Đề xuất lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất thang bậc lương hành chính sự nghiệp

Chính sách tiền lương của nhà giáo bao gồm tiền lương và phụ cấp và các chế độ khác (nếu có). Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp…

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được nêu trong dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến góp ý. Cụ thể, liên quan đến chính sách tiền lương đối với nhà giáo, dự thảo Luật Nhà giáo nêu rõ: Chính sách tiền lương của nhà giáo bao gồm tiền lương và phụ cấp và các chế độ khác (nếu có). Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. (Ảnh minh họa).

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. (Ảnh minh họa).

Tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục và các cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.

Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù đó nếu đáp ứng được các quy định của chính sách. Nhà giáo công tác ở ngành lĩnh vực mà ngành, lĩnh vực đó có chính sách trùng với chính sách dành cho nhà giáo nhưng ở mức cao hơn thì được hưởng 1 (một) chính sách có mức cao nhất. Chính sách tiền lương của nhà giáo do Chính phủ quy định

Làm rõ hơn về vấn đề này, thông tin tại Tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức vào chiều 17/5, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Vũ Minh Đức cho biết, đã có gần 550.000 nhà giáo được lấy ý kiến phục vụ phân tích, hoàn thiện chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo. 5 chính sách đã được thiết kế trong dự thảo Luật gồm: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo. Thông qua các chính sách nhằm kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo; tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề...

Trước băn khoăn về việc liệu mức tiền lương mới (theo đề xuất) có thấp hơn mức lương hiện tại hay không, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Theo quy tắc xây dựng tiền lương mới, tiền lương cơ bản chiếm 70%, phụ cấp ưu đãi chiếm 30%. Riêng ngành Giáo dục sẽ được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất. Theo quy định, tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ, trong trường hợp thấp hơn, nhà giáo sẽ được bảo lưu mức cũ.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn đề xuất các chế tài để đảm bảo tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, tự chủ phải bảo đảm không ít hơn so với nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Quy định nêu trên cùng với một số chế tài khác (các hành vi bị nghiêm cấm đối với các cá nhân, đơn vị liên quan về nhà giáo, quy định về xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về nhà giáo…) nhằm bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng và bảo vệ nhà giáo dù công tác tại các cơ sở giáo dục trong hay ngoài công lập.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-xuat-luong-giao-vien-duoc-uu-tien-xep-cao-nhat-thang-bac-luong-hanh-chinh-su-nghiep-170860.html