Đắn đo khi bỏ đi những món đồ cũ

Có nhiều món đồ đã lâu không dùng tới, nhưng chủ nhân của nó lưỡng lự không muốn bỏ đi. Các món đồ cũ đó đôi khi gắn với nhiều kỷ niệm trong quá khứ, khiến người ta lưu luyến.

Sau khi quyết định đóng cửa nhãn hiệu trang sức của mình, tôi ở trong trạng thái lấp lửng không biết nên làm gì. Tôi không muốn quay trở lại công việc cũ nhưng cũng không thể tiến lên vì thấy sợ hãi. Tôi đã bỏ mặc hàng trăm món trang sức của mình trong xưởng bỏ hoang và thậm chí còn không thể nhìn vào chúng vì chúng khiến tôi thấy khó chịu nhưng cũng không thể rũ bỏ chúng được.

Danh tính con người tôi trong nhiều năm qua đã gắn chặt với trang sức, bỏ nó đi là tôi đang thừa nhận mình không phải là người như mình từng tưởng.

Tôi không phải kiểu doanh nhân tài năng sôi nổi hoặc một nhân viên chăm chỉ hay một người mẹ có thể cân bằng giữa công việc và việc dạy dỗ con cái, và điều đó nói cho tôi biết điều gì? Những câu hỏi và những vỡ lẽ đó mới đau đớn làm sao, tôi tránh né chúng lâu nhất có thể, bởi thế việc lọc bỏ đồ ở khu trang sức vẫn chưa được động đến cho đến tận gần đây.

Trong quá trình bạn lọc bỏ đồ, nỗi sợ có thể ẩn dưới nhiều hình hài khác nhau, một số rõ ràng, một số lập lờ hơn. Chúng ta sợ bị lãng quên, sợ những gì tiếp theo, sợ già đi và sợ bị gạt ra ngoài, bởi thế chúng ta cứ cố thủ mãi.

Chúng ta sợ mất đi danh tính khi nhận ra mình không còn là nghệ nhân hay gã trượt tuyết ấy nữa, không còn là doanh nhân diện vest hay nhà sưu tầm truyện tranh, bởi thế chúng ta giữ mọi thứ bên mình, những thứ đi kèm với câu chuyện đó, sợ nhìn quá gần bởi như thế sẽ thấy mình đã thay đổi nhiều tới mức nào.

Khi giữ lại những món đồ vô ích, không dùng hoặc thậm chí không muốn nữa, chúng ta đang chọn một kiểu khó chịu này thay cho một kiểu khó chịu khác. Chúng ta đang chọn mắc kẹt, ôm đồm và ngập lún, thay vì đặt ra những câu hỏi khó trả lời hoặc thừa nhận sự thật là chúng ta đã thay đổi và thời gian đã chảy trôi. Khác biệt lớn nhất giữa hai dạng khó chịu là: Sự thay đổi tích cực nằm ở một đằng, một đằng thì không.

Cuối cùng, tôi đã cho đi tất cả số trang sức ấy bởi tôi nhận ra rằng khi nằm im lìm trong xưởng của mình, chúng đang trì kéo con người tôi lại. Tôi tiếp tục gắn danh tính của mình với những món đồ đó, nhưng thay vì là một điều tích cực, nó đã biến thành một thất bại cùng thái độ căm ghét bản thân. Tại sao tôi lại muốn giữ chúng? Cho đi vừa giải phóng được tâm can vừa cất được gánh nặng vật lý.

Thêm nữa, chuyện cho đi thực ra ít đáng sợ và nhẹ nhõm hơn nhiều so với những gì tôi hình dung. Một khi đã thừa nhận sự thay đổi và ngừng phán xét nó, dù thế nào thì thời gian vẫn trôi, tôi đã có khả năng buông bỏ. Chỉ thế thôi.

Con đập chắn đã vỡ và tôi có thể bỏ đi thêm rất nhiều thứ nữa cùng rất nhiều tầng gác mái khác, dần dần nó cho phép tôi xây dựng một cuộc đời mà bây giờ tôi muốn chứ không phải cuộc đời mà một năm trước tôi mong muốn.

Nếu bạn e ngại với những gì có thể diễn ra khi loại bỏ đồ đạc không còn liên quan nhiều đến cuộc sống của mình, hãy thử phương pháp đặt câu hỏi để tái cấu trúc nỗi sợ.

Nhờ bỏ đi những bức vẽ không còn dùng nữa, những cuốn truyện tranh không còn sưu tầm nữa, chiếc guitar không còn chơi nữa, ván trượt tuyết mua để thỏa nỗi đam mê nhưng chỉ được sử dụng duy nhất một lần trong suốt sáu năm trời, bạn đã bộc lộ những phần khác trong con người mình.

Bạn cho bản thân cơ hội phát triển, khám phá và thử sức trước những điều mới mẻ cũng như nghĩ theo những hướng khác. Việc đó mới tự do và phóng khoáng làm sao.

Brooke McAlary/ BestBooks và NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/dan-do-khi-bo-di-nhung-mon-do-cu-post1474585.html