Hai nhà sáng lập DeepMind từ bạn bè thời thơ ấu thành đối thủ về AI ở Google và Microsoft

Demis Hassabis và Mustafa Suleyman gặp nhau lần đầu ở London (thủ đô Anh) khi hai người vẫn còn đi học.

Mustafa Suleyman (sinh năm 1984) là con trai của một tài xế taxi, còn Demis Hassabis (sinh năm 1976) là thần đồng chơi cờ. Cả hai đều lớn lên ở những vùng khác nhau ở phía bắc London.

Bộ đôi này cách nhau 8 năm tuổi và Demis Hassabis bắt đầu theo học ngành khoa học máy tính tại Đại học Cambridge khi gặp Mustafa Suleyman vào giữa những năm 1990.

Đến năm 2010, cả hai đã đồng sáng lập DeepMind cùng với nhà nghiên cứu Shane Legg. Chưa đầy 4 năm sau, Google mua lại DeepMind với giá hơn 500 triệu USD.

Năm ngoái, để đối phó với áp lực ngày càng tăng từ các đối thủ như OpenAI và Microsoft, Google đã sáp nhập DeepMind với đơn vị AI trung tâm Brain, tạo thành Google DeepMind mới do Demis Hassabis lãnh đạo.

Có hơn 2.000 nhân viên, Google DeepMind đang dẫn đầu công việc về Gemini, mô hình ngôn ngữ lớn cạnh tranh với GPT-4 của OpenAI. Gemini trở thành một phần quan trọng trong chiến lược AI của Google.

Dưới sự chỉ đạo của Demis Hassabis, Google DeepMind đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy trí tuệ nhân tạo (AI) của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Trong khi đó, Mustafa Suleyman (rời Google vào năm 2022) gần đây được Microsoft tuyển dụng làm lãnh đạo đơn vị AI tiêu dùng mới thành lập.

Từ bạn bè thời thơ ấu trở thành hai nhân vật quan trọng nhất trong lĩnh vực AI, Demis Hassabis và Mustafa Suleyman đã thấy mình đứng ở hai phía đối lập trong cuộc đua ngày càng căng thẳng giữa các gã khổng lồ công nghệ.

Mustafa Suleyman (trái) và Demis Hassabis (phải) đồng sáng lập DeepMind, nay trở thành đối thủ về AI - Ảnh: Getty Images

"Sự cạnh tranh thân thiện"

Demis Hassabis và Mustafa Suleyman dường như có cái nhìn hơi khác biệt về mối quan hệ của họ.

Mustafa Suleyman đã dành phần lớn sự nghiệp trước đây dưới cái bóng của Demis Hassabis, đầu tiên là tại DeepMind và sau đó là ở Google khi công ty khởi nghiệp AI ở London được mua lại.

Nói chuyện với tờ The New York Times, Mustafa Suleyman gọi mối quan hệ của anh với Demis Hassabis là "sự cạnh tranh thân thiện và tôn trọng".

Trong một cuộc phỏng vấn riêng, Demis Hassabis đã bác bỏ hoàn toàn ý tưởng về sự cạnh tranh với đối tác kinh doanh cũ của mình. Nói về Mustafa Suleyman, Demis Hassabis cho hay: "Hầu hết những gì cậu ấy học được về AI đều đến từ việc hợp tác với tôi trong suốt những năm qua".

Bộ đôi này đã dành hơn 9 năm làm việc cùng nhau tại DeepMind. Trong thời gian đó, Demis Hassabis đóng vai trò là gương mặt đại diện và Giám đốc điều hành DeepMind, chủ yếu dẫn dắt thương vụ bán lại công ty khởi nghiệp này cho Google.

Eric Schmidt, Giám đốc điều hành Google tại thời điểm mua lại DeepMind, năm ngoái nói với trang Fast Company rằng ông chỉ biết đến Mustafa Suleyman sau khi dành thời gian đáng kể bên Demis Hassabis.

Eric Schmidt kể: “Vào thời điểm đó, tôi không biết Mustafa Suleyman là một nhà công nghệ giỏi đến mức nào vì Demis Hassabis lấn át anh ấy. Mustafa Suleyman gần như ở trong cái bóng của Demis Hassabis. Thế nhưng, tôi nghĩ trong vài năm qua, anh ấy đã thoát ra khỏi cái bóng đó”.

Tại DeepMind, Mustafa Suleyman ban đầu là giám đốc sản phẩm và sau đó là giám đốc bộ phận AI ứng dụng. Vào năm 2020, Mustafa Suleyman đã gia nhập Google (công ty mẹ của DeepMind) với tư cách là Phó chủ tịch phụ trách chính sách và quản lý sản phẩm AI.

Nỗ lực dứt khoát thoát khỏi cái bóng của Demis Hassabis đã đến khi Mustafa Suleyman rời Google và đồng sáng lập công ty Inflection AI vào năm 2022.

Chỉ hai năm sau, Microsoft đã trả cho Inflection AI 650 triệu USD để thuê lại hầu hết nhân viên của công ty khởi nghiệp này, gồm cả những người sáng lập là Mustafa Suleyman. Bản thân Mustafa Suleyman trở thành làm Giám đốc điều hành Microsoft AI.

"Khá cầu toàn"

Khoảng thời gian của Mustafa Suleyman tại DeepMind không phải là không có tranh cãi. Đầu năm 2022, người đồng sáng lập DeepMind đã rời Google để gia nhập công ty đầu tư mạo hiểm Greylock Partners.

