Mưa dầm chưa thấm được đất

Đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh được ưu tiên, các ngân hàng đã giảm xuống còn khoảng 13-16%/năm. Thế nhưng, khi được hỏi đa phần các doanh nghiệp đều nói chung một quan điểm rằng: việc giảm lãi suất không còn là giải pháp mà họ mong chờ.

Đối với lĩnh vực sản xuất - kinh doanh được ưu tiên, các ngân hàng (NH) đã giảm xuống còn khoảng 13-16%/năm. Thế nhưng, khi được hỏi đa phần các doanh nghiệp (DN) đều nói chung một quan điểm rằng: việc giảm lãi suất không còn là giải pháp mà họ mong chờ.

Đọc E-paper

Quyết định giảm lãi suất được đưa ra trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm, chỉ 4% trong quý I - Ảnh: Quý Hòa

Thực tế là ngay khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất thêm 1%, các NH cũng nhanh chóng tung ra nhiều gói sản phẩm cho vay với lãi suất mới. Bên cạnh các gói cho vay sản xuất, các NH cũng mở hẳn cửa cho vay tiêu dùng.

Chẳng hạn, trước đây chỉ cho vay để mua nhà để ở, đến nay hầu hết các nhu cầu vay vốn thuộc lĩnh vực bất động sản như mua nhà để đầu cơ, đầu tư, cho thuê; cho vay xây dựng nhà để bán, cho thuê; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà ở trong khu đô thị... đều được loại trừ khỏi nhóm không khuyến khích cho vay.

Cụ thể, Techcombank công bố dành 4.000 tỷ đồng, với mức lãi suất từ 15%, cho DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, hàng tiêu dùng thiết yếu, kinh doanh mặt hàng truyền thống... Eximbank dành 6.000 tỷ đồng với lãi suất 16,5%/năm.

BIDV cũng công bố mức giảm lãi suất cho vay với mức hạ từ 1% - 2,5%/năm. ABBank không chỉ công bố gói 2.000 tỷ đồng dành cho DN xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi giảm 2%/năm so với lãi suất thông thường, mà còn triển khai mạnh gói chương trình “Mua nhà an cư” - dành cho các khách hàng có nhu cầu vay mua nhà/ đất, xây/ sửa chữa/ nâng cấp nhà với lãi suất ưu đãi là 18,5%/năm.

Theo đánh giá của ANZ, lãi suất liên NH giảm sẽ giúp hạ thấp chi phí vốn so với mức lãi suất còn tương đối cao khoảng 16 - 20%/năm vào tháng 2 vừa qua. Các NH đồng loạt giảm lãi suất cho vay tạo tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, đặc biệt khi các DN đang thiếu vốn.

Dù lãi suất đã giảm, nhưng thông tin DN vẫn than khó tiếp cận vốn vay vẫn còn khiến Thống đốc Nguyễn Văn Bình phải tuyên bố: “NH cũng là DN, đương nhiên họ cũng cần tính toán, cân đối. DN thì cũng có nhiều loại, tình hình tài chính khác nhau. Xin cứ thông tin và giới thiệu đến NHNN, tôi khẳng định DN nào tốt, đủ điều kiện đều sẽ được cho vay lãi suất từ 15-16%”.

Tuy nhiên, thực tế không phải chỉ có các DN nhỏ và vừa than vãn mà ngay cả DN lớn có quy mô lớn cũng không nằm ngoài sự bế tắc. Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, chi phí lãi vay/giá thành của các DN niêm yết trên sàn chứng khoán đã tăng từ 2,93% năm 2010 lên 3,61% năm 2011.

Tương ứng, tỷ lệ chi phí tài chính/giá thành tăng 4,72% lên 5,56%. Kinh tế khó khăn, tình hình tài chính của nhiều DN xấu đi nghiêm trọng không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn.

“Nếu NH đã không muốn cho vay thì có hàng ngàn, hàng vạn điều kiện được đưa ra để nói rằng DN đó không đủ tiêu chuẩn để vay. Đối với các DN nhỏ và vừa thì mức độ tín nhiệm của khối này trong mắt NH cũng đang yếu đi. Họ luôn cảnh giác với khối DN này nên việc vay được tiền khó còn hơn lên trời!”, ông Trương Đình Hòe, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản bức xúc phát biểu.

Theo ông Hòe, với các DN lớn cũng chẳng khá hơn, các NH không tách bạch các khoản nợ cũ mới khiến việc vay vốn mới với lãi suất thấp rất khó.

Vì vậy, NH cần cơ cấu lại các khoản nợ của DN. Theo đó, các khoản nợ cũ cứ để đó, các khoản vay mới cần xem xét giải quyết để DN giải quyết vấn đề sản xuất kinh doanh.

NH HSBC thông tin rằng việc giảm trần lãi suất lần này có thể phần nào giúp đỡ các DN về mặt tín dụng, nhưng sẽ không tác động nhiều lên nhu cầu nội địa. Điều này cho thấy, việc giảm lãi vay không còn là mong muốn đơn thuần của các DN.

Ở khối này, họ mong Nhà nước có cái nhìn toàn diện hơn về khó khăn của DN như các loại phí, thuế, thị trường... Bởi lẽ, nếu có vay được vốn thì nguồn vốn đó chỉ đủ đóng phí, đóng thuế, bù lỗ vào việc nhập nguyên liệu... mà thôi.

Nguồn DNSG: http://doanhnhansaigon.vn/online/kinh-doanh/tai-chinh-chung-khoan/2012/04/1063578/mua-dam-chua-tham-duoc-dat/