Giấc mơ có lương hưu của lao động tự do ngày càng gần hơn

Giấc mơ có lương hưu, an tâm khi về già tưởng như sẽ không có ngày trở thành hiện thực với hàng triệu người lao động khu vực phi chính thức, tuy nhiên, với sự ra đời của chính sách BHXH tự nguyện, giấc mơ nay đã ở gần hơn.

Đã gần một năm qua, cứ tới trung tuần hàng tháng là điện thoại của ông Trần Hoàng Thành (61 tuổi, phố Kiên Thị Nhẫn, phường 7, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) lại có tiếng ting ting báo lương hưu. Khoản lương hưu hơn 2,1 triệu đồng/tháng tuy không cao nhưng đủ để ông không còn lo gánh nặng tuổi già.

Yên tâm khi có “bùa hộ mệnh”

Ông Thành cho biết trước đây, ông là cán bộ công tác tại phường 2, TP Trà Vinh. Sau 2 nhiệm kỳ công tác, ông đủ tuổi về hưu nhưng mới chỉ đóng BHXH bắt buộc được 14 năm 8 tháng.

Vì không đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc để nhận lương hưu, sau khi cân nhắc, ông Thành có ý định rút BHXH một lần với tổng số tiền 90 triệu đồng, một số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, khi lên cơ quan BHXH phụ trách, nhận được sự tư vấn đầy tâm huyết, nên ông đã đổi ý.

Tham gia BHXH tự nguyện là lựa chọn ưu việt để người lao động tự do có "khiên bảo vệ" khi về già (Ảnh: Thanh Dũng).

“Khi lên rút BHXH một lần, tôi được chị Hồng Anh - nay là Trưởng phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Trà Vinh) tư vấn, phân tích về những mặt lợi, mặt hại của việc rút BHXH một lần, lại được nghe thêm về những lợi ích bền vững của chính sách BHXH tự nguyện nên tôi đã rút lại quyết định rút BHXH một lần và chuyển sang đóng BHXH tự nguyện một lần để hưởng lương hưu”, ông Thành kể.

Đến nay, sau hơn một năm chính thức hưởng chế độ lương hưu do BHXH chi trả, ông Thành chưa bao giờ cảm thấy hối hận về quyết định của mình. Và, cứ mỗi lần nhận lương hưu, ông lại thầm biết ơn về sự tâm huyết, nhiệt tình của cán bộ đã tư vấn cho mình.

Theo ông Thành, điều tuyệt vời nhất khi quyết định ở lại lưới an sinh xã hội thay vì “rút một cục” là ông luôn cảm thấy yên tâm về tương lai và tuổi già. Không chỉ vì khoản lương hưu hàng tháng, mà còn là chế độ BHYT giúp ông không còn lo gánh nặng thuốc thang khi đau ốm.

Chủ động “tìm đường” vào lưới an sinh

Không có điểm tựa hơn 14 năm đóng BHXH bắt buộc trước khi tham gia BHXH tự nguyện như ông Thành, bà Ung Thị Tỉnh (phường An Phú, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) là trường hợp khá đặc biệt khi bà là người chủ động tìm cách để tham gia vào lưới an sinh xã hội.

Trước đây, bà Tỉnh làm việc cho một doanh nghiệp may ở Quảng Nam được 10 năm, đến năm 2000 nghỉ việc và nhận BHXH một lần. Sau đó, bà Tỉnh xin vào làm tại một trường nghề, đóng BHXH bắt buộc được hơn 11 năm thì đến tuổi nghỉ hưu, lần này bà không rút BHXH một lần nữa.

“Lần đầu, khi đó chưa có chính sách BHXH tự nguyện nên tôi bắt buộc phải rút một lần. Ở lần thứ hai, sau khi tìm hiểu lợi ích của chính sách, lại được sự ủng hộ của chồng, tôi đã quyết định đóng BHXH tự nguyện một lần để hưởng lương hưu”, bà Tỉnh chia sẻ.

Hàng triệu lao động tự do đang hưởng lợi ích từ chế độ BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình (Ảnh: Thanh Dũng).

Tháng 7/2021, bà Tỉnh đóng BHXH tự nguyện thì đến tháng 8/2022, bà nhận tháng lương hưu đầu tiên. Kể từ đó đến nay, bà luôn hài lòng với chính sách BHXH tự nguyện đầy nhân văn của Nhà nước khi tạo điều kiện cho người lao động tự do đóng bảo hiểm.

Nhận thấy niềm vui từ BHXH tự nguyện đem lại, từ đó bà Tỉnh trở thành “tình nguyện viên” của đại lý thu. Bà vận động phụ nữ ở địa phương tham gia BHXH tự nguyện để được nhận lương hưu, có thêm sự an tâm khi tuổi về chiều.

“Với chính sách BHXH tự nguyện thì ai cũng có thể có lương hưu để tự chủ đời sống, tinh thần và cuộc sống sẽ thoải mái hơn. Hơn nữa, lại có BHYT để được chăm sóc sức khỏe, không lo lắng trở thành gánh nặng cho con cháu, tạo áp lực cho xã hội”, bà Tỉnh nói thêm.

Có thể hưởng lương sớm ở tuổi 55-60

Có thể thấy, ngày càng có nhiều lao động tự do đang đặt niềm tin vào chế độ BHXH tự nguyện bởi những lợi ích tuyệt vời về an sinh xã hội. Đáng chú ý, cơ quan BHXH Việt Nam cũng đang liên tục đổi mới, hoàn thiện để đem lại lợi ích tốt hơn cho những người tham gia.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 8, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH, trong đó có khoảng gần 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.

Điển hình, tại Dự án Luật BHXH sửa đổi vừa trình Chính phủ đã đề xuất bổ sung quy định chuyển tiếp liên quan tới người tham gia BHXH tự nguyện trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1/7/2025).

Theo đó, lao động tham gia BHXH tự nguyện trước thời điểm này mà đóng đủ 20 năm thì được hưởng lương hưu ở tuổi 55 với nữ, 60 tuổi với nam. Lao động không bị trừ 2% như trường hợp nghỉ hưu trước tuổi.

Nếu đề xuất được thông qua, người tham gia ở khu vực tự nguyện được nghỉ hưu sớm 2-5 năm so với lao động ở khu vực bắt buộc. Với người tham gia BHXH tự nguyện sau tháng 7/2025, điều kiện hưởng lương hưu được đề xuất áp dụng theo quy định chung.

Cụ thể, lao động đóng 15 năm BHXH và đủ 61 tuổi 3 tháng với nam và 56 tuổi 8 tháng với nữ. Sau đó, tuổi hưởng lương hưu mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và 4 tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lý giải Luật BHXH 2014 quy định người đóng BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi tham gia đủ 20 năm BHXH và đủ 55 tuổi với nữ, 60 tuổi với nam. Các cơ quan, tỉnh thành vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu trên cơ sở này.

Trong khi đó, tuổi hưu đã tăng theo lộ trình trong Bộ luật Lao động năm 2019. Đề xuất nhằm phù hợp định hướng tăng tuổi hưu và kế thừa cam kết của Nhà nước, tránh ảnh hưởng niềm tin của người dân vào chính sách tự nguyện.

BHXH tự nguyện ra đời năm 2008, dành cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động. Sau 15 năm triển khai, cả nước có khoảng 1,46 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tỷ lệ bao phủ chỉ đạt 2,7% số người trong độ tuổi lao động.

Nhật Minh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/giac-mo-co-luong-huu-cua-lao-dong-tu-do-ngay-cang-gan-hon-1095573.html