Con sóng đời, xin thôi vỗ, thân đê...

Tặng hai bé Dế Mèn, Dế Trũi.

Chiếc xe chầm chậm lăn bánh qua con đường vắng sau lưng tòa án. Nắng quái buổi chiều xiên khe khẽ qua khóe mắt tôi, lóa lóa. Khẽ quay đầu sang bên tay trái và nhìn qua ô kính nhỏ. Giờ cuối chiều, quán nhậu lề đường đã bắt đầu đông khách hơn. Tự dưng nhớ đến năm xưa, cũng góc phố này, cách nay chừng ba ngàn ngày thôi, nơi quán nhậu ấy vẫn còn là một tiệm café vắng với những buổi chiều chảy tràn đón bầy chim sẻ về. Chỗ ấy, nơi có ô cửa sổ mở rộng ấy, anh em nào đã cùng tôi tựa lưng nhìn chiều, anh em nào đã cùng tôi gọi một “round” beer hứng khởi, anh em nào còn lại hôm nay, anh em nào đã tìm vui nơi khác? Chỗ ấy, nơi có vỉa hè trải rộng như một thềm lá me ấy, đã từng có một dáng ngồi với nụ cười hiền lành trên khuôn mặt điển trai đúng kiểu Nam Bộ, mái tóc đen dài suốt lưng được vấn lên thành một búi tròn ngộ nghĩnh phía sau. Đó là người anh em vẫn còn lại với tôi đến tận hôm nay, sau gần mười năm bạn bè xưa ngựa đã tan đàn. Đó là Đỗ Quang Minh, người mà chúng tôi vẫn gọi thân mật là Minh Đô, người mà ba ngàn ngày sau lần đầu gặp gỡ, tôi vẫn thấy vẹn nguyên nỗi muộn phiền cũ. Có chăng đổi thay, chỉ là mái tóc đen tuyền khi xưa đã cắt ngắn, đổi màu.

Minh Đô và tôi biết nhau tình cờ, qua những anh em bạn bè cũ. Chúng tôi không quá thân khi ấy nhưng cũng không phải xã giao nhạt nhòa. Tôi ấn tượng mãi với trò vui mà anh dành cho chúng bạn, nhất là chị em phụ nữ. Anh thường lấy một trái dừa tươi đã lóc lớp vỏ ngoài, kê trên bàn, chặt bằng tay không cho chị em uống nước sau một màn pha trò kiểu “Sơn đông mãi võ”. Ngày cũ ấy, tôi nhìn Minh với con mắt luôn hình dung ra nhân vật Võ Tòng trong cuốn Đất rừng phương Nam của ông Đoàn Giỏi, một Minh Đô rặt chất Nam Bộ, phóng khoáng, cởi mở, bộc trực đến nhiều khi có vẻ phô. Nhưng cái phô ấy của anh lại không vô duyên chút nào. Cứ có anh, có những cái phô phô, thô vụng của anh là bạn bè có tiếng cười, sảng khoái.

Thuở ấy, cứ chiều chiều, tối tối, chúng tôi chẳng hẹn mà cùng tới địa chỉ cũ, cái quán có tên Sài Gòn Xưa&Nay mà chúng tôi vẫn gọi bằng địa chỉ là 33. Minh Đô không “điểm danh” thường nhật như chúng tôi nhưng anh vẫn hay ghé qua, sung lên là gọi beer kéo thành bàn nhậu bất chấp trong túi anh cũng chẳng có nhiều tiền. Ai mà chẳng cần tiền, Minh Đô có khi còn cần tiền hơn tất cả. Ấy vậy mà anh sống cứ như tiền chẳng là gì cả. Có đó, xài đó, đâu có sao. Miễn là anh thấy vui vì được gặp niềm vui trong mắt bạn bè là được. Còn kiếm tiền ư? Thôi thì… đó là việc của ngày mai…

