Ký ức tháng Ba

Đêm đã khuya lắm rồi. Bản tình ca buồn nhưng trở thành thánh địa ngợi ca tình yêu con người và cuộc đời của người nhạc sĩ lừng danh họ Trịnh từ quán cà phê cuối hẻm cũng vừa dứt. Đang tận hưởng cảm giác lâng lâng đến ngất ngây bởi nỗi lòng được vuốt ve qua những âm thanh đầy mỹ cảm ấy, tôi chợt bừng tỉnh... Những cơn gió đuổi nhau ngang qua cửa kính, tán cây cọ sát mái nhà oằn xuống, quệt vào nghe sột soạt... Tôi ngồi dậy, mở toang cửa sổ cho gió khuya mặc sức ùa vào. Lòng tôi dậy lên nỗi nhớ rưng rưng...

Tháng Ba cùng những cơn mưa cuối mùa nhẹ hạt nhưng buốt lạnh. Và sương, dường như cũng mang sẵn cái lạnh đến phụ họa cùng mưa phủ khắp cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ. Giữa đồng chiều khói sương như ảo ảnh, những người nông dân đang nhặt cỏ, be bờ. Tấm áo mỏng sờn vai qua bao mùa mưa nắng. Còn những đứa trẻ chăn trâu thì lom khom bắt cua, bắt ốc. Bùn bê bết nhưng nụ cười rạng rỡ. Tuổi thơ yên bình chẳng ngại cái đói, cái nghèo bủa vây.

Vậy là đã gần hai mươi năm tôi xa quê. Mỗi năm họa hoằn về thăm trong những ngày giỗ, ngày Tết. Góc sân nghèo lấm tấm rêu xanh. Bờ ao bên nhà cỏ mọc um tùm không ai buồn dọn. Cha khuất núi hơn mười năm, mẹ lưng còng, mắt kém quẩn quanh nơi chái bếp, hiên nhà… Nhớ những ngày này hôm xưa, mẹ dậy sớm nhóm bếp, đun nước pha chè. Thứ nước chè sánh vàng làm dịu cơn khát ban trưa dưới gốc đa đầu ngõ. Lúc cha ra vườn lấy rơm khô đun bếp, sương quấn lấy thân không nhìn rõ được người.

Cha đưa hai bàn tay hơ lửa, miệng nhẩm tính điều gì theo kinh nghiệm nhà nông. Rồi cha ăn vội bát cơm rang độn ngô, lùa trâu ra đồng cày sớm. Con nghé lon ton chạy sau vấp tiếng chó giật mình, cái xóm nhỏ xôn xao thức giấc. Mẹ lên nhà kéo chăn đắp cho các con, rồi quày quả lo đàn gà, đàn lợn. Tôi trùm khăn kín đầu vẫn không xua đi cái lạnh. Thềm giếng trơn làm bước chân mẹ lập cập. Tiếng gàu múc nước va lanh canh vào thành giếng cóng lạnh đến ê răng... Khi mặt trời ló dạng, mẹ gọi các con dậy đến trường. Chúng tôi cũng vội vội vàng vàng ăn bát cơm rang hay vài củ khoai luộc, rồi dắt díu ra đường. Mẹ với theo bảo mang mũ nón trưa về kẻo nắng.

Ừ nhỉ! Cùng sương mai là cái nắng hanh hao đầu mùa luôn cồn cào trong ký ức. Dù đêm khuya về sáng trời lạnh buốt nhưng ban trưa lại là nắng. Cái nắng vàng ươm như mật rót xuống đồng, dọc bãi và neo trên những tàn cây... Không oi nồng như nắng hạ, không mỏng manh nhợt nhạt như nắng mùa đông, cái nắng giao mùa trong khoảng nhớ vàng mơ đằm thấm chút lạnh sẽ sàng dễ chịu.

Hình như trong dáng áo tháng Ba không thể nào thiếu đi sắc đỏ ngời của hoa gạo. Gốc cây xù xì đầu làng đã âm thầm cất giấu những kỷ niệm tuổi thơ. Yêu sao cái màu hoa dân dã, khiêm nhường đã khắc khảm vào lòng không thể nào dứt được. Ngày con ra đi, mẹ vịn tay vào gốc cây gạo nhìn theo. Cơn gió chiều vô cớ thổi từng cánh hoa rơi... Để rồi dù dần quen nhịp sống thị thành nhưng lòng tôi đôi khi thổn thức. Người thành phố gọi hoa gạo bằng cái tên mỹ miều, sang trọng là mộc miên. Một lần, không gì ý nghĩa bằng, người đồng hương cùng cơ quan về quê đúng kỳ hoa gạo nở, đã chụp ảnh, quay phim và còn mang lên phố một chùm hoa héo, đỏ bầm, hăng hắc... Đến giờ vẫn y nguyên nỗi nhớ đến lặng người.

Tháng Ba, sương nắng và hoa gạo... giờ dẫu chìm sâu trong góc nhớ tuổi dại khờ. Giữa phố lạ xứ người, đông nghịt xe và khói bụi, tôi chợt nhớ những hình ảnh thân quen nơi quê nhà xa lắc... Nhớ đến thắt lòng vùng ký ức chưa xa đang tìm về mặn đắng nhưng cũng thật yên bình, ấm áp.

SƠN TRẦN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202303/ky-uc-thang-ba-3159343/