Mong ngày mở hội

Đã thành lệ, khi những tia nắng óng ả chớm hè trên ngọn tháp trầm mặc thời gian, người ta lại hoài nhớ và mong đến ngày Tháp Bà Ponagar mở hội (từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch) để viếng thăm, cầu mong những điều trong tâm khảm của mình.

Đồng bào Chăm bày cỗ dâng lễ bà.

Tháp Bà Ponagar - cụm tháp bên cửa sông Cái là điểm di tích văn hóa đặc sắc hiếm có bởi sự giao thoa giữa tín ngưỡng dân gian Việt - Chăm. Một minh chứng rằng mọi dân tộc có thể khác nhau về văn hóa, nhận thức về tâm linh nhưng đều có một lòng thành thì đều hòa hợp để phát triển. Vì thế, lễ hội Tháp Bà Ponagar có vạn bà con tín ngưỡng Việt và Chăm cùng đến hưởng phúc Thiên Y Thánh Mẫu.

Người Việt ngày nay đi lễ viếng Thánh Mẫu thực sự là Tết của tâm linh, trang phục rực rỡ theo đúng nghĩa “mớ ba mớ bảy” của hội lớn. Việc nhiều gánh hát văn hầu đồng đến biểu diễn trong cái nắng nóng cháy bỏng mới cảm nhận được sự chân thành theo tín ngưỡng thờ mẫu của họ. Họ - những hậu sinh của lớp trước, đang sống trong thế kỷ số hiện đại mà vẫn thờ mẫu theo đúng cổ truyền là điều đáng mừng. Trong khi nhiều loại hình nghệ thuật cổ truyền như: Tuồng, chèo, dân ca đều mai một, lớp trẻ ít quan tâm mà lớp người đứng tuổi hôm nay vẫn tạo dựng những giá đồng, gánh hát văn tưng bừng sắc thái văn hóa cổ thì quý lắm, bởi hát văn hay hầu đồng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cần giữ gìn và phát triển. Trên sân thềm Tháp Bà linh thiêng, các nghệ sĩ dân gian cháy hết mình vì nghệ thuật cho cộng đồng. Đi hội Tháp Bà xem múa bóng, nghe hát văn là nét văn hóa đặc sắc của nền văn hóa tâm linh miền biển.

So với người Việt thì đồng bào Chăm coi lễ Tháp Bà là một trong những điều quan trọng cùng các lễ: Tết đầu năm mới Rija Nagar, Ramưvan, Ka tê. Đồng bào từ nhiều miền đất xa như Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định hành hương về viếng bà. Người Chăm đến với lễ hội Tháp Bà là Chăm theo đạo Bà La Môn. Hình ảnh đầu tiên là thấy các bà, các chị mặc áo Dwabong choàng khăn Aban hay khăn Khan Chrah bo, đầu đội giỏ Ciet đựng bánh trái đi lễ. Về bánh, người Chăm có rất nhiều bánh như: Tapei anung (bánh tét), tapei bilik (bánh ít) tapei coh, sakaya (bánh trứng), ginraong laya (bánh gừng)... Bởi theo quan niệm thì việc thờ cúng rất quan trọng và tôn nghiêm, mỗi một kiểu cúng thờ thần linh đều khác nên phải làm các loại bánh khác nhau. Cùng với bánh, hoa quả còn có gà luộc, rượu, trứng. Thường theo phong tục của người Chăm thì chỉ bày cỗ lễ xung quanh tháp để tưởng nhớ và bái vọng. Ai muốn cúng bái bài bản thì nhờ thầy làm thay. Các thầy sẽ tụng các bài thánh ca, thổi kèn Saranai, hay nhảy múa, đốt trầm… Chính mâm cỗ của người Chăm ở Tháp Bà là hình ảnh đặc sắc hiếm có ở miền đất này. Cũng như người Việt, đó là di sản văn hóa hàng trăm năm đến nay vẫn được giữ gìn.

MY ANH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202404/mong-ngay-mo-hoi-85f6112/