Có lẽ hiếm có ai máu mê làm phim như Minh Đô. Ngay từ thời phim Việt bắt đầu mới rộ lên trở lại được vài năm, anh đã khăn gói dốc hết hầu bao sang Mỹ đi xem một cái hội chợ về thiết bị làm phim. Rồi tha lôi về cả dàn máy móc để làm hoạt hình 3D. Rồi thất bại. Anh lại lao vào cầy kéo, làm tất thảy mọi việc mà chủ yếu là làm chủ nhiệm cho những phim của anh em bạn bè. Tiền kiếm được, lại dốc vào những canh bạc làm phim, dốc vào đầu tư cho cả đội đua xe đạp lấy tên chính hãng phim của anh “Dofilm”. Rồi lại thất bại nữa. Rồi lại tiếp tục với cái điệp khúc đi cày, việc chi cũng đụng, việc chi cũng làm, miễn kiếm ra tiền là được. Lắm lúc, nhìn Minh Đô như ông chạy honda ôm chứ không phải là một ông đạo diễn nữa. Nhưng anh mặc kệ. Thời gian nó thế mà, nó cứ trôi đi vút vèo có sá chi ai. Con người ta phải già đi thôi nhưng Minh Đô thì không già đi như lệ thường người ta phải thế. Anh bạc phếch đi thì đúng hơn, bạc phếch đi từ mái tóc, bạc phếch đi đến dung mạo bên ngoài. Chỉ có một thứ vẫn còn trong anh, không bao giờ bạc phếch. Đó là sự kiên cường trước những thử thách của thời vận, và, nụ cười chứng tích cho tuổi trẻ vẫn còn hừng hực chảy trong dòng máu của người con trai Long Thành. Rồi lại có thêm ít tiền, rồi anh lại đầu tư chung với người khác để làm phim, một phần hùn ít ỏi thôi nhưng mang đầy hi vọng của anh và vợ con anh trong đó. Rồi lại là thất bại khác. Nhưng anh không nản. Vợ con anh cũng không nản. Vợ anh vẫn tươi rói nụ cười bất chấp khó khăn nào mỗi khi chồng chọn một quyết định lớn nào đó đối với cả gia đình. Và tiếng hai thằng Dế Mèn, Dế Trũi gọi “Cha ơi. Cha à” lại làm anh sung lên hơn cả đôi mươi, mười tám. Anh khiến tôi nhìn cuộc đời lạc quan hơn. Vì từ anh tôi hiểu một điều rất rõ: Mình làm ra tiền chứ tiền đâu có làm ra mình đâu.

Đạo diễn Đỗ Quang Minh.

Mới đây thôi, anh lại hùn với người ta làm phim nữa. Lần này thì hùn công, hùn sức. Anh chấp nhận cuộc chơi làm việc không công, phim có lãi thì anh được chia tiền. Tôi đặt câu hỏi “ranh ma” rằng “Sao anh dại thế? Lỡ phim huề vốn thì phần của anh sao?”. “Kệ đi chú ơi. Có sức chơi có sức chịu mà”, rồi anh khanh khách cười, cái nụ cười “Bùi Kiệm” dễ sợ. Nhưng toát ra từ nụ cười ấy là sự lạc quan kinh khủng, lạc quan đến mức tôi ngỡ ngàng vì tôi hiểu thời gian này, anh và gia đình đang vất vả lắm, vất vả vì phải kiếm tiền lo cho mảnh đất cắm dùi đầu tiên của đời anh sau hai chục năm có hơn bôn ba lăn lộn đất Sài Gòn.

Một điều đáng mến ở Minh Đô là anh chẳng bao giờ thấy buồn khi bạn bè cùng trang lứa anh ở trường Điện ảnh ngày ấy bây giờ đều thành công rực rỡ. Anh học cùng lớp đạo diễn với những Quyền Linh; Vũ Ngọc Đãng; Nguyễn Quang Dũng… và họ bây giờ đều có tên, có tiền... Nhưng anh không vì thế mà chạnh lòng. Nhắc tới họ là mỗi lần Minh Đô lại tỏ rõ sự trân trọng, quý mến năng lực của họ. “Ông Trời ông cho vậy rồi chú à. Tui không có nghĩ ba cái so bì lặt vặt đó”, Minh Đô đã có lần nói với tôi như vậy, không chút mảy may buồn phiền nào. Anh chỉ cần làm hết trách nhiệm công việc của mình và kiếm được tiền về để “vợ tui nó không thành con Dế than chú ơi” là anh vui rồi. Nhìn miệng cười anh khi ấy, nghe tiếng cười của anh khi ấy, vừa thấy nể lại vừa thấy thương. Sao ông Trời lại cứ tảng lờ anh mãi như vậy. Vất vả bao nhiêu năm rồi, chẳng lẽ phận số không dành cho anh một chút ơn huệ nào hay sao?

