Cựu chiến sĩ Điện Biên kể chuyện trực tiếp đánh cứ điểm A1

Ở tuổi 91, đại tá Nguyễn Thụ vẫn giữ được giọng nói hào sảng, trí nhớ minh mẫn khi kể lại rành mạch về cuộc chiến đấu của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đặc biệt là cuộc chiến đấu tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch trên đồi A1 - trận địa ác liệt nhất.

Đại tá Nguyễn Thụ chia sẻ về ký ức Điện Biên năm xưa. Ảnh: Vi Giáng

Những ngày tháng gian khó nhưng hào hùng

Giữa những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi được gặp gỡ đại tá Nguyễn Thụ, nguyên Trung đội trưởng Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308. Sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn nhớ như in thời khắc ý nghĩa của cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là những ngày tháng đầy khó khăn, gian khổ nhưng rất hào hùng. Đại tá Nguyễn Thụ kể lại, năm 1949, lúc đó chàng thanh niên quê Bắc Ninh chưa tròn 16 tuổi đã viết đơn xung phong lên đường nhập ngũ. Vào quân ngũ, ông Nguyễn Thụ được biên chế vào Đại đội 42, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 và tham gia nhiều chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đạt nhiều thành tích trong chiến đấu, năm 1952, ông Nguyễn Thụ được chọn đi học sĩ quan khóa 7 tại Trường Lục quân Việt Nam (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) ở Vân Nam, Trung Quốc.

Tốt nghiệp khóa học 1952 - 1953, ông được bổ nhiệm chức Trung đội trưởng thuộc Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308. Trong thời gian làm công tác chuẩn bị đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 16/1/1954, Đại đoàn 308 được lệnh sang Lào thực hiện Chiến dịch Thượng Lào (từ ngày 29/1 đến ngày 13/2/1954) nhằm giúp bạn mở rộng vùng giải phóng và thực hiện nghi binh thu hút địch; đồng thời cô lập không cho địch chi viện từ Lào sang Điện Biên Phủ, buộc chúng chỉ còn một con đường là chi viện cho Điện Biên Phủ bằng đường không. Ngày 18/2/1954, sau khi hoàn thành giải phóng Thượng Lào, đơn vị ông được lệnh trở về Điện Biên Phủ tham gia chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch.

Nhớ lại bối cảnh đó, ông Nguyễn Thụ cho biết: “Sau thắng lợi giòn giã ở đợt tiến công thứ nhất; bước sang đợt hai, ngay trong đêm 30/3/1954 quân ta đồng loạt đánh vào 5 ngọn đồi ở phía đông Mường Thanh là A1, C1, C2, D, E. Đêm ấy, quân ta diệt gọn 3 cứ điểm C2, D, E; còn đồi C1, A1 hai bên giằng co, mỗi bên giữ một nửa và kéo dài cả tháng trời. Đánh đồi A1 chủ yếu là Đại đoàn 316 và Đại đoàn 308. Trận chiến ác liệt này, mặc dù địch bị tiêu diệt nhiều nhưng cán bộ, chiến sĩ của quân ta cũng hy sinh, tổn thất rất lớn”.

Trong đợt tiến công thứ hai, đánh cứ điểm A1 là trận chiến ác liệt nhất của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Là chiến sĩ tham gia trực tiếp chiến đấu ở đồi A1, ông Nguyễn Thụ và đồng đội đã chiến đấu ngoan cường, sẵn sàng đánh giáp lá cà với địch, quyết tâm bảo vệ trận địa.

“Với vai trò Trung đội trưởng, tôi được điều lên thay quân chiến đầu trên đồi A1 một ngày và gần hai đêm. Quân số 16, được trang bị 2 trung liên, 4 tiểu liên, còn lại là súng trường, đảm bảo đạn mỗi đồng chí 2 đến 3 cơ số, có 1 máy thông tin 2W. Thời gian này, Trung đội tôi chiến đấu nhiều trận rất ác liệt. Do tiếng pháo binh ta bắn mãnh liệt vào đồi A1 và pháo binh địch chống trả nên tai chúng tôi điếc đặc, không nghe được gì. Hiệp đồng và chỉ huy chiến đấu chỉ bằng quan sát ánh lửa đầu nòng súng của người chỉ huy. Qua chiến đấu, Trung đội tôi chỉ còn 5 đồng chí, còn lại là hy sinh và bị thương.

