vitamin các loại nhất là B1; người lớn tuổi cần bổ sung Vitamin D và B9; người có thai cần bổ sung Vitamin các loại nhất là B9, B12; đối với trẻ sinh non cần bổ sung Vitamin D, E, K, B6, B9 và C; trẻ nhũ nhi phải bổ sung Vitamin D, A, K,…

Vai trò của Vitamin với sức khỏe và cảnh báo tình trạng bổ sung thừa

- Vitamin A có vai trò tạo sắc tố võng mạc, biệt hóa tế bào biểu mô, tham gia tái tạo xương, được chỉ định điều trị những bệnh về mắt, xương, da,... Tuy nhiên, liều cao có thể gây ngộ độc Vitamin A, ở trẻ em làm tăng áp lực nội sọ, đau xương, viêm da, viêm teo thần kinh thị giác, mù. Người lớn thừa Vitamin A gây đau đầu, rối loạn kinh nguyệt, suy gan, tăng Canxi máu, rối loạn tâm thần, thậm chí gây quái thai ở phụ nữ có thai.

- Vitamin B6 là coenzym trong chuyển hóa acid amin, tham gia vào quá trình tạo máu, tái tạo tổ chức biểu mô; đồng thời, tham gia chuyển hóa Tryptophan thành Serotonin, một chất quan trọng của hệ thần kinh. Việc dùng liều cao hoặc dùng kéo dài nhiều tháng sẽ dẫn đến viêm đa dây thần kinh, giảm sút trí nhớ, tăng men gan,...

Ảnh minh họa

- Vitamin B12 là coenzym tham gia tổng hợp acid Nucleic và Myelin nên có vai trò trong cấu tạo và hoạt động của hệ thần kinh, tạo máu, tái tạo nhu mô gan. Thừa Vitamin B12 (thường do tiêm liều cao) gây hoạt hóa hệ đông máu làm tăng đông máu gây tắc mạch.

- Vitamin C có vai trò tham gia cấu trúc của tổ chức liên kết, tổng hợp Catecholamin, trung hòa các gốc tự do, làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Việc dùng Vitamin C liều cao có thể gây tan máu, nhất là ở những người thiếu men Glucose 6 photphat dehydrogenase, người đang có tăng sắt huyết thanh. Tình trạng trên cũng có thể làm tăng tạo gốc tự do, mất ngủ, kích động, sỏi thận, giảm tiết insulin, giảm thời gian đông máu,...

- Vitamin D có vai trò tái tạo xương, làm tăng hấp thu Canxi từ ruột và điều hòa mức Canxi máu. Thừa Vitamin D sẽ làm tăng Canxi máu, ở trẻ dưới 1 tuổi có thể gây kích thích, co giật, xương hóa sụn sớm. Với người lớn, liều cao gây chán ăn, nôn, tiêu chảy, rối loạn tâm thần.

- Vitamin E tham gia ngăn cản quá trình ôxy hóa lipid ở màng tế bào, chống ôxy hóa. Thừa Vitamin E gây rối loạn tiêu hóa, đau đầu, rối loạn thị giác, ức chế chức năng sinh dục, gây tổn thương thận.

Khi cơ thể không thiếu Vitamin thì không cần bổ sung bằng thuốc mà có thể dùng dưới dạng thức ăn. Nếu dùng thuốc, nên chọn đường uống trừ khi ống tiêu hóa không hấp thu được hoặc phải nuôi dưỡng ngoài đường tiêu hóa. Liều lượng Vitamin phải theo hướng dẫn của chuyên gia y tế trên từng đối tượng trẻ em, người lớn, phụ nữ có thai, trạng thái bệnh lý,...

Không nên dùng phức hợp thuốc nhiều loại Vitamin tan trong dầu, vì dễ gây tình trạng tích lũy Vitamin.

Những điều kiện để cơ thể tổng hợp được Vitamin tốt nhất

- Vitamin D sinh ra khi cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời nên thời gian tắm nắng tốt nhất là từ 7 đến 10 giờ sáng.

- Vitamin A, D, K, E tan trong dầu nên khi nấu cần cho ít dầu mỡ.

- Các Vitamin bị phá hủy ở nhiệt độ cao nên khi chế biến không nấu nhừ quá.

- Vitamin C có nhiều trong rau nên chế biến rửa rau rồi mới cắt, ăn ngay khi chế biến, không lưu trữ quá lâu./.

DSCKII Lý Thị Nhất Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nen-su-dung-hop-ly-vitamin-a165631.html