Đặc nhiệm Trung Quốc: Mãnh long phương đông

Trung Quốc hiện đang nắm giữ một cơ số lớn các lực lượng đặc nhiệm (SOF). SOF là những chiến binh khét tiếng toàn cầu. Những câu chuyện về chiến công của họ tràn ngập trên khắp truyền thông đại chúng, từ các video game cho đến tiểu thuyết, điện ảnh và chương trình truyền hình.

Dễ hiểu hơn thì những hình thức truyền thông mang tính tập trung hao hao như những tổ chức của phương Tây. Tuy vậy, nhiều quốc gia cũng có các lực lượng đặc nhiệm thực địa mà các hoạt động triển khai của họ thường kín tiếng hơn so với một số nước khác.Bài viết này cung cấp những thông tin có sẵn về SOF nhằm tạo ra một hồ sơ toàn diện về lịch sử và cách bố trí hiện tại của họ.

Sự phát triển của đặc nhiệm Trung Quốc

Lịch sử Trung Quốc vốn đầy rẫy những cuộc chiến lớn nhỏ. Chẳng hạn như những cuộc chiến trong suốt thời Tam Quốc (220-280 sau Công Nguyên) đã làm chết ít nhất 40 triệu người. Giới sử gia ước tính rằng trong khoảng giữa 3 cuộc nội chiến lớn nhất Trung Quốc đã có 170 triệu người thiệt mạng. Thế chiến II và cuộc nội chiến Trung Quốc cũng tước đi sinh mạng của 22 triệu 500 ngàn người.

Sang thời kỳ tiền hiện đại, Trung Quốc thường xuyên triển khai các đại binh lên tới hàng trăm ngàn người. Huy động quần chúng là cách mà Trung Quốc thường làm khi phát động binh đao. Sau khi đánh bại Quốc dân đảng, đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) đã kiện toàn khái niệm này. Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc (PLA, lực lượng vũ trang chính của CCP) đã dựa vào đội quân và thiết bị đông đảo để bù đắp cho những thiếu hụt trong sản xuất công nghiệp.

Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc.

Cái gọi là “Chiến tranh nhân dân” là một dấu ấn trong thời cầm quyền của ông Mao Trạch Đông trong cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (PRC). Chiến tranh nhân dân tiếp tục là xu hướng chính thống cho đến chiến tranh Trung – Việt năm 1979. Sau cuộc chiến, PLA nhận ra bài học là cần phải cải cách triệt để chính mình. Các sĩ quan PLA nhận ra rằng chiến tranh nhân dân hoàn toàn không phù hợp với chiến trường hiện đại.

Kết quả là, những nỗ lực cải cách đã bắt đầu một cách nghiêm túc nhất. Trong suốt Thế chiến II và chiến tranh Triều Tiên, những nhóm binh lính được tuyển chọn đặc biệt đã thọc sâu và trinh sát bọc hậu phòng tuyến địch, nhưng đó lại là sự sắp xếp không chính thức và không chuyên biệt. PLA nhận thấy sự cần thiết phải có một lực lượng SOF chuyên dụng và được trang bị đặc biệt. Cũng cần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những cải cách thời ông Đặng Tiểu Bình liên quan đến Đặc nhiệm Trung Quốc (SOF). Sự hiểu biết của PLA về tính cần thiết của cải cách quân đội đã trùng hợp với việc ông Đặng Tiểu Bình lên làm chủ tịch PRC.

Ông Đặng đã đặt Trung Quốc vào một chiến dịch hiện đại hóa đầy tham vọng với 4 chương trình hiện đại hóa chi tiết nhằm thúc đẩy khoa học, nông nghiệp, công nghiệp – kinh tế, và quân đội. Việc đặt quân đội vào vị trí cuối cùng của hiện đại hóa là dấu hiệu cho thấy những ưu tiên chính của ông. Logic của ông Đặng rất đơn giản: xây dựng quân đội chuyên nghiệp, Trung Quốc cần các khả năng công nghiệp và kinh tế để đối phó với mối đe dọa từ những đối thủ tiềm năng. Nếu không có điều đó, hiện đại hóa sẽ là nhiệm vụ bất khả thi. Quá trình hiện đại hóa PLA diễn ra ì ạch trong suốt thập niên 1980, mặc dầu vậy PLA cũng đã thành lập nên đơn vị SOF đầu tiên trong năm 1988 mang tên Nhóm trinh sát đặc biệt (SRG). Được đào tạo về nhiều khả năng khác nhau, SRG sẽ trở thành lực lượng phản ứng nhanh cho bất kỳ cuộc chiến nào trong tương lai khi đất nước tham gia.

Đặc nhiệm Trung Quốc thuộc lực lượng Hải Long trong một hoạt động huấn luyện bắn góc. Ảnh nguồn: i.imgur.com/Zvxirdv.jpg .

