Máy bay Yak-130 Việt Nam lần đầu ném bom phá hủy mục tiêu mặt đất trong khoa mục huấn luyện

Máy bay Yak-130 ngoài chức năng huấn luyện phi công còn có thể đảm nhiệm vai trò tiêm kích hay cường kích hạng nhẹ.

Máy bay Yak-130 của Trung đoàn Không quân 940 vừa thực hiện khoa mục huấn luyện tác chiến dùng bom phá hủy mục tiêu mặt đất, mặt nước, cho thấy nó có thể thực hiện đa dạng nhiệm vụ được giao.

Yak-130 là một chiếc phi cơ rất linh hoạt, có khả năng chịu quá tải ở mức 8G và thực hiện được những động tác thao diễn đặc biệt nhằm huấn luyện phi công lái máy bay chiến đấu cao cấp.

Chiếc Yak-130 có buồng lái kiểu nhà kính với hệ thống điều khiển fly-by-wire tiên tiến gồm 3 màn hình hiển thị đa chức năng. Phi công phía trước còn có thể sử dụng hệ thống hiển thị mục tiêu trên mũ bay để tăng tốc độ phản ứng.

Tổng trọng tải vũ khí mà Yak-130 mang được là 3.000 kg, phân bổ trên 8 giá treo ở thân và cánh. Đặc biệt khoang mũi của Yak-130 hoàn toàn phù hợp để lắp đặt radar Osa được phát triển bởi NIIP Zhukovsky.

Radar này có thể theo dõi 8 mục tiêu, đồng thời tấn công 4 mục tiêu trên không hoặc 2 mục tiêu mặt đất cùng lúc. Phạm vi dò tìm mục tiêu với diện tích phản xạ radar 5 m2 là 85 km, tự động khóa mục tiêu từ cự ly 65 km.

Dễ thấy Yak-130 vượt trội MiG-21, Su-22 ở khả năng thao diễn trong không gian hẹp, cũng như tải trọng và các loại vũ khí không chiến tầm xa. Với radar Osa cùng tên lửa R-73, Yak-130 sẽ phần nào có thể tác chiến độc lập.

Hiện tại máy bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130 đang được Nhà máy Hàng không Irkutsk của Nga nghiên cứu để nâng cấp thành cường kích Yak-130M nhằm thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt.

Trước đó, Công ty Công nghệ Vô tuyến Điện tử (KRET), một thành viên của Rostec đã thông báo rằng một loại radar mới và hệ thống định vị - quan sát quang điện tử tiên tiến (OEPNK) đã được tạo ra cho máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130.

Theo Phó Tổng giám đốc thứ nhất của KRET - ông Vladimir Mikheev, sau khi trải qua hiện đại hóa, trong một số tình huống sử dụng chiến đấu, Yak-130M sẽ có các đặc tính kỹ thuật tiềm năng tiệm cận Su-25SM2.

Điều này sẽ cho phép máy bay tấn công các mục tiêu trên mặt đất và trên không mà không cần xâm nhập vào khu vực phòng không của đối phương.

“Radar trên Yak-130M sẽ hoạt động dưới sự điều khiển của một máy tính trung tâm chiến đấu duy nhất (BTsVM), kết hợp với hệ thống OEPNK mới của máy bay, cho phép sử dụng các loại vũ khí có độ chính xác cao”, ông Vladimir Mikheev nói rõ.

Đối với vỏ giáp bổ sung cho phiên bản tấn công của máy bay thì vẫn chưa có thông tin. Ngoài ra trước đó đã xuất hiện dự đoán rằng máy bay Yak-130M sẽ nhận được động cơ khác hiện đại hơn.

Trở lại năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Salyut cho biết đối với phiên bản tấn công của Yak-130M, dựa trên động cơ AI-222-25, họ đang phát triển sản phẩm SM-100 mới hoàn toàn với hệ thống điều khiển kỹ thuật số.

Trung tâm báo chí của Rostec cho biết, không giống như các động cơ AI-222-25 thông thường, loại SM-100 phải tăng lực đẩy của động cơ khi đốt sau từ 2,5 lên 3 tấn, cũng như cải thiện tốc độ, độ cao và đặc tính động.

Không chỉ có vậy, động cơ mới của máy bay Yak-130M dự kiến sẽ được trang bị hệ thống giám sát và điều khiển tự động kỹ thuật số điện tử (FADEC).

Thiết bị này có trọng lượng riêng và mức tiêu thụ riêng thấp hơn, mang lại tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng cao, giúp tiết kiệm nhiên liệu đáng kể và tăng khoảng cách bay thẳng lên khá nhiều.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/may-bay-yak-130-viet-nam-lan-dau-nem-bom-pha-huy-muc-tieu-mat-dat-trong-khoa-muc-huan-luyen-post554827.antd