Đến 17h ngày 31/3/1954 đợt phản kích bắt đầu, do chỉ còn 5 người nên các đồng chí thương binh có thể còn chiến đấu được cũng cầm súng chiến đấu. Pháo binh ta bắn dồn dập vào trận địa địch, quân địch kêu la inh ỏi và tháo chạy. Sau trận chiến đấu này, 1 khẩu trung liên của trung đội bị hỏng, đạn và lựu đạn cũng gần hết, chiến sĩ thông tin hy sinh, máy 2W bị hỏng, Trung đội mất liên lạc với Sở huy Trung đoàn và pháo binh. Nước uống và lương khô cũng hết, khát đến cháy cổ, song chúng tôi bảo nhau chiến đấu đến cùng và sẵn sàng đánh giáp lá cà với địch, quyết tâm bảo vệ trận địa”- ông Nguyễn Thụ hồi tưởng lại.

Giữa thời điểm gay go, có khoảng 10 đồng chí cán bộ, chiến sĩ do chính Trung đoàn trưởng Hùng Sinh dẫn đầu mang theo cả vũ khí, máy thông tin lên trận địa. Hợp lực cùng với pháo binh, bộ đội ta đã giữ vững trận địa và tìm ra cách tiêu diệt cứ điểm A1, trực tiếp dẫn đến thắng lợi của toàn chiến dịch. Sau trận đánh này, ông Nguyễn Thụ và 1 đồng chí nữa được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Đại tá Nguyễn Thụ (ngồi giữa) cùng các nhân chứng lịch sử trong buổi gặp mặt, tri ân những người con ưu tú Hà Nội trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Vi Giáng

Phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ trong thời bình

Trải qua 70 năm, hồi ức về Chiến thắng Điện Biên Phủ gần như vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa, để mỗi dịp kỷ niệm lại được nhắc đến với niềm vinh dự và tự hào.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Thụ được điều về Trường Sĩ quan Lục quân 1 làm giảng viên. Năm 1959, ông được bổ nhiệm Trưởng khoa của 1 khoa giáo viên tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Sau 43 năm công tác trong quân đội, ông Nguyễn Thụ được tặng thưởng 8 huân chương (1 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều huân chương khác).

Với tinh thần “nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc”, ông Nguyễn Thụ nhiệt tình tham gia công tác cơ sở tại địa bàn dân cư, nhiều năm liền giữ vai trò Bí thư Đảng bộ phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, ông Nguyễn Thụ cùng lãnh đạo Đảng ủy phường Trương Định hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng địa phương phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành tích, khen thưởng, nhất là công tác xây dựng Đảng bộ, phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa giáo dục, bảo vệ an ninh trật tự. Với lòng cống hiến, tâm huyết và trách nhiệm cao, ông Nguyễn Thụ tạo được uy tín trong cộng đồng dân cư, cá nhân ông Nguyễn Thụ được trao tặng 5 Huy chương cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen khác do các cấp chính quyền trao tặng. Đại tá Nguyễn Thụ năm nay đã 91 tuổi nhưng sức khỏe, trí tuệ còn khá minh mẫn. Thời gian này, ông Nguyễn Thụ vẫn dành thời gian sáng tác văn học, viết báo, viết tác phẩm về người lính, chiến tranh để bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, nhắc nhở về “một thời hoa lửa” hào hùng của dân và dân ta, về chiến thắng Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cuu-chien-si-dien-bien-ke-chuyen-truc-tiep-danh-cu-diem-a1-380144.html