Xây dựng Luật Nhà giáo: Thầy cô khấp khởi chờ tăng lương

Giáo viên cả nước đang khấp khởi chờ đợi chủ trương tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trở thành hiện thực khi Luật Nhà giáo được thông qua.

Động lực lớn để giáo viên yên tâm công tác

Như Báo Đại Đoàn Kết đã thông tin, Bộ GDĐT đang lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo Luật Nhà giáo. Thời gian góp ý là 60 ngày, tính đến ngày 13/7.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Cô và trò Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (Hà Nội).

Cô và trò Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (Hà Nội).

Trong đó, một trong những nội dung được hàng triệu giáo viên cả nước quan tâm nhất trong dự thảo là quy định tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Cô Phạm Minh Phương – giáo viên Trường THCS Phố Ràng 1 (Lào Cai) cho rằng, với đề xuất này, cô rất vui mừng và ủng hộ. Theo cô Phương, nâng lương sẽ giúp giáo viên yên tâm với nghề, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Hơn 22 năm công tác trong ngành giáo dục, đến nay thầy Lê Văn Tích – giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THCS Diễn Tân (huyện Diễn Châu, Nghệ An) có hệ số lương là 4,68 với tổng tiền lương thực nhận là hơn 11 triệu đồng/tháng, bao gồm cả phụ cấp đứng lớp.

Ngoài tiền lương trên, thầy Tích không còn khoản thu nhập nào khác bởi thầy từ chối việc dạy thêm vì không chính danh. Thế nên, khi Bộ GDĐT công bố dự thảo Luật Nhà giáo, đề xuất tăng lương được thầy Tích và thầy cô khác trong trường đều bàn luận rôm rả. Các thầy cô rất phấn khởi, vui mừng và cho rằng đây là động lực rất lớn để giáo viên thêm yêu nghề, yên tâm công tác.

Theo thầy Tích, người thầy có thu nhập khá hơn thì vị thế, giá trị của nghề giáo sẽ được nâng lên, được phụ huynh tôn trọng. Điều này sẽ giúp giáo viên tự tin hơn trong công việc.

"Hơn nữa, đã có thời điểm ngành sư phạm rất khó khăn trong công tác tuyển sinh. Tiền lương giáo viên cao sẽ thu hút được người tài vào làm công tác dạy học. Chất lượng đầu vào các trường đại học sẽ tăng. Như vậy chất lượng giáo dục được cải thiện”, thầy Tích nêu quan điểm.

Luật hóa chủ trương lương giáo viên cao nhất

Luật Nhà giáo được xây dựng với quan điểm tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục, trong đó có nhà giáo.

Đồng thời, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ; điều chỉnh các vấn đề về nhà giáo nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (Hà Nội).

Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (Hà Nội).

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, theo quy tắc xây dựng tiền lương mới, tiền lương cơ bản chiếm 70%, phụ cấp ưu đãi chiếm 30%. Riêng ngành Giáo dục sẽ được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, mục đích, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng Luật đã rất rõ. Vấn đề là cần trả lời được câu hỏi mà 1,6 triệu nhà giáo quan tâm: Nhà giáo sẽ được gì khi ban hành luật? Lực lượng nhà giáo nói chung sẽ được phát triển gì thêm từ luật này?

Theo Bộ trường Nguyễn Kim Sơn, cần thể chế hóa để bảo đảm sự bền vững, luật hóa chủ trương tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Trong dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò của nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao, bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước và là lực lượng nòng cốt của ngành Giáo dục.

Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực; là nhân tố chủ đạo trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; góp phần quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thực tế, một trong những nguyên nhân khiến giáo viên bỏ việc, chuyển việc gia tăng trong thời gian qua là do lương thấp. Muốn trụ được với nghề, nhiều giáo viên phải làm thêm không ít nghề tay trái.

Thế nên, đề xuất xếp tiền lương của nhà giáo ưu tiên cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đang là niềm vui lớn và được giáo viên cả nước khấp khởi chờ đợi chủ trương này thành hiện thực khi được luật hóa.

Tuy nhiên ngoài tiền lương, cô Phương, thầy Tích nêu ở trên cũng như nhiều giáo viên khác cũng mong chờ những cải cách thiết thực về chính sách, đồng thời tháo gỡ những rào cản để họ có thể yên tâm công tác và cống hiến với nghề.

Theo dự thảo, chính sách tiền lương của nhà giáo bao gồm tiền lương và phụ cấp và các chế độ khác (nếu có). Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục và tự chủ không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/xay-dung-luat-nha-giao-thay-co-khap-khoi-cho-tang-luong-10280419.html