Mấy năm gần đây, tôi gần với Minh Đô hơn khi tuần nào cũng gặp anh trong một talk show anh làm đạo diễn. Có làm việc với anh, tôi mới thấy sự kiên trì không tưởng mà anh dành cho công việc. Chu đáo, hết mình, nhẫn nại và vẫn chịu chơi như hôm nào. “Nghèo thì cũng nghèo rồi. Anh em làm việc với mình phải sướng cái đã chú ạ”, anh cứ thản nhiên như không nói thế và dốc trọn những gì mình có thể cho anh em cùng ê kíp được vui, được cảm thấy họ đang được trân trọng thực sự trong mắt anh.

Mới đây thôi, Minh Đô mượn được mảnh đất nho nhỏ gần nơi anh mua đất làm nhà để dựng cái trường quay cho một show truyền hình khác mà anh đang làm. Chúng tôi xuống chơi, anh dựng lên bên cạnh căn hộ mẫu hiện đại một mái nhà tranh vách đất, với vườn chuối, luống rau, cây cau hàng dừa, bầy gà bên dòng kinh xanh mướt. Anh lăn vào làm như người thợ, rách hết cả hai bàn tay vì cầm rựa phát quang bãi lau lách rậm rạp mọc hoang dầy bên bờ kinh. Nhìn anh như người nông dân thứ thiệt, với ruộng, với đồng chứ không còn là một người đang làm nghệ thuật nữa. Tiết kiệm mà, được chút nào hay chút đó. Vả lại, “tự tay tui làm, tui thấy nó vui chi đâu chú ơi” như đúng anh khanh khách cười thổ lộ với chúng tôi khi mời cả nhóm xuống nhà anh ăn bữa vịt dưới mái tranh đúng nghĩa “về làng”. Những việc chịu thương chịu khó ấy đã biến một gã trai ngoài 40 như anh trở thành một “ông cụ non” mà chỉ nhìn ngoại hình thôi, ai cũng đoán anh già hơn chục tuổi.

Cuộc đời người ta mỗi người mỗi phận số. Tôi có phận số của tôi, Minh Đô có phận số của anh, chẳng ai trách móc chi phận số cả. Nhưng nhiều lúc tôi cứ băn khoăn, tại sao một người hiền lành, chân chất, trăn trở với công việc, dám dấn thân đến liều lĩnh như thế lại cứ gặp hết thất bại này đến thất bại khác. Rồi đã từng ngưng ngang chén rượu trên cái chõng tre trước hiên nhà anh, tôi nhìn ra ngoài dòng kinh, nơi tôi và anh đã lội sì sụp hôm nào, ngắm những đợt sóng cứ uôm oạp vào bờ, tôi chợt hình dung anh Minh Đô tôi như một thân đê, cứ căng mình như thế cho sóng của dòng sông đời thúc vào suốt tuổi. Anh sẽ căng mình được bao lâu đây? Sóng của dòng sông đời sẽ thử thách anh được bao lâu đây? Tôi không biết nữa nhưng tôi tin, sự kiên trì của thân đê sẽ mạnh mẽ hơn sự thách thức của dòng sông đời. Và tôi càng tin hơn, rồi một ngày, cái thân đê nhẫn nại kia sẽ thắng, sóng rồi sẽ lặng, dòng sông rồi cứ êm êm trôi nghiêng, và bên triền đê kia, bãi bồi sẽ xanh lên những mùa xanh cây trái. Ai nhìn thấy khó khăn mà chẳng có lần ái ngại, nhưng cứ ái ngại thế, lòng càng thấy hãi sợ khó khăn hơn. Chi bằng cứ kiên gan làm thân đê cho sóng dập dồn. Rồi một ngày, sông kia chắc cũng mỏi.

Bây giờ, chiều đã muộn rồi, Minh Đô chắc đang chơi đùa với Dế Mèn, Dế Trũi bên khu vườn nhà ngoài hiên căn nhà tranh vách đất. Và tự dưng, trong tai tôi vang lên tiếng cười sảng khoái, tiếng cười khanh khách mà chen vào đó là cái đánh yêu của vợ anh cùng câu quở “vô duyên”. Đằng sau lời quở ấy, là một tiếng cười khác, dịu dàng, cảm thông, ăm ắp yêu thương mà có lẽ, nhờ có nó, Minh Đô mới dũng cảm hơn cũng nên?. Bởi anh hiểu, anh không chỉ đang căng mình đối phó với sóng đời mà còn là con đê bao bọc lấy một gia đình, bảo bọc lấy những gì với anh là trân quý nhất…

Nguồn CAND: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/nhanvat/2014/3/57271.cand