Bắt đầu hiện đại hóa

Hiện đại hóa quân sự chỉ bắt đầu với chiến thắng liên minh trong sự kiện Chiến tranh vùng vịnh lần thứ nhất (năm 1991). Khả năng công nghệ cao của các hệ thống vũ khí mới, tính gây sát thương cao cùng tốc độ của chúng đã giúp liên minh đả bại đội quân lớn thứ 4 thế giới, gây choáng váng cho các sĩ quan PLA. Xa hơn, sự can thiệp của NATO vào khu vực Balkan đã củng cố quan điểm này: chiến tranh hiện đại đòi hỏi nhiều khả năng mà PLA hiện tại chưa đáp ứng được. Suốt thập niên 1990, PLA đã đẩy mạnh nhiều nỗ lực hiện đại hóa. Chiến tranh tương lai có sự tham gia của Trung Quốc sẽ diễn ra trong “các điều kiện công nghệ cao”. Một chiến trường như vậy đòi hỏi một lực lượng linh hoạt mà lý tưởng nhất là có khả năng tấn công phủ đầu nhằm vô hiệu hóa lợi thế công nghệ của đối phương. Một lực lượng như thế sẽ phải “nhỏ hơn, nhanh nhẹn hơn, dễ quản lý hơn” so với suy nghĩ trước đây.

Nỗ lực hiện đại hóa đã nhấn mạnh rằng đặc nhiệm là một yếu tố quan trọng trong chiến tranh hiện đại. Trong suốt cuộc chiến, các đội liên minh SOF đã ở sâu trong lãnh thổ đối phương nhằm thực thi các nhiệm vụ khác biệt. Lực lượng này đóng vai trò xác định và phá hủy mồi nhử, hoạt động dẫn đường, cùng việc sử dụng các loại đạn dẫn đường chính xác đạt mức độ tàn phá cao. Trung Quốc đã tăng quy mô cho SOF lên thành 7 đơn vị, mỗi quân khu có 1 đơn vị này. Đồng thời mỗi trung đoàn sẽ có từ 1.000 đến 2.000 quân, họ trực thuộc các Tư lệnh quân khu. Cấu trúc chỉ huy này là trái ngược với Mỹ khi họ đặt SOF dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh hành quân đặc biệt Mỹ (USSOCOM). Liên quan đến những so sánh trực tiếp và khả năng chiến đấu, cách tốt nhất là cho thấy sự tương quan giữa SOF Trung Quốc với Biệt động quân Hoa Kỳ thay vì Đội đặc nhiệm 6 (Seal Team 6), Lực lượng Delta, hoặc Mũ Nồi Xanh.

Mặt khác cũng cần nên biết về vai trò đặc nhiệm trong học thuyết của PLA. Trước hết phải khẳng định một điều rằng học thuyết Đặc nhiệm Trung Quốc là giống hệt với các đối tác phương Tây. PLA đã lấy kinh nghiệm chinh chiến trong quá khứ để định hình nên những nhiệm vụ mà SOF dự đoán sẽ triển khai. Trong một cuộc chiến thông thường thì những nhiệm vụ đó như sau: xâm nhập phòng tuyến địch; gây lộn xộn và phá vỡ đội hình hậu phương; phá hủy những mục tiêu quan trọng (radar, các kho tiếp tế, liên lạc, vận tải…); những nhiệm vụ khai hỏa; bắt giữ những mục tiêu cấp cao; hoạt động trinh sát; tâm lý chiến. Các hoạt động SOF sẽ đảm bảo thành công trong bất kỳ cuộc tấn công đường biển nào.

Hoạt động diễn tập của một nhóm đặc nhiệm thuộc PLA.

Vậy kịch bản xâm lược đường biển sẽ là như thế nào? Trước hết, trước khi lực lượng xâm lược chính tấn công một hòn đảo thì SOF sẽ đảm nhận việc đổ bộ lên hòn đảo này. Cũng giống như chiến tranh đảo Falkland (là cuộc chiến kéo dài 10 tuần giữa Argentina và Anh quốc, về hai lãnh thổ là quần đảo Falkland và Nam Georgia và Quần đảo Nam Sandwich tại Nam Đại Tây Dương) nơi các toán lính thuộc Đặc nhiệm không quân và thuyền đặc biệt sẽ đảm nhận việc giám sát các hoạt động và thời tiết Argentina, thì Đặc nhiệm Trung Quốc sẽ là công cụ tốt nhất để đảm bảo cơ hội thành công cao trong cuộc xâm lược này. Việc giám sát cũng sẽ diễn ra đồng thời với các cuộc đột kích nhằm làm suy yếu khả năng của lực lượng phòng ngự đối phương trong việc đáp trả cuộc đổ bộ lên bờ biển. Những mục tiêu trên hòn đảo đó lọt vào tầm ngắm của SOF gồm đường băng, trạm quan sát, kho đạn và các trung tâm liên lạc.

