Khảo sát năng lực giáo viên để nâng cao chất lượng đội ngũ

Thực hiện lộ trình và giải pháp, biện pháp về cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, nhất là cấp THPT, ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên một cách toàn diện. Đặc biệt, từ năm học 2022 -2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch về khảo sát năng lực bộ môn của giáo viên dạy cấp THPT trên địa bàn toàn tỉnh.

Thảo luận nhóm trong giờ học môn tiếng Anh của cô và trò Trường THPT Yên Châu, huyện Yên Châu.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), thông tin: Mục đích của khảo sát giúp các cấp quản lý nắm được năng lực bộ môn của giáo viên dạy cấp THPT để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bồi dưỡng giáo viên nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới; nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên và công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên THPT, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Việc khảo sát năng lực giáo viên là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay và không gây áp lực đối với giáo viên. Bởi, về kiến thức cơ bản yêu cầu cần đạt đối với kết quả khảo sát của mỗi giáo viên là 5.0 điểm với đề khảo sát chất lượng có độ khó và thời gian làm bài theo đề khảo sát tương đương đề thi tốt nghiệp THPT. Ma trận đề thi tốt nghiệp THPT có khoảng 4 điểm nhận biết, 3 điểm thông hiểu, 2 điểm vận dụng, 1 điểm vận dụng cao. Việc làm đề khảo sát tương đương đề thi tốt nghiệp THPT là hết sức bình thường đối với giáo viên THPT, việc đạt được 5 điểm là hoàn toàn thuận lợi với trình độ, năng lực của giáo viên THPT, không gây khó khăn, áp lực cho giáo viên.

Quá trình tổ chức khảo sát được triển khai bằng hình thức trắc nghiệm online qua phần mềm Shub Classroom nên đảm bảo trung thực, khách quan; giáo viên chỉ tham gia khảo sát 1 lần/năm. Mỗi trường 1 phòng thi, thời gian thi 90 phút đối với môn Toán và 60 phút đối với các môn học còn lại sẽ tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí chuẩn bị và thực hiện, thuận tiện cho các trường/trung tâm và giáo viên.

Mỗi giáo viên tham gia khảo sát sẽ biết kết quả của mình ngay sau khi hoàn thành nội dung khảo sát; kết quả tham gia khảo sát của giáo viên được bảo mật và chỉ được các cấp quản lý có trách nhiệm sử dụng cho công tác quản lý, chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh nội dung/kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên/tự bồi dưỡng đối với giáo viên, cải tiến hoạt động chuyên môn, đảm bảo tính nhân văn, không gâp áp lực cho giáo viên. Ngoài ra, việc khảo sát còn giúp giáo viên tự soi lại mình xem còn yếu kiến thức bộ môn ở phần nào để có kế hoạch học tập/bồi dưỡng đạt chuẩn kiến thức/kỹ năng theo quy định.

Đối với việc sử dụng kết quả khảo sát, ngay sau khi hoàn thành nộp bài khảo sát, phần mềm sẽ cung cấp kết quả khảo sát riêng cho từng giáo viên tham gia. Sở GD&ĐT tổng hợp kết quả khảo sát của từng đơn vị, gửi riêng cho thủ trưởng đơn vị. Thủ trưởng từng đơn vị chịu trách nhiệm bảo mật kết quả khảo sát và quản lý, sử dụng kết quả khảo sát vào mục đích phát triển, nâng cao chuyên môn và bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng môn học đối với giáo viên của đơn vị.

Các giáo viên có kết quả khảo sát đạt từ 8/10 điểm trở lên sẽ được miễn tham dự kỳ khảo sát trong đợt khảo sát của năm học tiếp theo, được phân công dạy phù hợp, được ưu tiên trong các công tác tham gia chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn trong và ngoài đơn vị; được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực bộ môn của cá nhân cũng như hỗ trợ đồng nghiệp cải thiện kết quả khảo sát; được xem xét trong công tác tổ chức cán bộ.

Những giáo viên có kết quả khảo sát dưới 5 điểm phải điều chỉnh kế hoạch tự bồi dưỡng báo cáo tổ chuyên môn và trình ban giám hiệu để thủ trưởng phê duyệt thực hiện. Đối với những giáo viên có kết quả khảo sát dưới 5 điểm trong năm học 2022 - 2023, thủ trưởng các cơ sở giáo dục xem xét không phân công giảng dạy lớp 12 để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu chất lượng tốt nghiệp THPT năm 2023 và bố trí giảng dạy phù hợp ở các khối lớp khác.

Trường THPT Yên Châu hiện có 54 giáo viên, thực hiện kế hoạch khảo sát của Sở, nhà trường đã phổ biến chủ trương đến cán bộ, giáo viên, trang bị kiến thức cho giáo viên sẵn sàng tham gia khảo sát. Thầy giáo Trần Văn Thể, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Dựa trên kết quả khảo sát, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ bổ trí đội ngũ giáo viên theo đúng năng lực, trình độ sở trường, đồng thời giúp giáo viên bộ môn dạy trong trường điều chỉnh kế hoạch, nội dung, phương pháp tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Còn thầy giáo Nguyễn Hoài Dương, giáo viên Toán, Trường THPT Quỳnh Nhai, chia sẻ: Được phổ biến kế hoạch khảo sát năng lực đối với toàn bộ giáo viên THPT ban đầu chúng tôi khá lo lắng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu ký nội dung khảo sát tôi thấy đây là dịp để đội ngũ giáo viên tự soi năng lực của mình, còn thiếu, còn hổng nội dung gì để bổ sung hoàn thiện bản thân, thực hiện nhiệm vụ dạy học.

Trong năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024 chưa sử dụng kết quả khảo sát chất lượng giáo viên để xem xét đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ và thi đua - khen thưởng. Sau 3 năm thực hiện khảo sát, căn cứ kết quả của quá trình khảo sát sẽ xem xét, sử dụng cho phù hợp, đảm bảo khuyến khích giáo viên được phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn về kiến thức, kỹ năng môn học.

Việc thực hiện kế hoạch khảo sát năng lực giáo viên THPT từ năm học 2022-2023 là việc làm rất cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên THPT, đồng thời đảm bảo tính nhân văn và không gây áp lực cho giáo viên, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT.

Việt Anh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/khao-sat-nang-luc-giao-vien-de-nang-cao-chat-luong-doi-ngu-54408