Kỷ vật của hai nhà báo liệt sĩ

Năm 1965, tôi và hai đồng chí Ngọc Nhu, Lê Đình Dư (bút danh Hồ Thừa) đều mới ngoài ba mươi, trong danh sách những cây bút xông xáo lúc bấy giờ của Báo Quân đội nhân dân.

Mùa hè năm 1967, chúng tôi tổ chức một bữa tiệc liên hoan tiễn đưa nhau lên đường ra mặt trận. Tôi được cử lên sân bay Hòa Lạc để viết về những gương và những trận đánh chặn máy bay giặc Mỹ của các phi đội MiG-17 của ta. Còn Dư và Nhu thì được cử vào Vĩnh Linh, Quảng Trị. Gọi là một bữa liên hoan, nhưng chúng tôi mua về một mớ cá rô đem rán giòn để cùng uống bia Trúc Bạch. Đồng chí Tô Ân, Phó trưởng phòng Quân sự cũng ghé vào góp vui. Ăn uống xong, Dư đưa tôi bức tượng cô giáo bằng gỗ và nói: “Các tài liệu, sách báo, tớ đã gói gọn nhét dưới gầm giường, chỉ có bức tượng này, cậu giữ hộ cho tớ, nếu xảy ra chuyện máy bay ném bom và bắn phá vào khu trung tâm Hà Nội, cơ quan phải đi sơ tán, cậu nhớ mang theo, đừng để thất lạc, mất của tớ”. Dư có vợ tên là Kim, là cô giáo dạy cấp III ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Hai vợ chồng đã có một cháu gái. Chỉ là một bức tượng gỗ, nhưng tôi hiểu rõ, đó là vật kỷ niệm quý của Dư. Bởi vì tôi biết chuyện trong một dịp đi chơi với nhau ở Hà Nội, Kim đã ghé vào một cửa hàng mua bức tượng này đưa cho chồng và nói những điều sâu kín: “Ta thật sự đánh nhau với Mỹ rồi. Anh và các anh ở tòa soạn chắc chắn phải đi vào những nơi chiến đấu ác liệt với giặc Mỹ, em rất lo… Anh giữ lấy bức tượng này để luôn luôn có em bên cạnh”. Bức tượng chỉ ở trên bàn làm việc của Dư có vài tuần lễ thôi và bây giờ, trước giờ phút đi vào tuyến lửa, anh giao lại cho tôi cất giữ.

Dư đưa bức tượng cho tôi xong thì Nhu lại nháy tôi vào, kéo lên buồng làm việc của cậu ta. “Đánh nhau với Mỹ đừng có đùa!”. Nhu vừa cười vừa nói thêm: “Tớ đi chuyến này, lành nhiều mà dữ cũng không ít. Dư nhờ cậu giữ bức tượng cô giáo, tớ cũng nhờ cậu giữ thứ này, nhưng nhớ kín miệng cho tớ”. Đầu tiên là một lọ hoa nho nhỏ, xinh xinh màu nâu sẫm có điểm những nụ hoa màu trắng. Điều đáng nói, lọ hoa này thường được Q, công tác ở Báo Phụ nữ, một bạn gái rất thân của Ngọc Nhu, mang đến cắm một bông hoa trắng. Cậu ta đưa thêm một phong bì khá dày và nói nhỏ giọng: “Tớ chả giấu cậu làm gì, trong này có một số bài thơ của Q viết về tình yêu, về cuộc đời tặng mình, cậu cất giùm cho tớ. A, còn cái thẻ phóng viên của tớ nữa, tớ trao luôn cho cậu…”.

Tối hôm đó, trước ngày lên đường, chúng tôi sôi nổi bàn luận về nội dung bài vở của đợt công tác sắp tới. Dư nêu lên một mong muốn giản dị mà sâu sắc: “Truyện ký vừa rồi, mình lấy tài liệu gián tiếp qua một số cán bộ chỉ huy và một số gương chiến đấu được ra ngoài này báo cáo điển hình, vì vậy nó vẫn chưa sâu. Lần này nhất định phải bám sát một đơn vị trực tiếp quần nhau với Mỹ, mình hy vọng sẽ có tài liệu sống, nhiều chi tiết sống về sự chỉ huy tài tình của ta, về những con người chiến đấu giỏi của ta, làm sao bài viết phải trả lời được câu hỏi: Đế quốc Mỹ to lớn, hùng mạnh nhưng tại sao lại không thể đè bẹp được nước Việt Nam nhỏ bé? Thằng lính Mỹ cao to nhưng nhất định bị dũng sĩ Việt Nam nhỏ bé quật ngã? Mình phải “sờ mó” được “cái hồn”, cái “bên trong” của các trận đánh, của các gương chiến đấu”. Nhu cũng thẳng thắn góp ý: “Lâu nay nội dung các bài vở viết về các trận đánh, các gương chiến đấu na ná giống nhau. Tớ hoàn toàn đồng ý với Dư, phải “sờ mó” được “cái hồn”, cái “bên trong” của những điều mà mình muốn viết. Muốn được như vậy, không còn cách nào khác phải trực tiếp sống và chiến đấu với anh em, phải bám sát một đơn vị”.

Nhưng rồi hai tháng sau đó, Lê Đình Dư và Ngọc Nhu cùng hy sinh trên mặt trận Cửa Việt. Cả hai đi vào tuyến lửa, lòng thanh thản nhẹ nhàng, để lại bức tượng gỗ cô giáo, để lại lọ hoa hồng; rồi cũng thanh thản nhẹ nhàng mang theo hình ảnh người vợ yêu quý, mang theo hình ảnh người bạn gái yêu thương với ước mong cháy bỏng làm sao những bài báo sẽ được viết “có hồn”, có cái “bên trong” sẽ được viết thật hay, thật tốt.

Lê Đình Dư và Ngọc Nhu ơi, “cái hồn” và cái “bên trong” của hai cậu vẫn theo mình suốt những năm tháng ở chiến trường B3, chiến trường Campuchia, Tây Nguyên… Và bây giờ, mỗi lần nhìn bức tượng gỗ cô giáo, nhìn lọ hoa hồng, mình vẫn “thắp nhang” tưởng nhớ các bạn, tưởng nhớ một thời trai trẻ trong sự nghiệp phục vụ Báo Quân đội nhân dân.

KIM ĐỒNG (LINH CẢM)

(trích từ cuốn “Ký ức người cầm bút”, Nxb QĐND, HN, 2010)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/ky-vat-cua-hai-nha-bao-liet-si-521064