Mặt khác, SOF sẽ sử dụng đạn dẫn đường để tấn công các mục tiêu giá trị cao, gây tổn thất nặng cho hậu phương địch. Thêm nữa SOF cũng tham gia vào tác động tâm lý chiến. Các tài liệu của PLA lột tả chi tiết cách mà SOF có thể hỗ trợ trong việc làm “tan rã quyết tâm quân thù” thông qua việc làm chủ các phương tiện phát thanh và đài truyền hình. Những nỗ lực này cũng sẽ liên quan đến việc thực hiện chiến tranh tuyên truyền, đồng thời thiết lập các máy phát trên khắp lãnh thổ chiếm được.

Cấu trúc của lực lượng

Mặc dù được xem là một lực lượng chiến đấu mạnh hơn trước, nhưng SOF đang đối mặt với một vài vấn đề mà có thể dẫn đến sự thành công (hoặc thất bại) trên chiến trường hiện đại. Trước tiên, lính nghĩa vụ là cơ sở nhân sự cho SOF, còn các sĩ quan lại khá trẻ và thiếu kinh nghiệm thực chiến. Những người lính già đã rời hàng ngũ và quay trở lại đời sống dân sự nhiều năm. Ngoài ra còn có vấn đề về văn hóa, đó là SOF đòi hỏi tư duy độc đáo, sáng kiến và tính thích ứng; những nhân tố này lại rất khó tìm thấy tại đất nước Trung Quốc vốn nệ cổ. Ngoài ra, SOF không có “cơ sở hạ tầng hỗ trợ rộng rãi như vốn thường thấy trong cộng đồng SOF Mỹ”. Do vậy mà đặc nhiệm phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chính quy để triển khai như ý muốn. Tuy vậy, xét toàn cục thì SOF vẫn bị tích hợp nghèo nàn.

Một lính SOF thuộc Học viện cảnh sát đặc biệt được trang bị súng trường tấn công QBZ-95 với kính ngắm 3 chiều. Ảnh nguồn: i.pinimg.

Về cơ cấu tổ chức của SOF thì có một số vấn đề cần lưu ý như sau: ở cấp độ trung đoàn thì mỗi trung đoàn có quân số từ 1.000 đến 2.000 người, trong khi ở cấp độ lữ đoàn thì mỗi lữ đoàn có từ 2.000 đến 3.000 người. Mặt khác, thành phần lực lượng của SOF được phân bổ khá quy mô, gồm Không quân: tập đoàn quân dù 15 với các đội “Thần Sấm” hoạt động ở khu vực Hồ Bắc; Bắc Kinh: tập đoàn quân 38, cấp lữ đoàn; Thành Đô: tập đoàn quân 13, cấp lữ đoàn; Thành Đô: quân khu Tây Tạng, cấp tập đoàn; Quảng Châu: tập đoàn quân 42, cấp lữ đoàn. Nơi đây có 3 đơn vị SOF – lữ đoàn U/I, tiểu đoàn đặc nhiệm hoặc “Thánh kiếm phương Nam”; Tế Nam (Sơn Đông): tập đoàn quân 26, cấp lữ đoàn. Nhóm quân này có biệt danh là Chim Ưng; Lan Châu (Cam Túc): tập đoàn quân 21, cấp lữ đoàn; Lan Châu (Cam Túc): quân khu Tân Cương, cấp trung đoàn; Nam Kinh: tập đoàn quân 12, cấp lữ đoàn; Nam Kinh: tập đoàn quân 31, cấp lữ đoàn.

Phân bổ hải quân trong SOF cũng đáng lưu tâm, gồm Hạm đội Nam Hải, cấp trung đoàn. Có khả năng đây là lực lượng Hải Long do quy mô lớn của họ; Lực lượng hải quân gồm 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ trực thuộc Hải Long; Pháo binh thứ hai thuộc cấp trung đoàn; Thẩm Dương (Liêu Ninh): tập đoàn quân 16, cấp lữ đoàn. Nhóm này có tên gọi Mãnh Hổ Đông Bắc; Thẩm Dương (Liêu Ninh): tập đoàn quân 39, cấp tập đoàn. Nhóm này cũng có tên gọi Mãnh Hổ Đông Bắc. Ngoài ra còn phải nhắc đến Cảnh sát vũ trang nhân dân đặt ở Bắc Kinh và cấp tập đoàn, lực lượng này còn có tên khác là Thánh kiếm phương Đông. Và PAP: Học viện cảnh sát đặc biệt, cấp lữ đoàn.

Văn Chương (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/dac-nhiem-trung-quoc-manh-long-phuong-dong-i682574/