Hướng về nguồn cội

Với những người học tập, lao động ở nước ngoài, về quê ăn Tết chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc, vừa hướng về nguồn cội, dịp sum họp đoàn viên với người thân sau thời gian dài xa cách, vừa là chứng kiến sự đổi thay trên quê hương yêu dấu.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 16,5 nghìn người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), chủ yếu làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và sản xuất nông nghiệp. Thị trường lao động chính tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... Các xã có phong trào XKLĐ mạnh như: Tam Dị, Đông Phú, Bảo Đài (Lục Nam); Tư Mại, Cảnh Thụy (Yên Dũng); Tân Hưng, Tiên Lục (Lạng Giang); Cấm Sơn (Lục Ngạn)... Nhờ nguồn thu từ XKLĐ, nhiều gia đình đã có cuộc sống đủ đầy, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Xa quê nhiều năm nên điều họ mong muốn nhất là sắp xếp được công việc, thời gian, kinh phí để về thăm gia đình, nhất là vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Hai mẹ con chị Nguyễn Thị Hà, thôn Bến, xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) cắt lá dong chuẩn bị gói bánh chưng.

Vợ chồng anh Nông Văn Đoàn, chị Nguyễn Thị Hà, thôn Bến, xã Cấm Sơn (Lục Ngạn) là một trong số đó. Anh Đoàn kể, năm 2017, hai vợ chồng anh sang Nga làm công nhân cho một công ty của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Ở nơi đất khách, vợ chồng anh không tránh khỏi cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân, nhất là khi Tết đến, xuân về. Vào dịp này, ban lãnh đạo công ty đều tổ chức cho anh em đón giao thừa, tặng quà, giao lưu văn hóa, văn nghệ nên mọi người vơi đi nỗi nhớ quê hương.

Năm nay, anh chị có nhiều điều kiện thuận lợi hơn nên quyết định đưa các con về quê ăn Tết. Vợ anh về từ tháng 7/2023, còn anh cũng lên chuyến bay hồi hương sau đó ba tháng. Ngoài niềm vui đoàn tụ, vợ chồng anh Đoàn còn ngỡ ngàng bởi diện mạo quê mình ngày càng khang trang. Anh nói: “Đường giao thông là điều thay đổi mà tôi nhận thấy rõ nhất. Đường làng từ 3-5 m trước đây nay được mở rộng thành 7 m rộng rãi, nhiều tuyến đường đất trước kia nay được đổ bê tông phẳng phiu. Tôi nghe mọi người trong thôn kể, nhà nào cũng tự nguyện hiến đất, các công trình và cây trồng trên đất để làm đường. Thông qua mẹ ở nhà, chúng tôi cũng đóng góp kinh phí để chung tay xây dựng quê hương”.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 16,5 nghìn người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và sản xuất nông nghiệp. Thị trường lao động chính tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga.... Một số địa bàn trong tỉnh có nhiều người đi xuất khẩu lao động như các xã: Tam Dị, Đông Phú, Bảo Đài (Lục Nam); Tư Mại, Cảnh Thụy (Yên Dũng); Tân Hưng, Tiên Lục (Lạng Giang); Cấm Sơn (Lục Ngạn)... Nhờ nguồn thu này, nhiều gia đình đã có cuộc sống đủ đầy, tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới, giúp nhau xóa đói giảm nghèo.

Chuyện trò với anh em, họ hàng, anh Đoàn biết thêm mấy năm gần đây, vùng lòng hồ đã được “đánh thức” nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc, quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền các cấp và đồng lòng, đoàn kết của người dân. Như xã Cấm Sơn quê anh có nhiều công trình được sửa chữa, xây mới (trụ sở làm việc của công an xã, trường học, trạm y tế, ngầm tràn…); vườn bãi của các hộ đều xanh tốt; cây rừng phủ kín đồi trọc; nhiều gia đình xây nhà to, mua xe đẹp, mở thêm xưởng bóc gỗ; nhiều dịch vụ bắt đầu xuất hiện; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm 2,57% so với năm 2022, địa phương đã hoàn thành 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới…

Về quê dịp này, anh và gia đình, bạn bè đã tổ chức một chuyến đi trải nghiệm ngắm cảnh hồ Cấm Sơn. Cùng ngồi trên chiếc thuyền máy ngắm nhìn đảo lớn, đảo nhỏ, ông Nông Văn Phụng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cấm Sơn là cậu của anh Đoàn nói rằng, những năm gần đây, lượng du khách đến hồ Cấm Sơn tăng cao, vào dịp nghỉ lễ, mỗi ngày có khoảng 2 nghìn du khách. Tour du lịch lòng hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần là điểm nhấn trong đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với trải nghiệm trên địa bàn huyện Lục Ngạn, giai đoạn 2021-2025. Anh Đoàn không ngờ ở nơi "thâm sơn cùng cốc" này lại có thể chuyển mình mạnh mẽ đến như vậy.

Như vợ chồng anh Đoàn, chị Kiều Thị Oanh ở thôn Trại Chùa, xã Yên Định (Sơn Động) cũng về quê đón Tết Nguyên đán với gia đình. “Cuối tháng 12/2023, tôi trở về quê sau 5 năm sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Lúc đó, tôi thấy trên đường các loại xe nối đuôi nhau đi lại nườm nượp, người bán, người mua tất bật ở các cửa hàng gần nhà. Tôi cứ ngỡ mình… về nhầm địa chỉ”, chị Oanh dí dỏm nói. Địa phương "thay da, đổi thịt" từng ngày, vì thế đời sống của người dân cũng ấm no, hạnh phúc hơn.

Được biết, xã Yên Định đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, trong đó nổi bật như thu nhập bình quân đầu người đạt 43,6 triệu đồng/người/năm. Yên Định quê chị giờ đây đã trở thành “thủ phủ” của huyện Sơn Động về sản xuất cây giống lâm nghiệp, cung cấp cho thị trường cả nước. Chị tâm sự, lần này không sang nước ngoài làm việc nữa mà sẽ tìm kiếm một công việc phù hợp tại quê nhà vì chị được biết tỉnh Bắc Giang có rất nhiều cơ hội việc làm với thu nhập ổn định.

Khi lao động ở nước ngoài, những người con Bắc Giang vẫn cố gắng gìn giữ các phong tục trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Được hồi hương đón Tết ở quê nhà, họ càng thêm trân quý quãng thời gian gần gũi với người thân. Thấy quê hương đổi thay, họ biết có được thành quả này là nhờ sự quan tâm chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự đồng lòng của toàn thể nhân dân. Hướng về nguồn cội, nhiều người đã đóng góp kinh phí, mong muốn cùng địa phương xây dựng thêm nhiều công trình, phần việc ý nghĩa.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/418517/huong-ve-nguon-coi.html