Trong cuộc phỏng vấn podcast trên trang web Greylock Partners, Mustafa Suleyman cho biết ông "thực sự làm hỏng mọi chuyện" khi được hỏi về những lời phàn nàn liên quan đến phong cách quản lý của mình.

Mustafa Suleyman tự mô tả mình là người "rất khắt khe và khá cầu toàn". Ông nói thêm: "Tôi nghĩ đôi khi điều đó đã tạo ra một môi trường mà về cơ bản tôi có những kỳ vọng không hợp lý về những gì mọi người phải hoàn thành và thời gian hoàn thành công việc. Cuối cùng, tôi trở nên khá cứng rắn, điều đó đã tạo ra một môi trường rất khắc nghiệt cho một số người".

Cuộc chiến giành nhân tài AI ở London

Một trong những việc làm đầu tiên của Mustafa Suleyman với tư cách là Giám đốc điều hành Microsoft AI là thành lập một trung tâm AI ở London, cũng là nơi Google DeepMind đặt trụ sở.

Động thái này là một phần của cuộc chiến giành nhân tài AI rộng lớn hơn giữa các hãng công nghệ và tạo tiền đề cho một cuộc cạnh tranh với Google, công ty cũ của Mustafa Suleyman.

Mustafa Suleyman nói: “Có rất nhiều tài năng và chuyên môn về AI ở Vương quốc Anh và Microsoft AI có kế hoạch đầu tư dài hạn, đáng kể vào khu vực khi chúng tôi bắt đầu tuyển dụng các nhà khoa học và kỹ sư AI giỏi nhất vào trung tâm AI mới này”.

Động thái trên có thể chứng tỏ sự khôn ngoan của Microsoft khi các hãng công nghệ lớn để mắt tới nguồn nhân tài AI chất lượng cao ở Google.

Microsoft đã hiện diện ở London trước đó, nhưng việc trung tâm mới tập trung vào AI và do người đồng sáng lập DeepMind điều hành chắc chắn sẽ không lọt khỏi tầm chú ý của Demis Hassabis.

Đại diện của Demis Hassabis và Mustafa Suleyman không trả lời câu hỏi từ trang Insider.

Khi Google củng cố các đơn vị AI bằng nguồn lực và tài năng lớn hơn, các đối thủ như Microsoft và Meta Platforms đang cố gắng chiêu mộ một số nhà nghiên cứu được đánh giá cao từ họ, với các báo cáo về gói lương đến 10 triệu USD. Bản thân Meta Platforms gần đây đã mất ba chuyên gia AI hàng đầu, còn Google mất một lượng nhân viên vào tay OpenAI trong năm qua.

Google DeepMind đang cố gắng giữ chân nhân tài bằng cách đưa ra các gói lương thưởng lớn hơn cho một số nhân viên. Trong một trường hợp, Sergey Brin (người đồng sáng lập Google) đã gọi điện cho một nhà nghiên cứu DeepMind chuẩn bị đến OpenAI và thuyết phục người này ở lại.

Khi cuộc chạy đua về AI của các hãng công nghệ lớn tiếp tục căng thẳng, Google có thể phải nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn chặn sự chảy máu nhân tài.

Làn sóng khởi nghiệp về AI đang làm nóng cuộc chiến giành nhân tài kỹ thuật ở châu Âu, khiến Google DeepMind phải lựa chọn giữa việc trả nhiều tiền hoặc mất đi những bộ óc giỏi nhất khu vực này.

Thành công vang dội của chatbot ChatGPT do OpenAI phát triển đã tiếp thêm động lực cho nhà đầu tư, những người đang đổ tiền vào các công ty khởi nghiệp AI đầy triển vọng, muốn tìm kiếm thành công nhanh chóng.

Thúc đẩy làn sóng đầu tư, hàng loạt các công ty AI nước ngoài, gồm cả Cohere (Canada), OpenAI và Anthropic (Mỹ), đã mở văn phòng ở châu Âu vào năm ngoái, gây thêm áp lực lên các hãng công nghệ đang cố gắng thu hút và giữ chân nhân tài trong khu vực.

DeepMind phải đối mặt với hàng loạt đối thủ được tài trợ tốt đang tràn ngập lãnh thổ của mình, trong khi ngày càng nhiều nhân viên công ty nghỉ việc để khởi động các dự án kinh doanh riêng.

Ngoài nhà đồng sáng lập Mustafa Suleyman, cái tên đáng chú ý rời DeepMind gần đây là nhà khoa học nghiên cứu Arthur Mensch - hiện là Giám đốc điều hành Mistral AI. Giống với Inflection AI, Mistral AI được định giá hàng tỉ USD trong thời gian ngắn hoạt động.

Trong nỗ lực rõ ràng nhằm ngăn cản nhân viên gia nhập hãng khác hoặc thành lập công ty khởi nghiệp riêng, Google DeepMind đã cấp cho một số nhà nghiên cứu cấp cao số lượng cổ phiếu hạn chế trị giá hàng triệu USD vào đầu năm 2024, theo một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này.

Người phát ngôn của Google DeepMind nói với Reuters: “Đó chắc chắn là một lĩnh vực cạnh tranh”, đồng thời cho biết công ty “tiếp tục làm tốt trong việc thu hút và nuôi dưỡng nhân tài”.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/hai-nha-sang-lap-deepmind-tu-ban-be-thoi-tho-au-thanh-doi-thu-ve-ai-o-google-va-microsoft-217093.html